Đầu tháng 1/2024, trang mạng xã hội của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh có đăng tải thông tin về trường hợp một sinh viên mắc bẫy lừa đảo việc làm, đến mức bị đưa ra nước ngoài. Bị những đối tượng xấu đánh đập, lấy hết tài sản và tiền bạc mang theo, nhưng may mắn sinh viên này vẫn trốn thoát được về Việt Nam. Ngay sau đó, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã phát cảnh báo về tình trạng lừa đảo “việc nhẹ lương cao” để thực hiện hành vi mua bán người, cướp tài sản thời điểm giáp Tết cổ truyền dân tộc.
Thực tế, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên bán hàng hay “việc nhẹ lương cao” lâu nay đã trở thành câu chuyện không hiếm gặp, nhất là trong cộng đồng sinh viên. Các đối tượng thường nhắm tới tân sinh viên, do đây là những bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm trong lựa chọn việc làm thêm. Cùng với “chiêu” thâm nhập môi trường học đường quen thuộc nhiều năm nay, gần đây, mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hoạt động có dấu hiệu lừa đảo việc làm.
Các đối tượng lừa đảo thường dẫn dụ nạn nhân bằng những món quà hoặc khoản tiền nhỏ để tạo niềm tin, sau đó tiếp tục đưa ra những thông tin liên quan đến nhu cầu việc làm phù hợp với sinh viên như trung tâm gia sư “ma”, công ty đa cấp và một số loại hình kinh doanh, làm việc trái pháp luật khác.
Những ngày cuối năm 2023, N.T.A., sinh viên một trường đại học trên địa bàn Thủ đô, đã nhận lời làm gia sư tiếng Anh cho trẻ em sau khi tìm thấy thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội. Nhận thấy công việc phù hợp thời gian biểu, lại có thông tin chi tiết về địa chỉ nhà riêng nơi dạy học, số điện thoại phụ huynh và đặc biệt là mức lương khoảng 3 triệu đồng cho 12 buổi dạy học mỗi tháng, chàng sinh viên năm hai đã vội vàng chấp nhận đóng khoản “phí giữ chân” là 500 nghìn đồng cho “trung tâm gia sư”. Đáng tiếc, khi T.A. tìm được tới “nơi làm việc” thì lại là địa chỉ không có thật, mọi phương thức liên lạc với “trung tâm” đều bị chặn.
Tương tự, T.C.N., nữ sinh năm nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận cắt chỉ thừa may quần áo qua một nhóm giới thiệu việc làm trên mạng xã hội. Tin vào việc chỉ cần nhận hàng về làm tại nhà với mức lương 100 nghìn đồng/ngày, N. chuyển khoản một triệu đồng tiền “đặt cọc nguyên liệu hàng”. Tất nhiên, ngay sau khi số tiền trên chuyển đi, “chủ xưởng may” lập tức biến mất hoàn toàn, kho bãi và xưởng may cũng không hề có thật.
Theo thống kê của Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án Chống lừa đảo (chongluadao.vn), trong tổng số 53 tỷ USD số tiền lừa đảo trót lọt trên toàn cầu, Việt Nam ghi nhận tới gần 16 tỷ USD. Các chuyên gia nhận định, các đối tượng xấu thường nhắm tới sinh viên, bởi đây là những “con mồi” thiếu thông tin về thị trường lao động và định hướng cá nhân, ít cảnh giác, có nhu cầu tìm việc bán thời gian và tần suất sử dụng mạng xã hội cao.
Giải quyết việc làm cho người lao động nói chung, thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an sinh. Luật Thanh niên năm 2020 quy định rõ: Thanh niên lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước; chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động, lựa chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội…
Để có được công việc phù hợp và bảo đảm an toàn, thanh niên, sinh viên thay vì dựa vào thông tin trôi nổi, chưa được xác thực trên mạng xã hội, cần chủ động tìm kiếm nguồn giới thiệu tin cậy, chính thống và quan trọng hơn là tìm hiểu nhu cầu, cơ hội từ thị trường lao động. Một trong những kênh hỗ trợ mà các bạn trẻ có thể tìm đến là các trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên do tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên… triển khai.
Ở chiều ngược lại, trung tâm dịch vụ việc làm các địa phương cần phát huy tốt vai trò, trách nhiệm cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm đến các bạn trẻ; kết nối có hiệu quả nhà tuyển dụng, công ty, doanh nghiệp với thanh niên; chủ động phối hợp các cơ quan, tổ chức và nhất là Đoàn Thanh niên các cấp; đặc biệt, cần chung tay với doanh nghiệp trong nắm bắt nhu cầu, số lượng, ngành nghề cần tuyển dụng lao động cũng như điều kiện, môi trường làm việc, mức lương, chế độ chính sách thực tế để phổ biến đến người lao động có nhu cầu.
Tổ chức Đoàn, Hội cũng cần phối hợp các ngành, nhất là ngành lao động-thương binh và xã hội tăng cường triển khai những chương trình tham quan thực tế tại doanh nghiệp nhằm tạo ý tưởng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.