Phóng viên: Năm học 2020 - 2021, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, theo đồng chí, các ngành, các cấp cần triển khai thực hiện những giải pháp gì?
TS Nguyễn Nho Huy: Mục tiêu đạt 100% HSSV tham gia BHYT đã được ngành giáo dục và BHXH Việt Nam đặt ra trong vài năm gần đây. Tuy nhiên, để đạt con số này, tôi cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, phối hợp các ngành, các cấp, mà nòng cốt ở đây vẫn là ngành giáo dục, BHXH Việt Nam, ngành y tế để thực hiện mục tiêu kỳ vọng này. Cần tập trung vào một số giải pháp chính. Trước hết, về cơ chế chính sách, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đang phối hợp Bộ Y tế hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả hệ thống y tế trong trường học. Hiệu quả hoạt động này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo động lực và niềm tin cho phụ huynh và học sinh sẵn sàng tự nguyện tham gia BHYT. Để đạt con số kỳ vọng 100% thì công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa ngành giáo dục và BHXH cần phải có thêm sự phối hợp chặt chẽ, bài bản hơn nữa…
Về phía ngành giáo dục, chúng tôi đã thực hiện làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT. Nhờ sự vận động tuyên truyền trong các cơ sở giáo dục mới đạt con số hơn 95% và tăng theo từng năm. Đó là việc tuyên truyền “đúng” đối tượng. Khi phân loại nhóm chưa đóng BHYT, chúng ta có thể tìm nguyên nhân, tư vấn tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống đoàn, hội, tuyên truyền trực tiếp tới đối tượng này chứ không dùng hình thức tuyên truyền rộng. Nhà trường cũng đã có chế tài xử lý với nhóm đối tượng sinh viên chưa đóng BHYT nhưng nhà trường muốn nâng cao công tác tuyên truyền hơn nữa.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục và BHXH Việt Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện BHYT ở các cơ sở và vai trò phối hợp ở các ngành địa phương trong thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường kiểm tra sẽ có tác dụng lớn đôn đốc các nhà trường thực hiện đầy đủ các biện pháp mà Bộ GD và ĐT đã quy định để tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao nhất.
Mới đây, Chính phủ ban hành nghị định trong đó có quy định xử phạt hành chính đối với đối tượng cố tình không đóng BHYT. Với HSSV, chúng tôi coi trọng giải pháp thuyết phục, vận động là chính. Nhưng có đối tượng có điều kiện cố tình chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT, thì ngoài việc thực hiện chế tài giáo dục, chúng tôi kiến nghị dùng chế tài mạnh hơn.
Phóng viên: Trong các đợt đi kiểm tra tại các địa phương dịp đầu năm học mới, đồng chí thấy có vấn đề gì cần lưu ý trong công tác phát triển BHYT HSSV?
TS Nguyễn Nho Huy: Tôi cho rằng, hệ thống y tế trong trường học ở một số địa phương, cơ sở giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Hiện, số cơ sở giáo dục chưa có nhân viên y tế trường học chiếm khoảng 25%. Với các trường đã có nhân viên y tế trường học thì trình độ chuyên môn bảo đảm theo quy định chỉ đạt 30%. Hầu hết nhân viên y tế trường học chưa có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh theo quy định tại Nghị định 146-NĐ/CP của Chính phủ. Do vậy, từ đầu năm 2019 đến nay, hầu hết các trường không được hưởng kinh phí trích lại từ Quỹ BHYT, dẫn đến chưa bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe ban đầu của HSSV trong các nhà trường. Hiện, Bộ GD và ĐT đang phối hợp Bộ Y tế, BHXH Việt Nam nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phù hợp để tháo gỡ những khó khăn này.
Về việc một bộ phận HSSV chưa đóng BHYT, theo thống kê phần lớn là các em HSSV có hoàn cảnh khó khăn và một phần nhỏ là HSSV nhận thức chưa đúng, chây ỳ, cố tình không đóng BHYT bắt buộc. Dự kiến, đối với các trường hợp chây ỳ, chúng tôi sẽ có những biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp và có thể sử dụng các chế tài mạnh hơn nữa. Đối với đối tượng HSSV khó khăn, chúng tôi đang có đề xuất kiến nghị Chính phủ tăng từ mức hỗ trợ 30% lên 50%; đề nghị UBND các tỉnh, thành phố đưa ngân sách hỗ trợ HSSV vào ngân sách chi thường xuyên. Bên cạnh sự hỗ trợ từ phía ngân sách, các cá nhân, tổ chức hảo tâm cũng có thể hỗ trợ HSSV có hoàn cảnh khó khăn thông qua các quỹ học bổng của trường.
Phóng viên: Theo đồng chí, cần làm gì để triển khai tốt hơn nữa chính sách BHYT với HSSV, nhất là đối tượng sinh viên trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay?
TS Nguyễn Nho Huy: Chúng ta cần có trách nhiệm giáo dục, tuyên truyền đến HSSV tính ưu việt của BHYT, nhất là những quyền lợi của HSSV khi tham gia BHYT, những chính sách pháp luật liên quan đến BHYT, nhấn mạnh đến những quy định của ngành giáo dục về trách nhiệm của HSSV khi tham gia BHYT, kể cả những chế tài xử phạt nếu không tham gia... Với trách nhiệm của mình, ngành giáo dục sẽ phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có thể tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% để tạo điều kiện cho các em được chăm sóc sức khỏe thông qua BHYT.
Đồng thời chỉ đạo các sở GD và ĐT phối hợp cơ quan BHXH địa phương tham mưu với địa phương về mức hỗ trợ BHYT đối với HSSV từ ngân sách địa phương để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách trung ương, đồng thời tạo điều kiện cho các gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngành giáo dục phải chủ động với ngành y tế, bảo hiểm và chính quyền địa phương có sự hỗ trợ thêm ngoài ngân sách trung ương.
Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BHYT, cùng với thanh tra về chính sách pháp luật trong công tác trường học, công tác HSSV, để các trường phải thực hiện các nhiệm vụ một cách nghiêm túc, hợp lý, đầy đủ, theo hướng dẫn của Bộ GD và ĐT và Bộ Y tế.
Chúng tôi cũng kiến nghị ngành BHXH Việt Nam phối hợp Bộ Y tế kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ các khó khăn trong y tế trường học để nâng cao hiệu quả hơn nữa. Phối hợp với các trường tổ chức thu BHYT kịp thời nhằm bảo đảm quyền lợi chính sách BHYT cho HSSV liên tục. Đồng thời, phối hợp các cơ quan liên quan trình Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT, vì đây là nguồn chính cho công tác y tế trường học của chúng tôi hiện nay.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của đồng chí!