Đồng hành cùng phụ nữ khuyết tật

Tự chọn lựa cho mình con đường hỗ trợ đối tượng yếu thế, chị Mai Thị Dung (sinh năm 1977) cùng cộng sự đã thực hiện các dự án nhằm giúp người khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng và địa phương lân cận có việc làm, tự chủ và hòa nhập, tự tin hơn trong cuộc sống. Năm 2018, để thực hiện những dự án của mình, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Cormis) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Đà Nẵng được thành lập.

Các chị em nhóm tái chế không chỉ cùng nhau làm việc mà còn luôn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.
Các chị em nhóm tái chế không chỉ cùng nhau làm việc mà còn luôn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.

Hơn 10 năm làm việc về hỗ trợ nhóm yếu thế của cộng đồng, chị Dung nhận thấy để thay đổi cuộc sống của nhóm người này thì cần nhiều việc phải làm, như vừa có công việc, vừa đào tạo việc làm, làm việc nhóm và các kỹ năng cộng đồng, hòa nhập… chứ không đơn giản chỉ là những gói hỗ trợ kinh phí hoặc phần quà. Vì vậy, chị quyết tâm làm điều gì đó mới hơn, thiết thực hơn cho những người khuyết tật của thành phố mình đang sống.

Để xây dựng nguồn vốn ban đầu, chị cùng các cộng sự mở công ty tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị, cơ quan về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, tập huấn năng lực về phòng, chống thiên tai, chống biến đổi khí hậu cho các địa phương. Đồng thời, chị cũng quyết định nghỉ việc ở chỗ cũ để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ hòa nhập cộng đồng (Cormis), đưa các chị là phụ nữ khuyết tật về tham gia và thực hiện dự án của mình.

May mắn là có nhiều đối tác tìm tới và phối hợp cùng Trung tâm, khởi đầu là nhóm phụ nữ với hoạt động tái chế các loại vải phế thải chất lượng cao từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tạo thành những sản phẩm mới. Những tấm ga trải giường, vỏ gối, màn che..., sau khi mang về Trung tâm được các chị xử lý, tái chế thành khăn tay, túi vải, quần áo..., sản phẩm hoàn thiện sẽ được đối tác hỗ trợ về tiêu thụ.

Tuy nhiên, chị nhận thấy số lượng vải thừa ở các dòng khác cũng rất phong phú, mầu sắc đa dạng hơn mà chưa được tái chế. Bên cạnh đó, Cormis cũng cần chủ động hơn các hoạt động để có thể bảo đảm duy trì dự án được lâu dài. Vì vậy, chị tới những tiệm may lớn ở Hội An để xin vải thừa. Với lượng vải phong phú, các sản phẩm làm ra cũng đa dạng hơn, từ khẩu trang tới ví cầm tay, túi xách, túi đựng laptop, dây buộc tóc... thậm chí, các chị cũng có thể may cho mình những bộ quần áo từ những tấm vải lớn.

Chị Đặng Thị Mỹ Trinh (sinh năm 1982) sống tại tổ 38 phường Mân Thái (quận Sơn Trà) được các chị ở Trung tâm giới thiệu vào làm từ năm 2019 đến nay. Chị Trinh bị khuyết tật vận động, là nạn nhân chất độc da cam cho nên cơ thể chị nhỏ bé hơn nhiều so với người bình thường. Tuy vậy, chị vẫn làm việc để tự chăm sóc bản thân và chia sẻ phần nào thu nhập cùng với ba mẹ. Trước đó, Mỹ Trinh làm tại xưởng mây tre, nhưng do gặp tai nạn ở chân nên chị nghỉ làm. Bây giờ, mỗi sáng chị đến Trung tâm để làm việc, không thể ngồi bàn may thì chị ngồi cắt vải ở dưới sàn và làm các phần việc khác với thu nhập mỗi tháng trung bình 3 triệu đồng.

Từ một nhóm nhỏ phụ nữ khuyết tật tham gia tái chế tại Đà Nẵng, nay đã có thêm hai nhóm ở tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Ngãi với hơn 20 chị cùng hơn 320 nghìn sản phẩm đã được sản xuất. Không chỉ vải, chị em còn tái chế lưới cũ để làm ra các dụng cụ rửa chén bát trong nhà bếp, lau chùi vệ sinh... và đang thí điểm tái chế vỏ dừa.

Ngoài việc có thu nhập, Trung tâm chú trọng việc chăm sóc sức khỏe tâm trí cho người khuyết tật. Phụ nữ khuyết tật đã vất vả, nhưng nhiều người tại đây còn vất vả hơn khi làm mẹ đơn thân, hoặc có gia đình nhưng chồng bỏ bê, thu nhập không ổn định cũng là một phần gây căng thẳng tâm lý. Chị em vừa lo kinh tế, vừa chăm con, vừa phải giải quyết những vấn đề trong gia đình, hầu như họ không hề có thời gian cho bản thân.

Vì vậy, chị Dung cũng đưa nhóm tham gia các hoạt động cộng đồng bên ngoài, các phiên chợ cộng đồng để vừa bày bán sản phẩm, vừa kết nối, gặp những người cùng tâm huyết và giúp nhân viên của mình hòa nhập hơn, học cách giao tiếp, buôn bán, tư vấn sản phẩm... Mỗi tháng một lần, Cormis lại tham gia phiên chợ cộng đồng, mỗi năm thực hiện một chuyến đi nghỉ ngơi, cùng với đó là nhiều hoạt động “làm giàu” về sức khỏe tinh thần như thiền, thư giãn, nghỉ ngơi.

Lựa chọn bước đi “chậm mà chắc”, Cormis mong muốn có thể thay đổi được cuộc sống của từng người tham gia một cách thật sự. Tới giờ, Cormis vẫn hoạt động hoàn toàn từ nguồn vốn nội bộ, làm dựa trên sức mình. Hiện tại, số lượng người khuyết tật tìm tới Trung tâm nhiều, cho nên chị Dung cùng cộng sự cũng đang tìm cách đơn giản hóa các mẫu mã sản phẩm, linh hoạt, sáng tạo hơn để những người không biết kỹ thuật may cũng có thể tham gia các công đoạn khác, như vậy sẽ giúp đỡ được nhiều chị em hơn.

Thời gian tới, Trung tâm cũng tập trung các dự án đồng hành cùng nhóm phụ nữ khuyết tật. Mỗi địa phương đều có Câu lạc bộ phụ nữ khuyết tật, nhưng việc vận hành vẫn chưa đạt hiệu quả, nhiều kỹ năng của chị em còn hạn chế. Vì vậy, Cormis sẽ xây dựng mô hình giúp các câu lạc bộ hoạt động ở mức cơ bản để không có các dự án hỗ trợ, các thành viên vẫn có thể gặp nhau thường xuyên, thương yêu và chia sẻ giúp nhau sống tốt hơn. Mọi người cũng mong rằng, khi thí điểm một vài mô hình thành công sẽ thực hiện nhân rộng.

“Trong bốn năm qua, tôi và cộng sự không bao giờ đặt câu hỏi mình sẽ được gì khi làm những dự án, chỉ nghĩ làm sao có thể giúp được nhiều người hơn, chỉ cần họ vui là mình thấy vui, khi cuộc sống của chị em được cải thiện thì đó là động lực để Cormis tiếp tục phát triển. Khi cùng ăn ở, cùng làm việc, cùng trăn trở các dự án khiến tôi cảm thấy con đường mình đang đi có ý nghĩa hơn”, chị Mai Thị Dung chia sẻ.