Đồng hành cùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư nhiều mặt cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó, chính sách cấp không thu tiền một số loại báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bao gồm đồng bào Khmer Nam Bộ, đã góp phần giúp người dân nâng cao nhận thức, học tập những mô hình hay để vận dụng vào thực tế cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Điệu múa trống Sa đăm là nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.
Điệu múa trống Sa đăm là nét đẹp truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có hơn 1,3 triệu người, tập trung nhiều ở ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Kiên Giang. Các ấn phẩm báo chí được cấp phát đa dạng, phong phú cả về nội dung, hình thức phù hợp với vùng, miền và trở thành “món ăn tinh thần” cho đồng bào Khmer Nam Bộ…

Hiệu quả thiết thực

Trong căn nhà khang trang, ông Lâm Se, người nông dân Khmer chân chất được mọi người gọi là tỷ phú chân đất, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khởi nghiệp của mình. Khi lập gia đình, hai vợ chồng ông ra riêng với mảnh ruộng nhỏ, ông luôn trăn trở tìm mọi cách để phát triển kinh tế.

Sau khi, đọc bài báo về nghề cuộn rơm ở miền Đông Nam Bộ, ông Lâm Se mang theo tờ báo đi họp Hội Nông dân, đề xuất với hội và được ủng hộ xây dựng mô hình cuộn rơm. Ông kể: “Hằng năm, sau vụ mùa, lượng rơm rạ trên đồng nhiều lắm nhưng bà con chỉ đốt bỏ. Với số vốn cá nhân và được Nhà nước cho vay ưu đãi, tôi đã mua máy cuộn rơm. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, tôi đầu tư thêm máy cuộn và xây dựng thêm kho trữ chứa hơn 6.000 bó rơm”.

Với bốn chiếc máy cuộn, ông Lâm Se cùng 10 nhân công mỗi ngày cuộn được hơn 2.000 bó rơm từ các cánh đồng trong và ngoài tỉnh, thu nhập hơn 20 triệu đồng/ngày. Ông luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất để bà con cùng vươn lên trong sản xuất. Vừa qua, ông vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết, từ các chương trình, dự án, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách cấp phát báo miễn phí cho đồng bào Khmer, đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao dân trí, giúp đời sống người dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Năm 2023, tỉnh Sóc Trăng có 608 người có uy tín được nhận báo miễn phí. Các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, các trường phổ thông dân tộc và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam trên địa bàn tỉnh cũng được nhận báo.

Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) Lê Phúc Hiền cho biết, thông qua các kênh thông tin báo chí, ông và các thành viên tìm hiểu Luật Hợp tác xã phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động và quản lý hợp tác xã. Hợp tác xã Ngọc Biên đang liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa ST25 với hơn 300 hộ nông dân Khmer với diện tích hơn 500ha; qua đó, giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, được bao tiêu sản phẩm với giá thu mua cao hơn từ 1.500-2.000 đồng/kg so với các giống lúa khác.

Đồng hành cùng đồng bào Khmer Nam Bộ ảnh 1

Đồng bào Khmer đọc báo tại Thư viện tỉnh Sóc Trăng.

Ở Kiên Giang, thông qua báo chí, đồng bào Khmer tiếp cận các giá trị văn hóa và ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống các nghề mang tính đặc thù. Mới 37 tuổi nhưng anh Danh Tùng ở xã Ngọc Trúc, huyện Giồng Riềng đã có hơn 20 năm kinh nghiệm với nghề đóng, sửa chữa và trang trí ghe ngo để tham gia các giải đấu nhân dịp lễ hội Ok Om Bok.

Đại đức Danh Bền, Phó Trụ trì chùa Sóc Ven Mới (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) cho biết, nghề đóng ghe ngo không phải ai cũng làm được. Người thợ không chỉ có tay nghề, kỹ thuật tốt mà phải đủ kiên nhẫn và đam mê. “Để chế tác ghe ngo, người thợ cần có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và có duyên với nghề. Những hoa văn trên ghe ngo là hoa văn đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer, giúp tạo thêm sinh khí cho chiếc ghe, góp phần làm cho lễ hội thêm rực rỡ và duy trì bản sắc dân tộc của người Khmer”, Đại đức Danh Bền cho biết thêm.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, Danh Phúc cho biết, thông qua đọc báo, tạp chí cùng các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội đã tạo điều kiện để đồng bào nắm bắt thông tin, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, an cư lạc nghiệp. Nhờ những thông tin tích cực trên các phương tiện truyền thông, báo chí, đồng bào Khmer còn tích cực chung tay xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc mình. Hiện, việc cấp phát báo, tạp chí cho các xã thuộc chương trình 135, vùng biên giới và các chùa Khmer ở Kiên Giang thực hiện khá tốt với 432.440 bản báo, tạp chí của gần 20 loại báo mỗi năm…

Cầu nối giữa ý Đảng, lòng dân

Đã gần 90 tuổi nhưng Nhà giáo Nhân dân Lâm Es ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn và đọc báo mỗi ngày. Hằng ngày, thầy vẫn đến các chùa để dạy chữ Khmer, trò chuyện với các sư sãi. “Báo chí rất quan trọng và là tài liệu quý giúp mọi người định hướng công việc của mình. Để bảo đảm chất lượng, các báo, đài cần tích cực đổi mới, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng và gắn bó với đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua báo, đài, đồng bào Khmer Nam Bộ luôn biết ơn và tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, luôn giữ gìn sự đoàn kết dân tộc để xây dựng cuộc sống yên bình, phát triển”, thầy Lâm Es tâm sự.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho rằng, chính sách phát báo cho đồng bào Khmer luôn được các sư trân trọng vì đây là kênh thông tin chính thống, bổ ích giúp đồng bào phát triển về mọi mặt. “Báo chí luôn cập nhật giúp đồng bào hiểu rõ hơn đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chăm lo phát triển đời sống cộng đồng dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer Nam Bộ. Qua đó, giúp đồng bào càng nâng cao cảnh giác không nghe theo người xấu phá hoại cuộc sống thanh bình của cộng đồng”, Hòa thượng Tăng Nô cho biết.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Ủy viên Ban Lý luận phê bình, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Trà Vinh là nơi sản sinh loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Ông mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyền vở tuồng Dù kê với đề tài dân gian, lịch sử hoặc hiện đại, ca ngợi truyền thống vẻ vang của dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Thạch Sa My, cán bộ hưu trí ở ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh phấn khởi nói, báo Đảng là kênh thông tin quan trọng giúp định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Thông qua báo, ông vận động nhân dân trong ấp, trong xã làm theo: Trước hết, nhắc nhở con cháu trong gia đình, dòng họ chấp hành tốt các quy định của pháp luật; động viên đồng bào và chư tăng Khmer tiếp tục phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở cùng góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

Đại đức, Tiến sĩ Danh Út, Trụ trì chùa Khmer Thôn Dôn ở thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là người có uy tín và là Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước thành phố Rạch Giá có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội, chung tay cùng với chính quyền địa phương vận động đồng bào Khmer xây dựng phum, sóc văn minh, tiến bộ. Đại đức Danh Út chia sẻ: “Muốn thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Khmer, mỗi cá nhân phải không ngừng tự lực vươn lên. Để nêu gương cho phật tử, mỗi vị sư cũng cần phải đọc, học từ báo, sách để tích lũy kiến thức, vận động đồng bào phật tử thay đổi tư duy trước sự phát triển của xã hội”.

Thượng tọa Danh Nâng, người dân tộc Khmer, Trụ trì chùa Thứ Năm, xã Nam Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang đã vận động đồng bào xây dựng mô hình bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu ở vùng nhiễm mặn đạt kết quả tốt. Thượng tọa Danh Nâng mong muốn tới đây, ngành chức năng cần tiếp tục đầu tư, hỗ trợ đồng bào Khmer tiếp cận công nghệ hiện đại trong sản xuất để mang lại hiệu quả cao hơn…