Đồng hành cùng đồng bào biên giới

Hàng chục năm qua, những thầy giáo, thầy thuốc, chiến sĩ văn hóa quân hàm xanh trên các tuyến biên giới luôn được người dân tin yêu, quý mến. Thời gian gần đây, với phương châm giúp đồng bào cũng chính là giúp mình, lực lượng bộ đội biên phòng đã bám địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc, chung sức đồng lòng cùng đồng bào biên giới, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lóng Sập (tỉnh Sơn La) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chanh leo. (Ảnh Trọng Đức)
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lóng Sập (tỉnh Sơn La) hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc chanh leo. (Ảnh Trọng Đức)

Đa số các xã biên giới, có số hộ đói, nghèo và cận nghèo chiếm tỷ lệ cao, địa hình khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng thiếu và yếu. Với tinh thần xung kích, trách nhiệm, các đơn vị bộ đội biên phòng trên cả nước đã triển khai nhiều phong trào, mô hình giúp đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng, củng cố thế trận biên phòng toàn dân nơi biên giới.

Trong 10 năm, từ 2012 đến 2022, các đơn vị bộ đội biên phòng tích cực phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động được sức mạnh tổng hợp, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, dân trí. Tính đến nay, bộ đội biên phòng đã và đang triển khai 22 phong trào, chương trình, mô hình. Tiêu biểu như các mô hình: chuyên canh lúa nước ở huyện Nậm Pồ (Điện Biên); nuôi lợn bản địa ở huyện Quế Phong (Nghệ An); trồng chuối, dứa cao sản ở huyện Mường Khương (Lào Cai); nuôi thả thủy sản ở huyện Cát Hải (Hải Phòng)...

Bên cạnh “Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”, bộ đội biên phòng còn có nhiều chương trình thiết thực. Nổi bật là, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” qua bốn năm đã triển khai, hỗ trợ 210 xã với tổng kinh phí gần 280 tỷ đồng. Tất cả 210 xã đạt chỉ tiêu chương trình đề ra, hỗ trợ gần sáu triệu con giống gia súc, gia cầm; 4,4 tỷ đồng vốn vay; 321 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế, gần 700 mái ấm tình thương; trao gần 10 nghìn suất quà, học bổng tặng học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó.

Chương trình “Nâng bước em tới trường-Con nuôi đồn biên phòng”, đã nhận giúp đỡ gần ba nghìn học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, với mức tiền 500 nghìn đồng/tháng/cháu; nhiều cháu đã hoàn thành chương trình phổ thông; hơn 100 cháu thi đỗ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và đại học. Các đơn vị đã nhận gần 400 cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn, mồ côi cha mẹ làm con nuôi tại các đồn biên phòng; tổng trị giá chương trình gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, bộ đội biên phòng còn huy động được nhiều nguồn lực để hỗ trợ đồng bào nơi biên giới, trong đó đã có gần 10 nghìn căn nhà, gần 30 nghìn con bò giống được trao tặng, hỗ trợ, với tổng trị giá hơn 200 tỷ đồng. Tính hiệu quả và lan tỏa của các chương trình góp phần giúp phụ nữ biên cương nói riêng, nhân dân khu vực biên giới nói chung vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống; chắp cánh ước mơ cho nhiều em nhỏ đến trường.

Xuất phát từ tình yêu thương, chia sẻ và thuận tiện trong việc chăm sóc 72 học sinh người dân tộc Đan Lai, ngày 14/11/2022, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Môn Sơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp Ủy ban nhân dân xã Môn Sơn, huyện Con Cuông và Trường trung học cơ sở Môn Sơn ra mắt mô hình “Đồng hành cùng ký túc xá vùng biên”. Cán bộ, chiến sĩ của Đồn góp tiền lương, huy động các nhà hảo tâm đóng góp, nâng mức tiền ăn từ 18 nghìn đồng lên 36 nghìn đồng/ngày/cháu.

Thượng tá Lê Văn Hải, Chính trị viên Đồn Biên phòng Môn Sơn cho biết: Ban Chỉ huy Đồn cử một đội công tác “cắm trường” để cùng ăn, cùng ở, rèn luyện kỹ năng sống, sinh hoạt cá nhân cho các cháu. Đội công tác của Đồn đã tích cực phối hợp trường hướng dẫn các cháu ôn bài, rèn thói quen tự lập, cách trồng và chăm sóc rau xanh cũng như tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động thể dục-thể thao, văn hóa-văn nghệ; động viên, khen thưởng kịp thời những học sinh có thành tích học tập, rèn luyện tốt... Hành trình chinh phục tri thức của học sinh người dân tộc Đan Lai tuy còn nhiều khó khăn phía trước, nhưng sự đồng hành thiết thực, ý nghĩa nhân văn của những người lính quân hàm xanh đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Trong phong trào “Bộ đội Biên phòng chung sức xây dựng nông thôn mới”, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh tiếp tục tạo dấu ấn sâu sắc đối với đồng bào, chính quyền địa phương nơi biên cương Tổ quốc. Kết quả, đã giúp 101 xã từ yếu, kém lên trung bình, 192 xã từ trung bình lên khá về kinh tế-xã hội. Trong đó, các đồn biên phòng đã trực tiếp nhận đỡ đầu 189 xã xây dựng nông thôn mới; đến nay, có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong thực hiện phong trào, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh là đơn vị đi đầu của lực lượng bộ đội biên phòng cả nước, đã chung sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương, đưa xã Sơn Kim 1, xã biên giới của huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trở thành xã biên giới đầu tiên trong 1.077 xã biên giới của cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, các xã biên giới của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao. Đại tá Nguyễn Thái Bình, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp và cách làm hay thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế-xã hội. Điển hình như tham gia xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn biên giới; triển khai các chương trình, mô hình nhằm giúp dân xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân biên giới.

Đặc biệt, bộ đội biên phòng tỉnh đã thực hiện thành công dự án bảo tồn đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre (huyện Hương Khê) làm hồi sinh dân tộc ít người trong cộng đồng dân tộc nước ta. Sau gần 20 năm, với sức người, sức của của lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh, sự bền gan, kiên trì của tổ, đội biên phòng công tác tại bản Rào Tre, đến nay đời sống kinh tế của bà con đã ổn định. Tất cả người dân được làm giấy khai sinh, hỗ trợ y tế, đồ dùng sinh hoạt, biết cách làm ăn sản xuất.

Ông Chu Văn Quyện, thôn Hải Phong 2, xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, địa bàn từng là điểm nóng về đền bù giải phóng mặt bằng, xúc động nói: Không thể kể hết công lao to lớn của bộ đội biên phòng với nhân dân. Nhờ có các anh mà đời sống nhân dân thật sự khởi sắc. Nhà nào nghèo, bộ đội biên phòng giúp từng bữa ăn, sinh kế để phát triển, quyên góp xây dựng nhà ở. Khi tình cảm giữa bộ đội biên phòng và người dân đã thật sự thấu hiểu, keo sơn, bộ đội biên phòng nói là dân tin tưởng tuyệt đối, nghe và làm theo.

Thiếu tướng Trần Văn Bừng, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết: Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, lực lượng bộ đội biên phòng đã góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng được nâng cao.

Thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị biên phòng tập trung triển khai sâu rộng các chương trình phối hợp, mô hình giúp dân phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp các mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới của Chính phủ và từng địa phương; thường xuyên vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, sẵn sàng tham gia góp công, góp của, hiến tặng đất đai, phá dỡ công trình, hy sinh lợi ích cá nhân trước mắt; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương quy hoạch, xây dựng nông thôn mới bảo đảm theo các tiêu chí đề ra.

Phối hợp các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội thông qua già làng, trưởng bản, người có uy tín để xây dựng quy ước, hương ước làng, xã trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa,...