Chiều 9/3, Công an thành phố Hải Phòng tổ chức Tọa đàm "Nghiên cứu làm rõ những vấn đề thực tiễn phục vụ xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân".
Dự Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, Công an thành phố Hải Phòng cùng đông đảo lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong thành phố.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng Phạm Văn Lập cho rằng, việc xây dựng và hoàn thiện các dự án Luật do Bộ Công an chủ trì được xác định là nhiệm vụ quan trọng cần có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị.
Qua đó, cũng nhằm thống nhất về quan điểm, nhận thức, vai trò và ý nghĩa của các dự án Luật đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự nói chung, góp phần tăng cường và phát huy vai trò của lực lượng Công an thành phố nói riêng trong công tác đấu tranh phòng ngừa hiệu quả những hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Thiếu tướng Vũ Thanh Chương, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho hay, những ý kiến của cuộc tọa đàm sẽ góp phần nhằm làm rõ sự cần thiết, những luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ việc xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật do Bộ Công an xây dựng một cách hiệu quả.
Cùng với đó, các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp để báo cáo Bộ Công an về sự đồng thuận, ủng hộ của lãnh đạo, chính quyền thành phố trong xây dựng, hoàn thiện các dự án luật trình Quốc hội. Qua đó cũng sự quan tâm chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương đối với lực lượng Công an thành phố trong quá trình triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Tại Tọa đàm, nhiều ý kiến đóng góp của lãnh đạo chính quyền các quận, huyện, sở, ngành và công an các phòng, ban và các địa phương đã đóng góp nhiều ý kiến từ thực tiễn hoạt động tại cơ sở như: những vấn đề đặt ra trong huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện nay về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ nhìn từ thực tiễn Hải Phòng; vướng mắc trong chế độ đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; bất cập trong quản lý các công trình hạ tầng giao thông…
Các đại biểu cũng tập trung đánh giá, làm rõ những vấn đề trọng tâm, vấn đề thực tiễn đặt ra, cùng những hạn chế, khó khăn. Đồng thời, cũng đề xuất các vấn đề, nội dung phục vụ xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật.
Để tăng cường vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở nói riêng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, Bộ Công an đã được Chính phủ giao chủ trì xây dựng 3 dự án Luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.
Chiều 9/3, Công an tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo góp ý về dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự và Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham gia đã tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung trọng tâm của 2 dự án luật. Về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, các ý kiến tham luận đã chỉ rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; phân tích, đánh giá về thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự ở địa bàn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay…
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, lực lượng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở chính là sợi dây gắn kết hết sức quan trọng của lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, là cánh tay nối dài của lực lượng Công an nhân dân, từ đó thống nhất ý kiến về việc cần sớm ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.
Cùng với đó, các đại biểu tham gia hội thảo cũng cho rằng, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là các lĩnh vực rất lớn, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Vì vậy, phải xây dựng, ban hành các luật chuyên ngành để điều chỉnh từng lĩnh vực, trong đó ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại. Nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến thống nhất chuyển giao công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an…
Theo Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, Luật Giao thông đường bộ 2008 hiện hành đang điều chỉnh đồng thời 2 lĩnh vực khác nhau, gồm: An toàn giao thông; kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ. Đây là 2 lĩnh vực lớn, mục tiêu khác nhau nhưng lại điều chỉnh cùng trong một luật dẫn đến quy định không đầy đủ, rõ ràng, nhiều nội dung quan trọng phải ban hành nhiều văn bản dưới luật. Qua tham khảo, hiện không có quốc gia nào ban hành Luật Giao thông đường bộ bao gồm cả lĩnh vực an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ… Bởi vậy, việc ban hành Luật trật tự, ATGT đường bộ là cần thiết, đòi hỏi tất yếu, khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển.
Trên cơ sở tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội thảo, sẽ tổng hợp báo cáo, tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo hoàn thiện dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học, thực tiễn xây dựng 2 dự án Luật.
Chiều 9/3, Công an tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo khoa học, thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Vượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Hội thảo có nhiệm vụ phân tích, khẳng định, làm rõ thêm vị trí, vai trò, đánh giá những luận cứ lý luận, khoa học, thực tiễn của việc xây dựng hai Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đặc biệt là tổng kết, đánh giá, bàn những giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở và trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Hội thảo đã nhận được rất nhiều tham luận của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, trong và ngoài lực lượng Công an. Các tham luận đã phân tích, khẳng định, làm rõ thêm vị trí, vai trò, đánh giá những luận cứ khoa học, thực tiễn của việc xây dựng 2 Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; đặc biệt là tổng kết, đưa ra những giải pháp hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở và trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới.
Hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự cần thiết, những tác động tích cực, tiêu cực có thể có của 2 dự án Luật. Những ý kiến tham gia trong Hội thảo có ý nghĩa quan trọng, góp phần tham mưu, hoạch định chính sách pháp luật cho Nhà nước.
Ban Tổ chức sẽ báo cáo kết quả Hội thảo với Bộ Công an làm cơ sở cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn giúp Bộ Công an tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, góp phần nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về an ninh trật tự, xây dựng xã hội ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.