Triển khai Chỉ thị đẩy mạnh Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026

NDO -

Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ đã ban hành Quyết định số 3586/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

Trình diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Dubai EXPO 2020. (Ảnh: NAM NGUYỄN)
Trình diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại Dubai EXPO 2020. (Ảnh: NAM NGUYỄN)

Mục đích của kế hoạch nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 210/QĐ-TTg ngày 8/2/2015. Đồng thời, kế hoạch nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác văn hóa đối ngoại của Việt Nam, nhằm phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, đưa văn hóa thành sức mạnh nội sinh, thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tăng cường giao lưu, sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao vị thế, uy tín Việt Nam trên trường quốc tế theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4/6//2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. 

Theo đó, kế hoạch đặt ra 10 nhiệm vụ trong tâm như sau:

1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối ngoại trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; nâng cao vai trò điều phối của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác văn hóa đối ngoại.

2. Xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hơn hệ thống pháp luật, chính sách; đẩy mạnh ký kết và thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế phục vụ công tác văn hóa đối ngoại trong thời kỳ mới.

3. Chú trọng triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại phục vụ các chương trình đối ngoại do lãnh đạo Đảng, Nhà nước chủ trì.

4. Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam; phát triển văn hóa số, chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực văn hóa, đẩy mạnh triển khai hoạt động văn hóa đối ngoại sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi.

5. Tăng cường công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú như Ngày/Tuần Văn hóa, Lễ hội Văn hóa-Du lịch Việt Nam, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh, di sản văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, các môn thể thao dân tộc, kết hợp chặt chẽ với xúc tiến đầu tư du lịch, phấn đấu nhận được nhiều hơn và phát huy các danh hiệu thế giới, giải thưởng khu vực và quốc tế, tôn vinh danh nhân, anh hùng dân tộc Việt Nam... Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín như liên hoan văn hóa nghệ thuật quốc tế, triển lãm thế giới EXPO, Thế vận hội Olympic, các sự kiện thể thao khu vực, châu lục và quốc tế, hội chợ du lịch quốc tế, hội chợ sách quốc tế.

6. Tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc triển khai đầu tư, xây dựng Trung tâm Văn hóa Việt Nam trong các địa bàn quan trọng: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga và một số địa bàn trọng điểm khác trên cơ sở nhu cầu, quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với các nước và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào; nâng cấp hoạt động Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp trên địa bàn châu Âu; gắn kết công tác văn hóa đối ngoại với công tác cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

7. Tích cực triển khai các hoạt động văn hóa đối ngoại cấp quốc gia tại khu vực biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng thông qua các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch.

8. Phát huy hơn nữa vai trò của công tác văn hóa đối ngoại tại các cơ chế, diễn đàn đa phương quan trọng như UNESCO, ASEAN, ASEM, IFACCA...

9. Chủ động tiếp thu, giới thiệu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; đăng cai, tổ chức các sự kiện quốc tế có quy mô, uy tín; phát triển các thương hiệu festival, lễ hội, sự kiện văn hóa-nghệ thuật chất lượng tại Việt Nam. Đẩy lùi hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực do mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa; đấu tranh, phản bác kịp thời những luận điệu sai trái, xuyên tạc trên lĩnh vực văn hóa.

10. Chú trọng công tác thông tin đối ngoại, đổi mới nội dung, hình thức công tác truyền thông; trao đổi đoàn phóng viên, báo chí, đoàn làm phim quốc tế.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại, thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, song hành với công tác thông tin đối ngoại, gắn kết trong tổng thể chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tăng cường phát huy giá trị văn hóa, con người, quảng bá hình ảnh quốc gia ra nước ngoài dưới nhiều hình thức, phương thức thể hiện đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại phải thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, linh hoạt và phù hợp trong bối cảnh trong và sau đại dịch Covid-19.