Phác thảo 40 năm văn học TP Hồ Chí Minh

NDO -

NDĐT- Thế mà đã 40 năm kể từ khi tiếng reo vui òa vỡ của quân, dân Sài Gòn và cả nước vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 lịch sử. Từ đó, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mở ra một giai đoạn mới cho Tổ quốc và nhân dân Việt Nam. Đời sống xã hội dội vào tâm hồn những người cầm bút, tăng thêm những khát khao và tin tưởng những chân trời rộng mở cho sáng tạo.

Một Ngày thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: sggp.org.vn)
Một Ngày thơ Việt Nam ở TP Hồ Chí Minh (Ảnh: sggp.org.vn)

Đứng từ hôm nay nhìn lại, có thể nói, những sáng tạo văn học ở tất cả các thể loại, trong 40 năm qua, là kết tinh những nghĩ suy trăn trở đầy tâm huyết, là trí tuệ, là mồ hôi của biết bao tấm lòng mến yêu đối với Thành phố, với sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa, văn học nơi miền đất này.

Trong vài ba năm đầu, thị trường sách dành cho công chúng ở đây chủ yếu vẫn là sách tái bản. Có những tác phẩm tuy là xuất bản lần đầu nhưng vẫn là những điều đã ấp ủ, viết từ những năm trước.

Cùng với những tác phẩm nói trên, còn một khối lượng lớn hơn, đó là nhiều tác phẩm có giá trị trong tiến trình lịch sử dân tộc, của văn học cách mạng và kháng chiến, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền nam - bắc. Những cuốn sách về đường lối văn hóa văn nghệ của các nhà lãnh đạo, các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình của những cây bút tên tuổi, từ hậu phương miền bắc, được chi viện tối đa nhằm lấp dần khoảng trống của thị trường sách văn học.

Mảng sách cho thiếu nhi, thông qua nhà xuất bản Kim Đồng, cũng nhanh chóng được đưa vào phục vụ cho đối tượng tuổi thơ.

Cũng phải kể thêm một lượng lớn sách dịch của các nước, đặc biệt là văn học Xô-viết và văn học Trung Quốc, được chi viện và xuất bản nhằm thỏa mãn các đối tượng bạn đọc yêu thích văn học nước ngoài.

Những tác phẩm yêu nước tiến bộ, hướng về cách mạng, được viết ngay trong lòng đô thị trước đây, chưa có điều kiện đến bạn đọc, hoặc in bất hợp pháp,do chính sách kiểm duyệt khắc nghiệt của chính quyền Sài Gòn, nay được in lại, xuất bản công khai.

Thị trường sách phong phú ấy đã tác động mạnh mẽ đến đời sống và suy nghĩ của cư dân Sài Gòn và toàn miền nam, nhưng ở chiều ngược lại, chính đòi hỏi và thị hiếu của công chúng tại đô thị những năm đầu sau ngày giải phóng, đã tác động lớn đến sáng tác của những người cầm bút ở TP Hồ Chí Minh.

Hiểu được tính cấp thiết của lĩnh vực này, Thành phố nhanh chóng quy tụ các lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu của người đọc. Từ những cây bút từng hoạt động cách mạng và có thành tựu về văn chương trước Cách mạng Tháng Tám, như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, rồi đông đảo hơn cả là thế hệ cầm bút tham gia và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến những cây bút trẻ đam mê văn học đang hừng hực khát khao, ai cũng muốn đem tài năng của mình phục vụ dân tộc trong vận hội mới. Từ chiến khu về là những Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, Trương Bỉnh Tòng, Giang Nam, Minh Khoa, Trang Thế Hy, Hoài Vũ, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Đinh Quang Nhã, Lê Văn Thảo, Chim Trắng, Lê Điệp, Vũ Ân Thy, Lam Giang, Hà Phương… đến những nhà văn lâu nay bị kềm kẹp trong chính thể cũ như Vũ Hạnh, Nguyễn Nguyên, Nguyễn Trọng Văn, Sơn Nam, Thẩm Thệ Hà, Phong Sơn, Minh Quân, Phương Đài, Thái Bạch, Thế Nguyên, Chinh Văn, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục… giờ được tự do bung ra sáng tạo. Một số nhà văn sau những năm tập kết ra công tác ở miền bắc, nay được điều động trở về như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Trần Thanh Đạm, Lê Đình Kỵ, Phạm Tường Hạnh, Nguyễn Hải Trừng, Mai Văn Tạo, Trần Thanh Giao… và nhiều người khác từ nhiều nơi cũng chuyển về đây. Rồi cùng với thời gian, những thế hệ cầm bút nối tiếp nhau hình thành, trưởng thành, tất cả tạo nên một đội ngũ đông đảo, sáng tạo ra nhiều sáng tác mới, đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa đọc vàgóp phần vào diện mạo văn học chung của cả nước.

Sức mạnh của tất cả đội ngũ này đã làm cho đời sống văn học Sài Gòn và nửa đất nước phía nam theo hướng mới phát triển mạnh mẽ, phong phú, sinh động. Cách viết so với thời chiến không bị gò bó mà cởi mở hơn. Cấu trúc, văn phong trong truyện ngắn, tiểu thuyết, do ảnh hưởng của các nền văn hóa, có điều kiện bổ sung cho nhau, tiếp thu từ nhiều nguồn và lan tỏa ra, không chỉ trong phương thức thể hiện, mà ở cả số phận, tâm trạng, ngôn ngữ nhân vật. Trong thơ cũng có nhiều đột phá tìm tòi thể nghiệm đáng trân trọng. Lĩnh vực lý luận phê bình cũng đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết và nhờ vậy đã có sự khởi sắc. Nhiều cây bút lý luận phê bình trong các cơ quan thông tin đại chúng, các viện nghiên cứu, các trường đại học, hoạt động sôi nổi, góp sức tích cực trong việc chuyển tải những vấn đề lý luận văn học mác-xít và đường lối văn học nghệ thuật của Đảng vào môi trường mới, đồng thời góp tiếng nói có trọng lượng trong việc khích lệ những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, phê phán những mặt tiêu cực của văn học Sài Gòn dưới chế độ cũ, đặc biệt là các khuynh hướng văn học phản động và đồi trụy. Những khuynh hướng lý luận văn học của phương Tây cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn, khi thì góp thêm công cụ cho nhận thức, thẩm định, khi thì tạo các phản đề cho lý luận nghiên cứu phê bình.

Sự chuyển động của xã hội đã tác động mạnh đến đời sống văn học. Nhiều vấn đề bức xúc về cơ chế quản lý, về ứng xử xã hội, thậm chí tạo nguy cơ khủng hoảng chính trị - xã hội được đặt ra. Lớp nhà văn và người đọc mới, kể cả những người đọc trung thành của văn học cách mạng lâu nay, bắt đầu cảm thấy không bằng lòng với những tác phẩm chỉ thể hiện theo phương pháp quen thuộc, những suy nghĩ trong văn chương không theo kịp chuyển động của đời sống. Thực tiễn ấy đòi hỏi những tâm hồn nhạy cảm, cần có một tiếng nói mới góp vào đời sống của văn học có phần phẳng lặng. Và đây là lúc ra đời khá nhiều tác phẩm gắn bó với đời sống, nêu lên những vấn đề xã hội đang được dư luận quan tâm. Những tác phẩm này đã thực sự đã góp phần vào sự đổi mới văn học

Dần dần, một lớp cây bút mới xuất hiện, phần lớn họ sinh ra và trưởng thành cùng Thành phố trong buổi đầu xây dựng. Nổi bật trong số này là những trang viết từ phong trào thanh niên xung phong xây dựng thành phố, từ phong trào quân tình nguyện giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng...

Lãnh đạo thành phố cũng quan tâm, và tạo điều kiện cho sáng tác văn học và các lĩnh vực nghệ thuật khác tiếp tục phát triển. Đặc biệt từ sau Đại hội lần thứ VI của Đảng vào năm 1986, khi sự nghiệp Đổi mới được tiến hành đã mở ra sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học nghệ thuật

Luồng gió mới ấy trong xã hội đã tạo ra sự đa dạng, phong phú trong sáng tác văn học. Nhiều vấn đề lý luận được nhìn nhận toàn diện, khoa học hơn. Nhiều vấn đề và hiện thực cuộc sống, trước đây nhà văn e ngại khi khai thác, nay đã trở nên bình thường khi tiếp cận và phản ánh.

Trên nền chung ấy, hiện thực đời sống kháng chiến khai thác trở lại dưới một cách nhìn mới, đa dạng và đa chiều hơn. Một số cây bút từng có trải nghiệm từ những năm chiến đấu, tiếp tục khai thác những đề tài chiến tranh cách mạng, đã có những bứt phá mới.

Về sáng tác, một số tác phẩm như Đứa con của đất, Người khách đến thăm vườn nhà tôi của Anh Đức, Mùa gió chướng Cánh đồng hoang của Nguyễn Quang Sáng, Ván bài lật ngửa của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng), Một ngày và một đời, Con đường xuyên rừng của Lê Văn Thảo, Người Bình Xuyên của Nguyên Hùng, Những người hào kiệt của Minh Khoa, Bão đen và sau là Mùa hè giá buốt của Văn Lê, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Đất thở của Thạch Cương, Xuân Lộc của Hoàng Đình Quang... đã tạo được chú ý.

Cuộc sống hiện tại với những khúc mắc cần giải quyết, những đột phá trong quản lý kinh tế, trăn trở tìm hướng đi mới cho ý nghĩa cuộc sống cũng được các nhà văn hết sức quan tâm. Từ Đứng trước biển của Nguyễn Mạnh Tuấn, Chân dung một quản đốc của Nguyễn Hiểu Trường (Trần Bạch Đằng), Giấy trắng của Triệu Xuân, Một thời dang dở của Trần Thanh Giao, Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, và giai đoạn sau là Canh năm của Lê Thành Chơn, Đêm Sài Gòn không ngủ của Trầm Hương ... góp phần mở ra cách khai thác về đề tài này.

Trong thơ, ba tập Di cảo của Chế Lan Viên không chỉ tạo một đỉnh cao mới trong đời thơ của ông mà đã mang đến nhiều khám phá sâu sắc về tâm hồn con người, cuộc đời và trách nhiệm của thi ca. Thơ của các nhà thơ Viễn Phương, Thu Bồn, Chim Trắng, Nguyễn Duy, Văn Lê, Lê Thị Kim, Phạm Sỹ Sáu, Trương Nam Hương... cũng nhiều trăn trở và có những thành công.

Nhiều cây bút lý luận vẫn sắc bén trên mặt trận của mình, giữ vững trận địa, tiếp tục khẳng định những nguyên lý khoa học của lý luận văn học cách mạng, đồng thời vận dụng cách nhìn toàn diện, đa chiều góp phần mang đến những thành tựu mới cho văn học. Những tên tuổi như Bảo Định Giang, Chế Lan Viên, Lê Đình Kỵ, Trần Thanh Đạm, Mai Quốc Liên, Hoài Anh, Trần Trọng Đăng Đàn, Diệp Minh Tuyền, Lê Ngọc Trà, Dương Trọng Dật, Huỳnh Như Phương... mức độ có khác nhau, nhưng đều có những đóng góp tích cực cho công tác lý luận phê bình văn học của Thành phố này.

Khi công cuộc Đổi mới mở ra, các cuộc tranh luận chung quanh vấn đề đổi mới tư duy trong văn học cũng được dư luận hết sức quan tâm. Nhiều vấn đề được đặt ra là đúng đắn, với nhận thức và phương pháp toàn diện và khoa học hơn, nhưng cũng có một vài ý kiến cực đoan, quá đà, xuất phát từ những nhận thức thiển cận, cố ý tách rời văn nghệ và chính trị, hạ thấp và phủ định giá trị cơ bản của văn nghệ cách mạng. Tuy TP Hồ Chí Minh không phải là địa bàn trọng điểm của những hiện tượng trên, nhưng cuộc đấu tranh chung quanh vấn đề này cũng sôi nổi, nhiều tiếng nói, bài viết của các cây bút của thành phố có giá trị rất quan trọng trong việc khẳng định đường lối văn nghệ của Đảng, khẳng định thành tựu của văn nghệ cách mạng, góp phần ổn định chính trị xã hội.

Vào những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, văn học tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu. Tính đa dạng, phong phú trong đề tài, sự thể nghiệm mới trong phong cách thể hiện có dấu hiệu khác biệt so với thời gian trước. Thành tựu ấy được hiện diện trong sáng tác của nhiều thế hệ, trong đó có một lớp cây bút mới không chỉ sử dụng những phương thức sáng tạo có nhiều mới mẻmà còn phát huy những phương thức công nghệ thông tin mới để đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Cũng cần nhắc đến những đóng góp của mảng văn học các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố với sắc thái riêng đặc sắc. Những nhà hoạt động văn hoá như Nghị Đoàn, Hà Tăng, hoặc những nhà văn nhà thơ: Lý Lan, Lưu Thị Lương (người Hoa) hay Inrasara (Chăm), Trần Thanh Pôn (Khơme) Prêkimalamak (Châu Ro)... là những tác giả khá quen thuộc với bạn đọc Thành phố. Tuy số lượng tác gia không đông, trước tác không nhiều, nhưng những tác phẩm độc đáo của họ là đóng góp đáng quý vào vườn hoa chung nhiều hương sắc của Thành phố.

Trong bốn mươi năm qua, văn học ở địa bàn này đã tạo ra không ít những tác phẩm giá trị, đóng góp vào thành tựu chung của Thành phố, vào việc xây dựng nền văn học cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh ở giai đoạn Tổ quốc thống nhất, xây dựng, hội nhập quốc tế. Và đó là những điều rất đáng để chúng ta tự hào.