Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 29

Ðòi hỏi bức thiết vẫn là chất lượng phim

Các tác giả nhận giải tại Liên hoan.
Các tác giả nhận giải tại Liên hoan.

Xã hội hóa truyền hình là xu thế mạnh mẽ từ nhiều năm qua. Xu thế ấy đã cuốn hút  đông đảo các đơn vị ngoài nhà nước cùng tham gia sản xuất các chương trình truyền hình. Liên hoan Truyền hình toàn quốc (LHTHTQ) lần thứ 29 đã chào đón các đơn vị tư nhân gửi tác phẩm dự thi ở ba thể loại: giao lưu - đối thoại - tọa đàm, trò chơi truyền hình và phim truyện. Tuy nhiên có thể do thông tin phần nào gấp gáp hoặc có sự chưa hiểu ý giữa ban tổ chức với các đơn vị tư nhân, cho nên dù cánh cửa đã mở rộng thêm, liên hoan năm nay vẫn chưa nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt như mong đợi.

Cũng phải nói thêm rằng, thể loại truyền hình đang thu hút được nhiều sự đóng góp, tham gia của các đơn vị ngoài hệ thống Ðài TH quốc gia chính là mảng phim truyền hình dài tập. Song, sự hạn chế từ ban tổ chức LHTHTQ ở thể loại này với yêu cầu nghiêm ngặt là phim thuần Việt (kịch bản Việt Nam, tác giả Việt Nam nói về những vấn đề của Việt Nam) đã khiến nhiều "tên tuổi lớn" trong lĩnh vực làm phim truyền hình dù muốn tham gia cũng đành đứng ngoài cuộc. Lý do là các hãng này bấy lâu chăm chỉ mua bản quyền, lo Việt hóa những bộ phim của Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ... Nhiều bộ phim dù không được tuyên bố mua bản quyền thì khi xem, khán giả không khỏi cảm thấy xa lạ với câu chuyện, những vấn đề mà phim đặt ra, đó là chưa kể không ít sản phẩm bị đặt câu hỏi về mức độ vay mượn ý tưởng... Bởi thế đối lập với sự nở rộ của phim truyền hình dài tập Việt Nam trên các kênh sóng là con số rất khiêm tốn các bộ phim dự thi tại LHTHTQ: vỏn vẹn bốn phim dài tập là Âm tính, Bước nhảy Xì tin, Chàng trai cầu ông Me và Cha dượng. Mặc dù vậy, thể loại phim truyền hình vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận tại LHTHTQ. Hội thảo về chủ đề phim truyền hình cũng tỏ ra rôm rả, thu hút đông đảo các cơ quan báo chí ngoài ngành truyền hình hơn những chủ đề về tên viết tắt tiếng Việt, tiếng Anh, phối hợp sản xuất các chương trình thời sự hay truyền hình tiếng dân tộc. Ðiều này không biết nên gọi là vui hay buồn đối với những người làm truyền hình bởi xét cho cùng phim truyện chỉ là một nét nhỏ trong bức tranh tổng thể đầy sôi động của truyền hình, càng không phải là thể loại mang đậm tính chất báo chí truyền hình.

Năm nay liên hoan không chỉ ghi nhận sự gia tăng về mặt số lượng tác phẩm dự thi mà chất lượng cũng có sự tiến bộ nổi bật. Những tác phẩm với chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được các đơn vị dự thi quan tâm một cách đặc biệt với nhiều cách thể hiện sinh động, thuyết phục và hấp dẫn. Trong lễ bế mạc LHTHTQ, nhà báo Hữu Thọ cho rằng: Tin tức mới chính là thể loại mang tính mũi nhọn, thể hiện sức mạnh của truyền hình và ở thể loại này không có sự phân biệt giữa Ðài Trung ương với Ðài địa phương, thậm chí các phóng viên truyền hình ở địa phương còn có nhiều lợi thế hơn ở sự nhanh nhạy, kịp thời trong việc nắm bắt thông tin. Kết quả của LHTHTQ đã cho thấy, không chỉ có mảng tin tức - phóng sự ngắn mà ở hầu hết các thể loại dự thi đều ghi nhận sự thu hẹp khoảng cách về trình độ giữa truyền hình trung ương và địa phương. Rất nhiều giải Vàng, giải Bạc đã thuộc về các đài Quảng Trị, Yên Bái, Bình Phước, Vĩnh Long...

Trong khi phần trao giải cho các thể loại tin tức - phóng sự ngắn, phim tài liệu, khoa giáo, thiếu nhi, ca - múa - nhạc - thơ gây nhiều hồi hộp cho đông đảo các phóng viên, biên tập viên có mặt tại Hội trường Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội thì kết quả ở lĩnh vực phim truyền hình dài tập lại có phần ít bất ngờ. Gần như ngay từ đầu Âm tính (Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh) cùng Bước nhảy Xì tin (Trung tâm sản xuất phim truyền hình Ðài THVN) đã được đoán sẽ có vàng. Ðạo diễn - Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương - thành viên Ban giám khảo phim truyện tại LHTHTQ lần thứ 29  cho biết: Phim truyền hình năm nay làm giỏi hơn về nghề nghiệp nhưng các bộ phim hơi xa rời đời sống chính trị, đời sống lao động của người dân để đi vào những mảng tâm lý vụn vặt.

LHTHTQ lần thứ 29 được đánh giá thành công về khâu tổ chức cũng như trong việc tìm kiếm, tôn vinh những tác phẩm truyền hình xuất sắc. Những chương trình hay, đoạt giải tại Liên hoan đã được các Ðài trao đổi, chọn lọc và lần lượt giới thiệu đến với khán giả truyền hình cả nước trong thời gian tới, nhất là trong dịp Tết cổ truyền. LHTHTQ tiếp theo sẽ được tổ chức đầu năm 2011 tại TP Cần Thơ do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Cần Thơ đăng cai. Hy vọng đây sẽ thật sự là liên hoan dành cho tất cả những người làm truyền hình, quy tụ đông đảo hơn những đơn vị thuộc khu vực ngoài nhà nước - lực lượng đang đóng góp tích cực và ngày càng có chất lượng trong việc sản xuất các chương trình truyền hình.

BẢO PHƯƠNG