Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam 2003

Ít tác phẩm hay, ít gương mặt mới!

Diễn viên Hồng Ánh vai Quỳ trong phim <B>Người đàn bà mộng du</B>, phim được trao giải Cánh diều vàng (2003).
Diễn viên Hồng Ánh vai Quỳ trong phim <B>Người đàn bà mộng du</B>, phim được trao giải Cánh diều vàng (2003).


Tối 19-3-2004 tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội), Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức trao giải Cánh diều cho các tác phẩm điện ảnh sản xuất năm 2003. Đây là lần thứ 15 Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng điện ảnh hàng năm và là lần thứ 2, giải thưởng của Hội có tên Cánh diều với các giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc. Và cũng bắt đầu từ năm nay ngoài các giải thưởng Cánh diều vàng, Cánh diều bạc cho các thể loại phim truyện, còn có giải thưởng Diễn viên trẻ triển vọng, nhằm khuyến khích những tài năng trẻ.

Dự giải của Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ 15 có 105 tác phẩm thuộc các thể loại sản xuất trong năm 2003 (trong đó có: 2 tác phẩm lý luận phê bình; 9 phim hoạt hình gồm 1 phim nhựa, 8 phim video; 62 phim tài liệu - khoa học, gồm phim nhựa, 54 video; 6 phim truyền hình dài tập; 19 phim truyện video và 8 phim truyện nhựa). Số lượng như thế là khá lớn - đặc biệt là sự bùng nổ của phim tài liệu - khoa học và phim truyện video cũng như phim truyền hình nhiều tập. Nhưng chất lượng của các phim dự giải năm nay lại không tỷ lệ thuận với số lượng, nhiều phim chỉ ở mức độ trung bình, thậm chí dưới mức trung bình, rất ít phim có sự đột phá về cách thể hiện, xử lý đề tài. Ở một vài thể loại - đặc biệt là phim tài liệu - khoa học, các phim dự thi năm nay còn là một bước lùi về chất lượng. Các thể loại: phim hoạt hình, phim tài liệu - khoa học, phim truyện truyền hình dài tập, phim truyện video đều không có giải Cánh diều vàng chứng tỏ sự sa sút hoặc dậm chân tại chỗ về mặt sáng tạo nghệ thuật và cũng chứng tỏ sự làm việc nghiêm túc, đánh giá khách quan của Ban giám khảo.

Các tác phẩm lý luận phê bình điện ảnh năm nay có hai tác phẩm đoạt giải: Giải A dành cho tác phẩm "Điện ảnh của nhu cầu phát triển văn hóa" (Trần Thanh Hiệp), giải Khuyến khích là "Hiện thực thứ bảy" (Phan Bích Hà). Cũng như những năm trước lý luận phê bình điện ảnh vẫn là khâu yếu, các tác phẩm được giải hầu như ít gây được sự chú ý của dư luận.

Phim hoạt hình từ nhiều năm nay vẫn là sự "độc diễn" của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và cũng như các năm trước chất lượng phim hoạt hình vẫn chưa thật sự khiến người xem vừa lòng (đặc biệt là số lượng rất ít, hầu như chưa đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của khán giả nhỏ tuổi). Năm nay phim hoạt hình chỉ có hai phim đoạt giải Cánh diều bạc là "Chuyện về những đôi giày" (đạo diễn Phương Hoa) và "Mực ống và mực nang" (đạo diễn Trần Trọng Bình), 3 phim đoạt giải khuyến khích là "Gậy ông đập lưng ông", "Tiếng nhạc ve", "Cây sừng của hươu sao".

Năm nay cũng là năm đầu tiên phim tài liệu và khoa học được tách ra để chấm riêng, điều này là hợp lý bởi đối tượng và cách thể hiện của hai thể loại có rất nhiều điểm khác biệt. Phim khoa học có hai giải Cánh diều bạc là "Gian nan hạnh phúc" (Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương) và "Người Lô Lô ở Hà Giang" (Hãng phim Ngọc Khánh).

Phim tài liệu có 4 giải Cánh diều bạc: "NSND Nguyễn Văn Thông với điện ảnh thơ (Điện ảnh Chiều thứ Bảy), "Những công dân a còng" (Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương), "Vì bầu trời Tổ quốc" (Điện ảnh Quân đội Nhân dân), "Mầu xanh thời gian" (Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương), 3 phim đoạt giải khuyến khích là: "Nước mắt sân chơi" (Điện ảnh Quân đội Nhân dân), "Lời của dòng sông" (Điện ảnh Công an Nhân dân) và "Người gieo mầm trên đất trắng" (Đài Truyền hình Việt Nam).

Sau nhiều năm đạt thành công vang dội trong các cuộc liên hoan phim quốc tế và trong nước, năm nay là năm đầu tiên phim tài liệu - khoa học không có mặt giải vàng nào - thậm chí một vài giải bạc theo chúng tôi cũng còn là ép. Nhiều phim chứng tỏ tay nghề của các nghệ sĩ non yếu đến mức đáng kinh ngạc, nhiều yếu kém, ấu trĩ từng xuất hiện từ 40 năm trước nay vẫn còn tồn tại. Lối nhìn hiện thực ở một số phim vẫn còn cũ, mòn, dễ dãi. Một vài phim được dư luận đánh giá cao như "Lời của dòng sông", "Đà điểu ở Việt Nam" thì lại không đoạt giải hoặc chỉ nhận được giải thấp.

Diễn viên Hồng Ánh vai Quỳ trong phim Người đàn bà mộng du,
phim được trao giải Cánh diều vàng (2003).

Phim truyền hình dài tập tuy chỉ có 6 tác phẩm dự thi, nhưng Ban giám khảo phải làm việc khá vất vả, bởi có phim dài tới 58 tập. Đoạt giải Cánh diều bạc thể loại phim truyền hình nhiều tập là phim "Hướng nghiệp" (Hãng phim Truyền hình TP Hồ Chí Minh), 3 phim đoạt giải khuyến khích là "Khi đàn chim trở về", "Người thừa của dòng họ" (Trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam), "Biển trời mênh mang" (Điện ảnh Chiều thứ Bảy). Nhìn chung phim truyền hình nhiều tập chưa có tác phẩm thật xuất sắc, nhưng chất lượng khá đồng đều và so với các năm trước đã có sự phát triển đáng kể.

Phim truyện video dự thi năm nay đề tài khá phong phú, đa dạng - đặc biệt đề tài đương đại chiếm số lượng lớn, đó là điều đáng mừng. Không ít tác giả có ý thức tìm tòi, đổi mới cách thể hiện, nhưng nói chung những tìm tòi ấy chưa đạt hiệu quả như mong muốn, người xem vẫn thấy cảm giác những lối mòn, sự lặp lại ở không ít phim.

Gây ồn ào nhất trong năm nay là phim truyện nhựa "Lọ lem hè phố", nhưng lại không dự thi. Tám phim truyện nhựa dự thi là "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" (Hãng phim Hội Nhà văn), "Người đàn bà mộng du" (Hãng phim Truyện Việt Nam), "Khi người ta yêu", "Trò đùa của thiên lôi" (Hãng phim Truyện 1), "Đêm Bến Tre" (Điện ảnh Quân đội Nhân dân), "Người học trò đất Gia Định" (Hãng phim Nguyễn Đình Chiểu), "U14 - đội bóng trong mơ", "Biển đợi" (Hãng phim Giải phóng). Cũng như nhiều năm trước, trong phim truyện nhựa đề tài truyền thống và hậu chiến được chú ý nhiều hơn và dường như cũng gây được xúc động lớn hơn các đề tài khác, bởi đấy là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Nhưng việc chậm xuất hiện những tác phẩm xuất sắc về đề tài đương đại (trong khi chiến tranh đã lùi xa gần 30 năm) là điều đáng lo ngại và đó cũng là một lý do để người xem Việt Nam khá thờ ơ với điện ảnh, bởi họ ít thấy hình ảnh của mình trong đó. Các phim đề tài đương đại nhìn chung cách tiếp cận đời sống chưa được nhuần nhuyễn, hiện thực được phản ánh có khi còn xa lạ hoặc nửa vời so với đòi hỏi của thực tế đời sống. Giải Cánh diều bạc cho phim truyện nhựa là "Trò đùa của thiên lôi" (Hãng phim Truyện 1), giải đặc biệt là "Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công" (Hãng phim Hội Nhà văn) và giải Cánh diều vàng duy nhất không chỉ ở thể loại phim truyện nhựa mà còn là giải vàng duy nhất trong mùa giải điện ảnh năm nay là phim "Người đàn bà mộng du" (đạo diễn Thanh Vân, Hãng phim Truyện Việt Nam). Tuy là đề tài hậu chiến, nhưng "Người đàn bà mộng du" đã có một cách nhìn độc đáo, một cách lý giải mới mẻ hiện thực chiến tranh và những mảng lấp khuất của đời sống thời hậu chiến.

Năm nay lần đầu tiên có giải Diễn viên trẻ triển vọng, nhưng các gương mặt: Huệ Minh (phim "Hướng nghiệp"), Phi Hùng (Phim "Hải âu"), Thanh Hương (phim "Những cánh hoa mong manh") và Tina Tình (trong phim truyện nhựa "Trò đùa của thiên lôi") hầu như ít gây được ấn tượng. Một mùa giải đã qua mà những gương mặt mới xuất hiện dường như còn quá ít. Giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam đã khép lại, những tiếng nói đồng tình và phản đối chắc chắn sẽ xuất hiện đây đó, nhưng có thể nói về cơ bản giải thưởng năm nay đã đánh giá tương đối chính xác mặt bằng chất lượng của điện ảnh Việt Nam 2003. Một mặt bằng không mấy sáng sủa, những gương mặt mới còn quá ít và chưa đủ sức tỏa sáng. Nhưng có thể nói rằng một cách nhìn nghiêm khắc đối với chính mình, chính là bước khởi đầu, là tín hiệu lạc quan cho những bước tiến mới trong những mùa giải sau.