Dấu ấn từ phim tài liệu Chưtankra

Thời gian gần đây, bộ phim tài liệu Chưtankra của đạo diễn Vũ Minh Phương đã liên tiếp giành nhiều giải thưởng danh giá: Cánh diều vàng 2019 của Hội Điện ảnh Việt Nam, Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21 và giải A, giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2014-2019). Đây là dấu ấn quan trọng khẳng định tài năng, tâm huyết của đạo diễn trẻ sinh năm 1980 này.

Cảnh trong phim Chưtankra.
Cảnh trong phim Chưtankra.

Bộ phim Chưtankra kể về câu chuyện những cựu chiến binh (CCB) của Trung đoàn 209 (còn gọi là Trung đoàn “lính mũ sắt Hà Nội”) với hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội hy sinh tại dãy núi Chưtankra (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Hành trình đầy gian nan và nghĩa tình ấy ngời sáng giá trị nhân văn cao cả của những CCB đối với đồng đội và đất nước. Năm 1968, diễn ra trận chiến ác liệt giữa những người lính mũ sắt Hà Nội với quân đội Mỹ. Trong trận giao tranh ấy, hơn 200 chiến sĩ của ta đã hy sinh quanh các cao điểm ở cánh rừng bên dãy Chưtankra. Những năm qua, các gia đình liệt sĩ đi tìm mộ người thân nhưng vô vọng. Đồng cảm với nỗi niềm mong đợi, những CCB đã ngoài 70 tuổi của Ban liên lạc Trung đoàn 209 quyết định họp mặt, cùng nhau trở lại chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội và miệt mài suốt 10 năm cùng công việc đầy gian khó.

Phim Chưtankra gây xúc động bởi chất hiện thực, lay động lòng người. Địa danh ấy xa xôi mà cũng đầy gần gũi bởi đó là nhịp cầu nối những con người không cùng lứa tuổi, vùng miền, ngôn ngữ xích lại gần nhau qua sợi dây yêu thương, trắc ẩn. Suốt quá trình cùng ê-kíp Điện ảnh Quân đội thực hiện bộ phim, Thiếu tá - Đạo diễn Vũ Minh Phương liên tục ghi nhật ký. Anh gọi các CCB là “bố”: Bố Đồng, Bố Vĩnh, Bố Lục, Bố Ngọc. Đồng hành cùng họ còn có cả các CCB Mỹ. Bộ phim ghi hình vào chuyến thứ 30 trong hành trình 10 năm tìm hài cốt đồng đội của những người lính mũ sắt. Tất cả cao điểm trên dãy Chưtankra đều cao hàng nghìn mét so với mực nước biển. Mùa khô có thể lên bằng ba cách: đi bộ mất khoảng gần ba giờ, thuê người dân chở bằng xe gắn máy hoặc thuê xe ô-tô tải chuyên chở hàng lên rẫy; mùa mưa, nếu nước suối đã rút bớt, chỉ còn cách đi bộ, mất khoảng năm giờ. Giữa mùa mưa lũ, đoàn phim ghi lại được cảnh các CCB vượt suối, cất bốc, quy tập hài cốt 34 liệt sĩ, kịp an táng đúng Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7).

Đoàn phim Chưtankra chỉ có sáu người, gồm: đạo diễn, biên kịch, quay phim, phụ quay, thu thanh. Trong đoàn, trừ đạo diễn Vũ Minh Phương từng theo các CCB hai chuyến thì tất cả đều lần đầu tiên ăn, ở trong rừng. Họ được các CCB dạy từ việc chọn điểm mắc võng, cách làm cọc phụ chống nước mưa, buộc mối sao cho chặt và thuận tiện khi thu võng… Để tránh bỏ lỡ những khoảnh khắc quý, đoàn phim có lúc phải làm việc theo nhóm. Hy hữu, khoảnh khắc cả ba máy đều lấy một cỡ cảnh duy nhất đó là: đặc tả những ánh mắt ngấn lệ. Trong gần 20 ngày, đoàn phim nhiều lần lên - xuống núi bởi bối cảnh quay chủ yếu trong rừng và trên đỉnh núi. Đạo diễn Vũ Minh Phương cho rằng, chính hành trình đầy ý nghĩa của các CCB đã tiếp thêm động lực và lôi cuốn Điện ảnh Quân đội thực hiện bộ phim tài liệu. Ngoài nội dung xúc động, Chưtankra còn đánh dấu góc nhìn mới, sự dấn thân quyết liệt của đội ngũ những người trẻ với đề tài hậu chiến. Những năm gần đây, tại các kỳ liên hoan phim và giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh, Điện ảnh Quân đội nhìn chung đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ, thể hiện qua các tác phẩm sáng tạo, hấp dẫn, thu hút khán giả.

Nhìn lại chặng đường của phim tài liệu Việt Nam, trừ thời kỳ vàng son (từ 1998 - 2005) với nhiều giải thưởng quốc tế, thì nhiều năm qua thể loại này đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Sự xuất hiện của đội ngũ đạo diễn trẻ như Vũ Minh Phương hay Tạ Quỳnh Tư (đạo diễn phim Chông chênh, giải Bông sen vàng Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 21) , Lê Nguyên Bảo (phụ trách ê-kíp phim tài liệu Không chiến Việt Nam - Những cánh én đầu tiên) là tín hiệu khả quan, đánh dấu bước chuyển mình của điện ảnh thông qua đội ngũ nhân sự trẻ tài năng, nhiệt huyết.