Bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số

Âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất đa dạng và đậm đà bản sắc. Các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, các nhạc sĩ, nghệ nhân và cộng đồng các dân tộc đang phối hợp tìm kiếm những giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản đó trong cuộc sống đương đại.

Nghệ thuật diễn xướng, trong đó có âm nhạc các dân tộc thiểu số mang những sắc thái riêng, góp phần tạo nên bản sắc âm nhạc dân tộc Việt Nam, vừa độc đáo, vừa đa dạng trong sự thống nhất. Nhiều năm qua, công tác sưu tầm, nghiên cứu âm nhạc các dân tộc thiểu số ở nước ta đã được chú trọng và đạt nhiều thành quả quan trọng. Tiêu biểu là kết quả sưu tầm, nghiên cứu của Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) trong hơn 60 năm qua, với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm uy tín, tạo nên kho tư liệu lớn bằng âm thanh, hình ảnh, văn bản về âm nhạc dân gian cổ truyền của 54 dân tộc Việt Nam, bao gồm cả nhạc hát, nhạc đàn cùng nhiều công trình nghiên cứu mang tầm quốc gia và quốc tế. Công tác sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo và khai thác kho tàng nghệ thuật dân gian dân tộc nêu trên đã tạo nên nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng trên sân khấu chuyên nghiệp, góp phần tạo dựng phong trào văn nghệ sôi nổi ở các vùng, miền trong cả nước.


Một trong những ưu tiên trong công cuộc bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc là phải nuôi dưỡng được nền âm nhạc đó trong cộng đồng. Ở đây, có vai trò quan trọng của việc mở rộng và phát huy phong trào văn nghệ quần chúng ở cơ sở, mà yếu tố hạt nhân nòng cốt tạo dựng và hướng dẫn phong trào là các cán bộ văn hóa cơ sở được trang bị kiến thức và kỹ năng về âm nhạc dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đây là nỗi băn khoăn từ lâu, khi chương trình đào tạo văn hóa cơ sở phần lớn vẫn dùng các nhạc cụ phương tây, nhạc cụ điện tử, với các kiến thức âm nhạc phương tây, thiếu hụt lớn kiến thức về âm nhạc cổ truyền các dân tộc. Từ thực tế này, các cấp có trách nhiệm nên đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như các câu lạc bộ tự tổ chức sinh hoạt nghệ thuật, cùng Nhà nước đào tạo những cán bộ cơ sở am hiểu về âm nhạc cổ truyền. Để duy trì và động viên phong trào, các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức các liên hoan nghệ thuật cổ truyền các dân tộc từ cấp xã, huyện đến cấp tỉnh và T.Ư, phát động các cuộc thi tài năng âm nhạc dân tộc thiểu số, tôn vinh các nghệ nhân dân gian cùng những phần thưởng vật chất xứng đáng; động viên lớp trẻ tìm hiểu, học hỏi, rèn luyện âm nhạc của dân tộc mình.

Quan tâm đầu tư cho phong trào văn nghệ quần chúng chính là khơi dậy ngọn nguồn âm nhạc dân tộc, để nó lan tỏa trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số, là cơ sở để sưu tầm, nghiên cứu khai thác cho âm nhạc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị di sản, cần làm tốt công tác truyền thông, quảng bá âm nhạc dân tộc, nhất là trên sóng phát thanh, truyền hình, trong đó có việc phổ biến dạy và học âm nhạc dân tộc, mở câu lạc bộ dân ca nhạc cổ truyền.