Từ Tổng đội Văn công đến Nhà hát ca múa nhạc Quân đội

NDO - Ngay từ ngày đầu mới thành lập, Tổng đội Văn công đã sáng tác, biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân vùng kháng chiến, đưa văn hóa cách mạng đến mọi nẻo đường đất nước. Có thể nói, dấu ấn của Tổng đội còn mãi với thời gian, qua các bài hát Chào mừng Ðảng Lao động Việt Nam của Ðỗ Minh, Vì nhân dân quên mình của Doãn Quang Khải cùng sự hỗ trợ hiệu quả của Nguyễn Xuân Khoát.

Ngày 15-3-1951, Tổng đội Văn công được thành lập giữa đại ngàn Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến. Các chàng trai, cô gái tuổi mười chín, đôi mươi náo nức đầu quân theo người chiến sĩ - nhạc sĩ Ðỗ Nhuận và các đồng đội của ông như: Hoàng Cầm, Từ Bích Hoàng, Văn Chung và Hồ Nhị Quang... Chỉ sau ít ngày thành lập, cuộc hành quân đầu tiên của Ðoàn là hướng về đồng bằng Khu 3, tham dự chiến dịch Quang Trung. Rồi trên những nẻo đường chiến dịch, thấy dân công, đồng bào Mường bên đống lửa hồng dùng hai đòn cáng thương đập vào nhau, cứ thế từng người nhảy ra nhảy vào, những người nghệ sĩ - chiến sĩ coi đó là chất liệu để khai thác và sáng tạo nên điệu múa sạp sau này. Chiến dịch tiếp theo là qua miền Tây Bắc, hướng về Nà Sản. Con đường trùng điệp ấy đã tạo dựng nên một ca khúc đến ngày nay còn vang mãi Qua miền Tây Bắc của Nguyễn Thành.

Chiến dịch thứ ba, chiến dịch Trần Ðình được huy động sức người, sức của lớn nhất. Hầu hết các binh đoàn của chủ lực lên đường, hướng về Trần Ðình. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ trong Ðoàn đều băn khoăn: 'Trần Ðình ở đâu?'. Trưởng đoàn Ðỗ Nhuận giải đáp 'Ðã là người lính cách mạng thì đâu có giặc là cứ đi chứ thắc mắc làm gì'. Ðó là cái tứ để từ đó ông có một bài ca đi cùng chiến sĩ, cổ vũ chiến sĩ Hành quân xa. 'Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ... đâu có giặc là ta cứ đi...'. Khi đoàn thanh niên xung phong cùng Văn công Tổng cục Chính trị và bảy đội văn công các binh đoàn chủ lực tham gia làm đường cho xe và pháo vào chiến dịch Trần Ðình, mọi người mới vỡ lẽ: Trần Ðình là Ðiện Biên Phủ. Trong lúc làm đường, gặp phải hòn đá to, vật cản cần phải loại bỏ, Trưởng đoàn Ðỗ Nhuận đã cùng Mạnh Thắng sáng tác kịp thời vở ca cảnh Hòn Ðá, cổ vũ bộ đội và dân công làm đường. Khi chiến dịch mở màn, đồn Him Lam bị tiêu diệt, Ðỗ Nhuận có ngay ca khúc Chiến thắng Him Lam. Chiến dịch toàn thắng ông lại có tác phẩm Chiến thắng Ðiện Biên. Chùm ca khúc về Ðiện Biên của Ðỗ Nhuận đã trở thành kỷ niệm sâu sắc của những người tham gia chiến dịch.

Sau chiến thắng Ðiện Biên là Liên hoan Văn công toàn quân lần thứ nhất, gồm các đoàn: Văn công Tổng cục Chính trị, Văn công của các đại đoàn chủ lực, Văn công Quân khu và các đội trực thuộc cơ quan Bộ Tổng Tư lệnh. Trong Liên hoan có sự góp mặt của Ðoàn Văn công Trường Lục quân mới từ nước bạn trở về. Sau cuộc liên hoan lịch sử này, là cuộc sáp nhập toàn bộ các đơn vị đã có mặt tại liên hoan thành ba Ðoàn Văn công Tổng cục Chính trị với nhiệm vụ về tiếp quản Thủ đô, Nam Ðịnh và các vùng lân cận, đón tiếp đồng bào và bộ đội miền nam tập kết ra miền bắc. Tháng Giêng năm 1955, Ðoàn đi vào chuyên ngành, chuyển thành Ðoàn ca vũ. Rồi được Bác Hồ đổi chữ 'vũ' thành chữ 'múa' và Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị ra đời từ đó.

Hòa bình được lập lại ở miền bắc, Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị tiếp tục vai trò quan trọng của mình, sáng tác và biểu diễn phục vụ cán bộ, chiến sĩ, tham gia một số hoạt động nghệ thuật quốc tế, đóng góp vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền bắc. Cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Ðoàn ca múa Tổng cục Chính trị lại tiếp tục hành quân, với hình thức chia thành nhiều đoàn nhỏ. Ðoàn một vào Trường Sơn để xây dựng Văn công 559 do nhạc sĩ Nguyễn Thành và biên đạo Ðinh Ngọc Minh phụ trách. Ðoàn hai do Huỳnh Tiểng phụ trách, hành quân suốt sáu tháng vào tận Nam Bộ bổ sung cho Văn công miền, và dọc đường, nữ nghệ sĩ múa Nguyệt Ba đã hy sinh. Ðoàn ba đi phục vụ quân dân Khu 4, ca cảnh Lá đơn tình nguyện của Doãn Nho và Quốc Bảo đã ra đời tại đây, được quân dân Khu 4 rất hoan nghênh. Ðoàn bốn vào xây dựng Văn công Quân khu 6 do Phong Kỳ và Xuân Sơn phụ trách. Ðây là đoàn gặp nhiều khó khăn, ác liệt nhất, Vừa phải chiến đấu, vừa sản xuất, tự lo mọi việc đời sống để sáng tác và biểu diễn. Nghệ sĩ Phạm Úy cùng chín nghệ sĩ khác đã anh dũng hy sinh ở đây. Ðoàn năm do Trần Chất và Hồng Thuận phụ trách, vào phục vụ mặt trận Tây Nguyên. Phần lớn anh em trong đoàn bị sốt rét, từng chịu nhiều trận B52, nhưng vẫn có nhiều sáng tác mới. Và tiếng hát của Minh Nguyệt, Huy Cường vẫn vang vọng núi rừng quê hương anh hùng Núp. Ðặc biệt, tấu nói của Mai Lũy được Trọng Hinh thể hiện đã ghi đậm dấu ấn với quân và dân Tây Nguyên.

Có thể kể đến những cuộc hành quân của Ðội thanh niên xung kích của Ðoàn do Nguyễn Quế và Trần Loan phụ trách hoặc của đội xung kích do Minh Tiến, Huy Thục lãnh đạo vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, phục vụ bộ đội và sáng tác nhiều tác phẩm còn mãi với thời gian. Rồi những cuộc hành quân sang nước bạn Lào của đội văn nghệ do Huy Luân và Trần Dũng lãnh đạo, phục vụ lực lượng vũ trang nước bạn và bộ đội tình nguyện Việt Nam. Rồi cuộc hành quân của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ Vũ Trọng Hối phụ trách phục vụ các đơn vị làm nhiệm vụ ở các đảo Cồn Cỏ, Cát Bà, Thanh Lân, Cô Tô, Bạch Long Vĩ. Ðặc biệt, sau ngày ký kết Hiệp định Pa-ri, nhân kỷ niệm 30 năm ngày QÐND Việt Nam (12-1944 - 12-1974) là cuộc hành quân của nhóm ca sĩ của Ðoàn từ Hà Nội vào 'trại Ða-vít' Tân Sơn Nhất để phục vụ phái đoàn quân sự bốn bên... Tất cả những cuộc hành quân, tất cả những cuộc biểu diễn đã cùng nhau xây đắp làm nên bề dày truyền thống của Ðoàn Ca múa Tổng cục Chính trị, nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.

Phải nói rằng, từ khi thành lập đến nay, nhiều tiết mục, tác phẩm nghệ thuật, tên tuổi nghệ sĩ của Ðoàn đã ghi đậm dấu ấn vào lịch sử nền nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Ðó là các tên tuổi nhạc sĩ như: Ðỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Huy Du, Khắc Tuế, Nguyễn Ðức Toàn, Minh Tiến, Huy Thục, Ứng Duy Thịnh, Ðặng Văn Hùng; là các nghệ sĩ Lê Dung, Tường Vy, Kim Cúc, Hoài Thu, Kim Ngọc, Thúy Mị, Bích Việt, Quang Mạo, Mộng Tước, Minh Nguyệt, Hà Thủy, Lương Huy, Trần Tựa, Trần Chất, Ðoàn Thiều, Mạnh Thắng, Linh Nhâm, Mạnh Hưng... và các nghệ sĩ múa Ngọc Lê, Nguyễn Lương, Công Hải, Tiến Ðịnh, Trần Cường... Ðó là các tác phẩm: Chiến thắng Ðiện Biên (Ðỗ Nhuận), Việt Nam trên đường chúng ta đi (Huy Du),  Ðường ta đi dài theo đất nước (Vũ Trọng Hối), Bài ca bên cánh võng (Nguyên Nhung), Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Ðức Toàn), Chị Mai đi chợ (Lê Lan), Cây lúa Hàm Rồng (Ðôn Truyền), Tiếng đàn Ta lư (Huy Thục), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Lá cờ Ðảng (Văn An), Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi (Thanh Phúc), Phi đội ta xuất kích (Tường Vi), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), Dời đô ngàn năm vang mãi (Nguyễn Tiến)... Và các tác phẩm múa Hoa ban nở của Minh Tiến, Con quỷ và Nàng tiên của Kim Tiến, Vũ điệu chim Công của Ứng Duy Thịnh, Cờ giải phóng của Ngọc Canh,... cùng rất nhiều tác giả và tác phẩm không thể kể hết.

Ghi nhận thành tích và công lao của các nghệ sĩ, năm 2000, Nhà hát ca múa nhạc Quân đội được Ðảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tác phẩm múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật; các tác giả Ðỗ Nhuận, Huy Du, Nguyễn Ðức Toàn được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật; các nhạc sĩ, biên đạo được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật như: Ðỗ Minh Tiến, Lê Ngọc Canh, Lê Kim Tiến, Ðôn Truyền, Ứng Duy Thịnh, Nguyễn Thành, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan... Mười nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, 51 nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Tập thể và nhiều cán bộ, chiến sĩ của Ðoàn đã được Ðảng và Nhà nước tặng nhiều huân chương cao quý, Ðoàn cũng đã được trao nhiều huy chương vàng, bạc các loại tại các hội diễn quốc gia và quốc tế.

60 năm tuổi đời của Nhà hát ca múa nhạc thuộc Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam là cả một chặng đường gian lao nhưng đầy vinh quang của các thế hệ nghệ sĩ - chiến sĩ. Con đường nghệ thuật phía trước đang rộng mở cùng hy vọng và đón đợi ở những nghệ sĩ mặc áo lính.