Phim tài liệu Việt Nam

Những khoảnh khắc mang đậm bản chất cuộc sống

Năm 2004, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương sản xuất được 17 phim (4 phim nhựa, 13 phim video) -  nhiều nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; quay trên 2.500m phim tư liệu trong và ngoài nước; thực hiện 5 băng hình phục vụ đồng bào miền núi. Các đề tài phim vừa bám sát cuộc sống vừa hướng tới phục vụ những ngày kỷ niệm lớn trong năm.

Chất lượng của các bộ phim khá đồng đều, số lượng phim về đề tài đương đại có số lượng áp đảo. Năm 2004 cũng là năm lực lượng sáng tác trẻ của Hãng đã đủ sức để thay thế một thế hệ dày dạn kinh nghiệm đã nghỉ hưu. Trừ một vài nghệ sĩ lão thành như Đào Trọng Khánh, Nguyễn Lương Đức, Nguyễn Sỹ Chung... tất cả các vị trí chủ chốt của 17 phim đều do lực lượng trẻ đảm nhận.

Chưa có điều kiện xem hết 17 phim của Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương sản xuất trong năm 2004, trong bài viết này chúng tôi chỉ có đôi điều nhận xét về bốn bộ phim tài liệu nhựa.

"Những người cùng thế hệ" (kịch bản: Dương Trung Quốc - Nguyễn Thước, đạo diễn: Nguyễn Thước) nói về những người con Hà Nội đã làm nên những kỳ tích anh hùng trong những năm kháng chiến và xây dựng một thủ đô giàu đẹp xứng đáng là trái tim của Tổ quốc. Phim có nhiều cảnh quay đẹp, công phu, có nhiều tư liệu lịch sử quý giá nhưng các tác giả còn ôm đồm, lan man, tỏ ra lấn cấn giữa hai tuyến: Truyền thống thủ đô anh hùng và khắc họa hình ảnh những Thanh niên thành Hoàng Diệu năm xưa...

"Những nẻo đường công lý" (kịch bản và đạo diễn: Lại Văn Sinh) là một bộ phim tài liệu nhựa dài 30 phút giàu ý nghĩa thời sự, ra mắt rất kịp thời giữa lúc cả nhân loại đang đứng về phía các nạn nhân chất độc da cam, đòi công lý. Phim diễn tả những nỗi đau do chất độc da cam gây nên cho hàng triệu người Việt Nam vô tội và hành trình gian lan đi tìm công lý đi tìm lẽ phải.

Đã có khá nhiều phim làm về chất độc da cam nhưng Lại Văn Sinh vẫn có lối đi riêng: Anh không đi vào diễn biến vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ, mà nhân sự kiện đó góp thêm tiếng nói kêu gọi lương tri loài người lên án và ngăn chặn những tội ác man rợ. Những nhân chứng thuộc cả hai phía và những nỗi đau mà họ cùng phải gánh chịu, khiến cho bộ phim có tính khách quan, thuyết phục.

"Gầm cầu mặt nước" (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Sỹ Chung) là cuộc đời của những con người có hoàn cảnh trắc trở, éo le từ nhiều nơi kéo về trú ngụ và trở thành một xóm nổi dưới chân cầu Long Biên. Mỗi người một cảnh ngộ, một số phận và mặc dù đều sống nghèo khổ, tạm bợ, nhưng ở họ vẫn đầy ắp tình người, họ vẫn không hết hy vọng vào sự đổi đời của những đứa con của mình.

Mặc dù báo chí đã giành không ít bút mực cho cái xóm nổi này, nhưng Nguyễn Sỹ Chung vẫn cuốn hút người xem bởi những góc quay, những hình ảnh độc đáo: Buổi cúng Hà Bá trên mênh mông sông nước, những đứa trẻ ham học trong lớp học tình thương, đêm Trung thu nghèo khó mà ấm cúng...

Đặc biệt anh chú trọng tới hai số phận trôi nổi: Một từ Quảng Bình ra, một từ nội thành bật ra bãi; đều là những cựu chiến binh. Họ có hoàn cảnh khác nhau: Một người vì không chịu nổi sự hiểu lầm là kẻ phản bội của người đời một người vì tai nạn liên tiếp giáng xuống đầu phải bán hết cả tài sản, nhà cửa... Nhưng họ vẫn giữ vững phẩm chất tốt đẹp, vẫn sống vị tha, tình nghĩa.

Đã có nhiều phim nói về nỗi nhọc nhằn, vất vả của những người nông dân nghề muối, nhưng phim "Nghề muối" (kịch bản: Phan Huyền Thư, đạo diễn: Trần Phi) vẫn có tiếng nói riêng của mình: Sự nhọc nhằn, nghiệt ngã của nghề không làm mất đi nỗi khát khao, mong ước về một cuộc sống tốt đẹp của những người diêm dân.

Phim có những đoạn đặc tả vừa đẹp vừa dữ dội về cảnh sống, cảnh lao động của những con người đổ bát mồ hôi lấy bát muối, trong hoàn cảnh thật khắc nghiệt, "trời nắng thì muối rẻ, trời mưa thì đói".

Những thước phim của "Nghề muối" thật gân guốc, độc đáo: Cảnh người đàn bà góa gồng mình nuôi ba đứa con ăn học thành đạt, cảnh cô gái thất lạc năm Mậu Thân nay đã ngoài 30 tuổi ghép ảnh mình với ảnh một người con trai không quen biết, tự mình làm đám cưới cho mình. Rồi cảnh trẻ em làng muối đi học từ nửa đêm (vì khi mẹ cha chúng ra ruộng muối thì cũng phải đem chúng đến trường luôn). Cô giáo trở thành người trông và giữ cho trẻ ngủ! Nhìn cảnh những em bé ngủ ở trường nét mặt vừa ngây thơ, vừa chịu đựng khiến người xem khó kìm nổi nước mắt.

Chỉ tiếc là các tác giả còn dàn đều, thiếu những điểm nhấn cần thiết, do vậy những chi tiết đắc địa, những lời bình thông minh, sắc sảo chưa đủ sức để tạo nên những cao trào...

Nhìn chung các phim tài liệu nhựa Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương sản xuất năm 2004 đều có sức hấp dẫn người xem, đều có ý thức tìm tòi để không lặp lại mình, để phản ánh hiện thực của đất nước một cách đa dạng, nhiều chiều, kể cả những mặt lấp khuất của đời sống mà nhiều khi do vô tình chúng ta dễ bỏ qua. Nhiều phim đã tránh được lối kể lể sự việc bằng hình ảnh hoặc lời bình và đưa lên được khuôn hình những khoảnh khắc mang đậm bản chất của cuộc sống. Mặc dù là phim tài liệu nhưng các tác giả vẫn chú ý khắc họa số phận của những con người cụ thể bên cạnh cái nhìn toàn cảnh, khiến cho phim có chiều sâu và đủ sức lưu giữ trong trí nhớ người xem.

Chúng ta càng cảm thông và trân trọng hơn nếu biết rằng mỗi hình ảnh của phim tài liệu nhựa chỉ được quay hai đúp, vì lý do kinh phí - đây là một khó khăn và áp lực tâm lý rất lớn đối với người làm phim. Nhưng với truyền thống sẵn có, với đội ngũ giàu kinh nghiệm và tâm huyết, Hãng phim Tài liệu - Khoa học Trung ương vẫn mang lại cho người xem những tác phẩm hữu ích và có giá trị nghệ thuật.