Đồng bộ giữa quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng để tăng tốc phát triển

Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, sẽ là “kim chỉ nam” cho sáu tỉnh, thành phố trong vùng phối hợp, liên kết, cùng nhau khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn qua khu vực sân bay Long Thành.
Đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, đoạn qua khu vực sân bay Long Thành.

Tỉnh Đồng Nai đang rà soát, đồng bộ hóa quy hoạch của tỉnh với quy hoạch vùng, đây là tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh ngay sau khi được thông qua.

Phát triển ngang bằng hoặc cao hơn khu vực

Trong Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai được xác định là đầu mối giao thông liên kết vùng và có nhiều lợi thế phát triển thời gian tới. Theo đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, tỉnh được xác định là lõi phát triển công nghiệp và theo quy hoạch vùng có tám ngành sẽ tập trung thu hút đầu tư đều phù hợp với định hướng của tỉnh.

Quan điểm phát triển công nghiệp của Đồng Nai là hàm lượng chất xám cao, thu hút đầu tư theo chiều sâu có chọn lọc. Cụ thể, ưu tiên lựa chọn công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp và trí tuệ nhân tạo, đồng thời tiến tới nói không với thu hút các ngành dệt may, giày da, chế biến thức ăn chăn nuôi.

Trong hai mũi nhọn phát triển công nghiệp và dịch vụ ở thành phố Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành, tỉnh sẽ quan tâm thúc đẩy trung tâm giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia ở phía tây nam của tỉnh. Quá trình phát triển kinh tế, sẽ khai thác và phát huy tốt giá trị sông Đồng Nai trở thành hành lang xanh sinh thái của khu vực. Các huyện phía bắc của tỉnh sẽ đi sâu phát triển lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, Đồng Nai hiện được ví như trung tâm giao thông, “bùng binh” của khu vực, tất cả các tuyến giao thông kết nối đều đi qua địa bàn, có ý nghĩa chiến lược với cả vùng, là tuyến duy nhất di chuyển đến sân bay Long Thành và cảng Cái Mép. “Phát triển hệ thống cao tốc, logistics là vấn đề rất lớn hiện nay. Tỉnh Đồng Nai phải nỗ lực hình thành đô thị vùng không gian bên ngoài sân bay Long Thành để phát huy tối đa dịch vụ mang lại giá trị lợi ích cao nhất cho địa phương.

Phải chú ý tính toán, đáp ứng hai giải pháp quan trọng nhất quyết định sự phát triển địa phương là nguồn vốn và chất lượng nguồn nhân lực. Các mục tiêu phát triển của tỉnh phải ngang bằng hoặc cao hơn khu vực đã nêu rõ trong quy hoạch vùng, không thể thấp hơn, nên phải quyết liệt”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.

Cách đây ít ngày, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị chuyên đề về rà soát quy hoạch của tỉnh, tạo sự thống nhất, phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam Bộ. Hàng loạt ý kiến đã làm rõ những điểm còn khác biệt, chưa thống nhất trong quy hoạch của tỉnh Đồng Nai với quy hoạch vùng; đồng thời đề xuất điều chỉnh, bổ sung các định hướng, giải pháp nhằm tạo sự đồng bộ và khẳng định vị trí, vai trò động lực của tỉnh trong mối tương quan với năm tỉnh, thành phố còn lại thuộc vùng Đông Nam Bộ.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai Phạm Xuân Hà nêu ý kiến: “Chúng ta định hướng chuỗi đô thị ven sông là đúng rồi, nhưng phải bảo đảm trở thành hành lang xanh, sinh thái và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dọc sông Đồng Nai. Các chỉ tiêu liên quan an sinh con người của chúng ta thấp, do vậy phải điều chỉnh, như cấp nước sạch, xử lý rác... Nếu không đạt thì những tiêu chí này về sau sẽ khó phù hợp chỉ tiêu của vùng”.

Kiến tạo không gian để bứt phá

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước. Đồng Nai phải chủ động dự trữ không gian phát triển xứng tầm là yêu cầu lớn đặt ra ngay từ bây giờ. “Thành phố Biên Hòa nhận thấy quy hoạch tỉnh cần tập trung khai thác không gian phát triển mới, các yếu tố mới. Đối với các tiểu vùng trung tâm, cần bảo đảm sự hài hòa, quản lý chặt chẽ không gian dự trữ phát triển đô thị, gồm cả không gian ngầm và không gian chiều cao”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa Đỗ Khôi Nguyên nói.

Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức khẳng định, Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ đã được nghiên cứu rất kỹ, trong đó đưa ra 7 phương hướng phát triển và 6 giải pháp triển khai. Đồng Nai cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, chung tay với 4 tỉnh, thành phố còn lại đưa vùng Đông Nam Bộ không ngừng nêu cao vai trò đầu tàu dẫn dắt phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ mới.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương trong tỉnh một lần nữa xác định rõ chức năng, rà soát quy hoạch cho đồng bộ, thống nhất, tránh xung đột lợi ích, tích cực tham mưu đề xuất các giải pháp huy động nguồn lực, hiện thực hóa hiệu quả quy hoạch, khẳng định vị trí quan trọng của tỉnh Đồng Nai trong khu vực.

“Tinh thần là phải chấp hành quy hoạch chung của vùng, chỉ tiêu nào của từng ngành, địa phương còn “vênh” thì phải điều chỉnh, cập nhật cho đồng bộ, thống nhất vì mục tiêu phát triển chung. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh trước khi trình Hội đồng thẩm định quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này”, đồng chí Võ Tấn Đức lưu ý.