Dịp lễ Sen Dolta năm nay, tỉnh Sóc Trăng đón Đoàn lãnh đạo Trung ương do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu về thăm, chúc lễ các vị sư và đồng bào Khmer. Tại chùa Kh’Leng ở thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới các vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, các vị chức sắc, sư sãi, cán bộ, chiến sĩ và toàn thể đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp, cùng nhau đón lễ Sen Dolta đầm ấm, vui tươi, hạnh phúc.
Trong không khí hân hoan, phấn khởi, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Trung ương đã cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trung ương thống nhất cao sẽ ban hành nghị quyết mới tiếp tục khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định đồng bào các dân tộc thiểu số là một bộ phận không thể tách rời trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và các cơ quan liên quan của tỉnh Sóc Trăng tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo; tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào Khmer đón lễ Sen Dolta đoàn kết, vui tươi, an toàn, tiết kiệm...
Hòa thượng Tăng Nô, Hội trưởng Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cho hay, toàn tỉnh hiện có 130 cơ sở thờ tự; trong đó có 93 chùa và 37 Salaten với tổng số 1.929 sư sãi. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước luôn là cầu nối giữa chư tăng, chức sắc, đồng bào phật tử Khmer với các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp; là trung tâm đoàn kết, vận động bà con phật tử Khmer tích cực học tập, lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer luôn được duy trì theo phong tục tập quán, qua đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của sư sãi và đồng bào Khmer.
Với sự đoàn kết, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế-xã hội tỉnh Sóc Trăng tiếp tục phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2023, ước GRDP bình quân đầu người của Sóc Trăng đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so năm 2020. Kinh tế phát triển, những dịp lễ, hội của đồng bào Khmer càng thêm vui tươi, đầm ấm, bà con chung sức, đồng lòng vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua lao động sản xuất, tích cực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Tại Trà Vinh, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 31,5% dân số toàn tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer, tạo sinh kế bền vững, ổn định đời sống nhân dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh xuống còn 1,88% dân số.
Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã giải quyết đất ở, nhà ở, điện thắp sáng, nước sinh hoạt cho hơn 70.000 lượt hộ; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và thực hiện các chính sách trợ giá, trợ cước với nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn 2016-2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo xây 27.317 nhà ở, tổng mức đầu tư hơn 651 tỷ đồng, trong đó chủ yếu hỗ trợ hộ đồng bào Khmer.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh triển khai dự án cấp điện nông thôn với tổng mức đầu tư hơn 307 tỷ đồng, cấp điện sinh hoạt cho 12.269 hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ thành quả phát triển chung, lễ Sen Dolta năm nay tại các phum, sóc ở Trà Vinh diễn ra trong không khí đầm ấm, phấn khởi.
Thu hoạch vụ lúa hè thu thắng lợi, những ngày qua, gia đình ông Danh Công ở ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang sum vầy nhân dịp lễ Sen Dolta. Còn anh Thạch Le Ne (43 tuổi) ở ấp Tà Săng, xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, với hơn 200 công đất, mỗi vụ nuôi tôm và cua, đã thu về lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng.
"Sen Dolta năm nay gia đình tôi tổ chức tươm tất hơn. Ngoài cúng tổ tiên, ông bà, vợ chồng tôi còn cho các con đến viếng chùa để hiểu ý nghĩa của ngày lễ", anh Thạch Le Ne chia sẻ.
Dịp này, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang tổ chức các đoàn thăm hỏi, chúc mừng các vị chức sắc, à cha, chư tăng, người có uy tín trong đồng bào Khmer đón Sen Dolta năm 2023 vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết: "Kinh tế-xã hội của tỉnh nhà tiếp tục phát triển ấn tượng. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của các vị chức sắc và đồng bào Khmer... Tôi mong các vị chức sắc, chư tăng, trụ trì các chùa tiếp tục tuyên truyền, giáo dục đồng bào, phật tử nỗ lực cùng địa phương phát huy tinh thần đoàn kết chung tay xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp...".