Ngày 24/10, hãng tin Reuters công bố thống kê cho thấy, số ca bệnh được báo cáo cho đến nay ở Đông Âu đã vượt mốc 20 triệu ca, trong bối cảnh khu vực này đang phải đương đầu với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Số ca nhiễm mới trong khu vực vẫn tăng đều đặn theo ngày, với trung bình hơn 83.700 ca mắc mới mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Một phần nguyên nhân là tỷ lệ tiêm ngừa Covid-19 ở đây còn thấp. Các quốc gia trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất ở châu Âu, với chưa đến một nửa dân số được tiêm liều vaccine phòng Covid-19 đầu tiên.
Reuters dẫn số liệu từ trang thống kê Our World in Data cho thấy, nước đứng đầu khu vực về tỷ lệ tiêm chủng là Hungary cũng mới chỉ có 62% dân số đã tiêm ít nhất một mũi, trong khi Ukraine thậm chí mới chỉ tiêm liều đầu tiên cho 19% dân số.
Bên cạnh đó, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đông Âu cũng rất đáng lo ngại. Theo phân tích của Reuters, có đến ba trong số năm quốc gia ghi nhận nhiều người chết nhất trên thế giới vì dịch bệnh này là ở Đông Âu, gồm Nga, Ukraine và Romania.
Trong đó, hơn 40% tổng số ca mắc mới được ghi nhận ở Đông Âu tập trung ở Nga. Theo phân tích của Reuters, cứ sau 5 phút, lại có trung bình 120 người Nga có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nước này đang bị đặt dưới áp lực rất lớn. Nga liên tục lập cột mốc kỷ lục mới về số ca tử vong do Covid-19. Trong đó, tính đến ngày 22/10, nước này đã bốn ngày liên tiếp chứng kiến số ca tử vong cao kỷ lục, trong khi mới khoảng 36% dân số được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên.
Ở thủ đô Moscow, thành phố đông dân nhất đất nước, nhà chức trách yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh, ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu như siêu thị và hiệu thuốc vào tuần tới, nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Trong khi đó, Bộ Y tế Slovakia cũng vừa báo cáo 3.480 ca mắc mới vào ngày 19/10, con số cao nhất kể từ tháng 3. Quốc gia này có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình ở Liên minh châu Âu (EU), với chỉ hơn một nửa dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ trên tổng dân số 5,5 triệu người. Chính điều này đã góp phần khiến các ca nhiễm mới ở Slovakia tăng nhanh hơn so với các nước láng giềng.
Còn tại Romania, các bệnh viện cũng đang trong tình trạng quá tải trên khắp cả nước, với các giường cấp cứu hầu như đã kín chỗ. Quốc gia này đã ghi nhận con số cao kỷ lục cả về số ca tử vong và mắc mới trung bình trong ngày hôm thứ ba. Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng còn thấp, trung bình cứ năm phút lại có một người tử vong vì Covid-19 ở Romania.
Ukraine cũng đã ghi nhận mức cao kỷ lục hằng ngày về số ca nhiễm mới và số ca tử vong liên quan trong ngày thứ hai liên tiếp hôm thứ sáu. Trước tình trạng này, Chính phủ Ukraine đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp vì Covid-19, cho phép chính quyền địa phương áp dụng các biện pháp hạn chế cho đến cuối năm để kiềm chế lây nhiễm.
Đáng lo ngại hơn, các chuyên gia cảnh báo, một làn sóng dịch bệnh mới được dự báo sẽ càn quét châu Âu khi mùa đông đang tới gần, đặc biệt trong bối cảnh châu lục này đã dỡ bỏ phần lớn các biện pháp phòng dịch Covid-19.
Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới, ông Mike Ryan cho biết, việc tụ tập trong không gian kín nhiều hơn sau khi dỡ bỏ các hạn chế ngay khi mùa đông bắt đầu đang làm gia tăng ca nhiễm Covid-19 ở nhiều quốc gia trên khắp châu Âu.
"Hầu hết những hạn chế phòng dịch giờ đây không còn được áp dụng nữa. Điều này lại trùng với dịp mùa đông đang đến gần, khi mà mọi người có xu hướng tụ tập và hoạt động trong nhà nhiều hơn”, ông Ryan nói trong một cuộc họp báo.
Theo ông, điều này làm dấy lên lo ngại về làn sóng bệnh dịch mới tấn công châu Âu vào mùa đông, đồng thời càng gây sức ép lên hệ thống chăm sóc y tế ở các quốc gia trong khu vực.