Các hoạt động có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 13 dân tộc (Nùng, Tày, H'Mông, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của các địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Nghệ An, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Ngoài ra, huy động thêm khoảng 20 đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La từ ngày 22-23/1/2022.
Các hoạt động chính trong tháng 1 gồm “Làng - Ngôi nhà chung của chúng ta” với điểm nhấn “Giới thiệu tinh hoa nghề thủ công truyền thống” qua nét đẹp nghề dệt thổ cẩm của các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại “Ngôi nhà chung” chào năm mới 2022, tái hiện Lễ Hạn khuống của đồng bào dân tộc Thái, tỉnh Sơn La, giới thiệu “Điệu xòe thương nhau” và khúc hát ngày Xuân, hoạt động chuẩn bị, trang trí không gian đón Tết tại các làng dân tộc đang hoạt động hằng ngày, tổ chức “Bữa cơm đoàn viên” của các dân tộc hoạt động tại Làng.
Bên cạnh đó, các hoạt động cuối tuần với chủ đề “Đón xuân tại Làng” còn có giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa xuân: múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa; giới thiệu quy trình làm bánh, gói bánh, du khách trải nghiệm gói bánh, dạy gói bánh truyền thống và nấu bánh tại không gian các làng dân tộc; các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến, kéo co...
Du khách còn có cơ hội tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc như xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu…của dân tộc Mường; khau nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày, Nùng; cá nướng, gà nướng, xôi màu… của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc nam... Còn với dân tộc Tây Nguyên và Nam Bộ là các loại bánh tình yêu A quát, bột lọc… của dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu; thưởng thức hương vị cà-phê, ca-cao… của dân tộc Ê Đê, Ê-Đê; bánh Tét… của dân tộc Khmer.
Ngoài ra, còn có chương trình dân ca dân vũ “Hương xuân vùng cao” đồng bào các dân tộc tại Làng, các hoạt hoạt động vui Tết đón xuân với nhóm các dân tộc Đông Bắc, Tây Bắc: Nùng, Tày, Dao, H'Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, giới thiệu tri thức dân gian, ẩm thực, trình diễn nghề thủ công truyền thống và giới thiệu sản phẩm như thổ cẩm, nhạc cụ dân tộc, các trò chơi dân gian…
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần của 13 cộng đồng dân tộc, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.