Đón học sinh trở lại trường học an toàn

Sau thời gian dài học trực tuyến, hôm qua (7/2), nhiều địa phương trên cả nước đã cho học sinh trở lại trường học trực tiếp. Công tác phòng, chống dịch được các nhà trường chú trọng, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho học sinh ở mức cao nhất.

Học sinh Trường THCS Hoa Động (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: NGUYỄN DỊU
Học sinh Trường THCS Hoa Động (huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: NGUYỄN DỊU

Trường học sẵn sàng

Theo ghi nhận của phóng viên, tại Hải Phòng, các trường THCS, THPT và một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn thành phố đã đón học sinh trở lại học trực tiếp. Tại Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân), các em học sinh có mặt tại trường từ rất sớm, háo hức gặp thầy cô và bạn bè. Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu (quận Lê Chân) Lê Thúy Hạnh hồ hởi cho biết: Trong ngày 7/2, 927 học sinh ở tất cả các khối lớp đều đã trở lại trường học, đạt hơn 92% tổng số học sinh trong trường. Số học sinh còn lại là F0, F1 tạm thời phải học trực tuyến tại gia đình. Trước đó 2 ngày, các giáo viên, nhân viên trong trường đã đến trường tổng vệ sinh, chuẩn bị máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn, khẩu trang… Được biết, ngay trong thời gian đầu học trực tiếp, các lớp sẽ kiểm tra,  đánh giá kiến thức để có kế hoạch bổ sung, củng cố cho các em theo kịp chương trình, nhất là học sinh khối lớp 9 chuẩn bị thi vượt cấp… 

Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng Trần Tiến Chinh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại học trực tiếp ngay sau kỳ nghỉ Tết. Các trường THCS và THPT đã đón hơn 200 nghìn học sinh trở lại trường học trực tiếp. Các trường mầm non và tiểu học tại các huyện: An Dương, Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo và một số trường tại huyện Thủy Nguyên đều đã mở cửa đón học sinh trở lại ngay từ ngày 7/2. Học sinh tiểu học và mầm non các địa phương còn lại sẽ đón học sinh trở lại trường chậm nhất là ngày 14/2. Theo thống kê, trong sáng 7/2, số học sinh THPT đến trường học trực tiếp đạt 93,8%, THCS đạt 85,2%; học sinh giáo dục từ xa đạt 78,9%, học sinh tiểu học đạt 58% và học sinh mầm non đạt 21%. Ngay trong chiều 7/2, bốn đoàn công tác của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã đi kiểm tra đột xuất về nền nếp dạy học sau Tết Nguyên đán tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Tại Đà Nẵng, mọi công tác đón học sinh trở lại trường học trực tiếp được nhà trường chuẩn bị chu đáo. Tại Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu), học sinh trở lại trường học trong thời điểm dịch bệnh tại Đà Nẵng diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng cao chạm mốc 1.000 ca/ngày, chính vì vậy, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch, phân luồng học sinh theo khối lớp và đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho học sinh trước khi vào lớp. Học sinh được yêu cầu ăn sáng tại nhà, mang theo bình nước cá nhân, khẩu trang y tế và nước rửa tay sát khuẩn. Ngoài ra, nhà trường còn trang bị cho mỗi giáo viên hai khẩu trang trong suốt để sử dụng khi lên lớp và chuẩn bị dự phòng khoảng 40 khẩu trang trong suốt. Các thiết bị, vật tư y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học đều được chuẩn bị đầy đủ và được bổ sung thường xuyên. Thầy giáo Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết: Nhà trường sẽ thống kê số lượng học sinh thuộc các diện F, vùng cam, vùng đỏ để chủ động linh hoạt phương án dạy trực tiếp. Đồng thời, bố trí đủ giáo viên lên lớp thay phiên để không ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy. 

Tại Bình Thuận, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12, học viên giáo dục thường xuyên bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2; trẻ mầm non, học sinh tiểu học và lớp 6 học trực tiếp vào ngày 14/2. Thầy giáo Nguyễn Thanh Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, thành phố Phan Thiết cho biết: Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, trường chia thành hai buổi học sáng và học chiều, mỗi buổi có 36 lớp. Nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh và làm tuyên truyền để phụ huynh yên tâm và sẵn sàng tâm lý cho con trở lại trường, tỷ lệ đồng thuận cho học sinh trở lại trường học trực tiếp đạt 100%. 

Trong khi đó, tại Hà Nội, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 ở khu vực có dịch cấp độ 1 và cấp độ 2 được đến trường từ ngày 8/2; học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã được đến trường từ ngày 10/2. Các trường học đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường. Cô giáo Đặng Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho học sinh và giáo viên, nhà trường quan tâm đặc biệt đến đội ngũ giáo viên vì nếu giáo viên là F0 thì khả năng lây lan rất rộng. Vì vậy, nhà trường sẽ tổ chức xét nghiệm cho giáo viên và dự kiến cứ ba ngày/lần xét nghiệm gộp cho học sinh. Đồng thời, quán triệt học sinh, giáo viên và nhân viên không đi lại quá nhiều trong khuôn viên trường học để tránh lây lan. Toàn bộ công tác diễn tập các tình huống phòng, chống dịch đã được nhà trường triển khai trước Tết.

Học sinh phấn khởi, phụ huynh băn khoăn

Chia sẻ niềm vui khi được đến trường học trực tiếp, học sinh Kiều Nguyên Thục, lớp 7/9 Trường THCS Nguyễn Huệ (Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết: Em đã được tiêm hai mũi vaccine phòng Covid-19, cho nên cũng an tâm phần nào khi được đến trường học trực tiếp. Em đã chuẩn bị bình nước, khẩu trang y tế dự phòng và nước rửa tay sát khuẩn để mang theo. Dù đồng tình chủ trương đi học trở lại nhưng phụ huynh một số trường tại Hà Nội băn khoăn lịch học trong một ngày vừa trực tiếp, vừa trực tuyến sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh. Chị Phạm Bích Liên, có con học lớp 10 Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: Lịch học trực tiếp của các con bắt đầu từ 7 giờ 40 phút và kết thúc lúc 11 giờ 50 phút. Do nhà xa trường, con phải đi xe tuyến của trường, 13 giờ con mới về đến nhà và 14 giờ bắt đầu học trực tuyến. Với lịch học này, con không có thời gian nghỉ ngơi và sẽ rất căng thẳng nếu tình trạng kéo dài. Chị Liên mong muốn nhà trường rút ngắn thời gian học buổi sáng để các con được về nhà sớm, nghỉ ngơi trước khi vào giờ học trực tuyến buổi chiều. Đáng chú ý, nhiều phụ huynh cũng băn khoăn về việc sau thời gian dài học trực tuyến, việc tiếp thu kiến thức của học sinh ảnh hưởng do nhiều nguyên nhân như đường truyền kém, ý thức, khả năng tự học của học sinh… Vì vậy, song song với dạy học theo chương trình trên lớp, các trường cần rà soát kiến thức của học sinh, từ đó có phương án bồi dưỡng, củng cố kiến thức trọng tâm của từng môn học.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch cho học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp, bắt đầu trong khoảng thời gian từ ngày 7 đến ngày 14/2; 60/63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh bậc mầm non, tiểu học quay trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các cơ sở giáo dục tập trung tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, tăng cường hoạt động thể chất, giáo dục kỹ năng, củng cố, bù đắp kiến thức trước khi dạy kiến thức mới, phân nhóm học sinh để hỗ trợ hiệu quả trong những ngày đầu học sinh quay trở lại trường. Đồng thời, các nhà trường tổ chức ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp các nhóm đối tượng học sinh có điều kiện học trực tuyến; dạy bổ sung những nội dung kiến thức còn thiếu kết hợp với ôn tập, củng cố nội dung kiến thức phù hợp với các nhóm đối tượng học sinh không có điều kiện học trực tuyến, nhất là đối với các học sinh không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh. Ngay sau Tết, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có kế hoạch kiểm tra tình hình chuẩn bị, tổ chức cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường học tại một số nơi.

Tối 7/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đã có 63 tỉnh, thành phố cho học sinh THPT đi học trực tiếp vào ngày 7/2; 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh khối mầm non và tiểu học, đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó, có 53 trong số 63 tỉnh, thành phố cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học bắt đầu học trực tiếp từ ngày 7/2 đến ngày 14/2. Đối với khối THCS, 63 tỉnh, thành phố đã lên kế hoạch đưa học sinh đi học trực tiếp trong tháng 2. Trong đó có 57 trong số 63 tỉnh, thành phố cho 100% học sinh đi học trực tiếp từ ngày 8/2; 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch tổ chức dạy học trực tiếp bắt đầu từ ngày 14/2.

Đến trường an toàn trong đại dịch