Xuất khẩu gặp khó
6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước đi các thị trường đạt nhiều tín hiệu khả quan khi tăng trưởng gần 40% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, nửa cuối năm, doanh nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn do biến động thị trường khiến đơn hàng sụt giảm nhanh chóng.
“Tình hình lạm phát của châu Âu và ảnh hưởng của xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina vẫn chưa chấm dứt, khiến cho người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt chi tiêu. Đây chính là lý do khiến các đơn hàng của doanh nghiệp bị ảnh hưởng”, ông Nguyễn Hữu Phước, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại giày dép Nguyên Nguyên Phước chia sẻ.
Khó khăn của Công ty Nguyên Nguyên Phước là thực trạng chung của không ít doanh nghiệp ngành da giày. Nhiều doanh nghiệp cho biết, trước đây, các đơn vị thường có đơn hàng trước từ 1-2 quý, song hiện nay, các đơn hàng trong tháng 8/9/10 đã giảm khoảng 30% so với năm trước.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay, da giày Việt Nam xuất khẩu chính sang các thị trường EU, Hoa Kỳ. Trong khi đó, các thị trường này đang có sự sụt giảm tiêu dùng do lạm phát tăng cao khiến xuất khẩu của doanh nghiệp chắc chắn bị ảnh hưởng.
“Hiện nay, vấn đề tồn kho của ngành da giày đang khá lớn. Tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hóa khiến đơn hàng cuối năm sẽ có phần chững lại. Các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm”, bà Xuân nêu thực trạng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu da giày đang có lực đẩy tốt từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, song khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp dệt may đang phải đối diện chính là thách thức trong việc phát triển bền vững khi các FTA bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về môi trường, lao động. Nghĩa là, khi thực hiện các cam kết FTA, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, nhưng các hàng rào phi thuế quan sẽ được dựng lên. Đơn cử, Đức sẽ đưa ra các đạo luật mới về thẩm định trách nhiệm của các chuỗi cung ứng; hay EU sẽ áp dụng việc đánh thuế đối với phát thải khí CO2 trên mỗi đơn vị sản phẩm.
Cần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu da giày. |
Bà Phan Thị Thanh Xuân khẳng định: “Trong thời gian tới, các thách thức trên sẽ đặt ra đối với các quốc gia tham gia chuỗi cung ứng, trong đó có Việt Nam. Vì thế, các doanh nghiệp phải nắm bắt được thông tin để có sự chuẩn bị và có chiến lược hoạt động sẵn sàng, phù hợp. Theo tôi, đây cũng là khó khăn lớn nhất, đặc biệt là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Cùng với việc người dân thắt chặt chi tiêu, hiện nay vấn đề về chuỗi cung ứng cũng đang là thách thức với các doanh nghiệp da giày. Nguyên nhân Trung Quốc đang thắt chặt các biện pháp phòng dịch. Điều này có thể dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng một lần nữa, đưa hoạt động của doanh nghiệp rơi vào tình trạng đình trệ sản xuất do không có nguyên liệu. Ngoài ra, các sản phẩm da giày Việt Nam vẫn bị đang áp lực về vấn đề cạnh tranh về giá, cạnh tranh về thời gian giao hàng…
Tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm
Theo các chuyên gia, mặt hàng da giày của chúng ta hiện mới ở mức trung bình của thế giới cả về chất lượng và giá cả. Do đó, để cạnh tranh được trên thị trường, thời gian sắp tới, ngành cần nâng cao năng lực sản xuất các mặt hàng có giá trị cao hơn. Muốn vậy, cần có được nguồn nguyên liệu chất lượng.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Thanh Xuân khuyến cáo, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hóa thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu. Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng đang phối hợp Bộ Công thương triển khai các chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường hơn ở cả chiều xuất khẩu và nhập khẩu từ các thị trường khác khi doanh nghiệp gặp một số khó khăn do các tác động của tình hình thế giới.
Song song với đó, doanh nghiệp ngành da giày cũng cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Bởi hiện nay, ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng ở mức trung bình của thế giới. Cho nên, nếu muốn có giá trị gia tăng cao, doanh nghiệp phải tiến tới sản xuất được sản phẩm chất lượng cao hơn nữa và từ đó thu về giá trị cao hơn. Muốn vậy, chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động phải được nâng lên, chứ không phải chỉ là lao động phổ thông như hiện nay. Trước hạn chế của nguồn nhân lực da giày, việc có giải pháp khắc phục cũng như chiến lược đào tạo nghề cần phải được triển khai, thực hiện hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần áp dụng các quy định, yêu cầu về chứng chỉ đối với lao động tham gia trong lĩnh da giày.
Riêng đối với phát triển nguyên phụ liệu, doanh nghiệp cũng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa bảo đảm ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững.
“Doanh nghiệp da giày cũng mong Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày đang được soạn thảo sẽ sớm được phê duyệt, qua đó có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp hai ngành xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp trong giai đoạn tới đây”, bà Phan Thị Thanh Xuân nhấn mạnh.