Đối thoại với dân, giải quyết bức xúc từ cơ sở

Sau ba năm thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, TP Đà Nẵng đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời giành lại vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013.

Lãnh đạo quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đối thoại với người dân.
Lãnh đạo quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) đối thoại với người dân.

Việc làm tốt công tác dân vận đã góp phần khơi dậy các nguồn lực to lớn trong nhân dân. Đại diện cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhất là người đứng đầu thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với dân, lắng nghe và trả lời thấu đáo những ý kiến của nhân dân với phương châm: Cấp ủy đảng nói, dân tin; mặt trận, đoàn thể vận động, dân theo; chính quyền làm, dân ủng hộ.

Đặt mình vào vị trí người dân Thành phố Đà Nẵng đã khẳng định được vị thế của mình qua những bước đi vững vàng, kinh tế -xã hội phát triển. Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ không ngần ngại chỉ rõ những việc "chưa xứng tầm", những việc thiếu cần bổ sung để thành phố xây dựng vị thế vững vàng, sẵn sàng hội nhập, làm tròn sứ mệnh là thành phố trọng điểm đi đầu, tạo điểm tựa vững chắc cho cả khu vực miền trung cùng đồng hành, phát triển.

Trong quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng gặp không ít khó khăn, nhất là trong đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC).

Đến thời điểm này, thành phố giải tỏa hơn 100 nghìn hộ dân ở hầu hết các khu vực trên địa bàn. Thực tế cho thấy, có làm mới nảy sinh vấn đề, đã làm là đụng chạm, xuất hiện nhiều việc từ thực tiễn cần tháo gỡ mà nổi cộm là sự bất cập trong đền bù GPMB, TĐC, giải quyết việc làm cho người dân vùng nông thôn. Một số đơn vị, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ đã có sai sót trong quá trình kiểm định, GPMB, dẫn đến việc triển khai một số dự án phải kéo dài. Bên cạnh đó, công tác đền bù, giải tỏa không được giải quyết dứt điểm tại thời điểm thu hồi đất, là nguyên nhân gây thắc mắc, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, trong đó có một số trường hợp vẫn chưa kết thúc.

Đánh giá đúng vai trò, vị trí của người dân trong quá trình xây dựng, phát triển và hội nhập, TP Đà Nẵng đã xem việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân là việc làm đầu tiên và then chốt để giải quyết các vấn đề bức xúc từ cơ sở. Ngoài việc lãnh đạo chủ chốt thành phố có lịch tiếp công dân về vấn đề GPMB, TĐC, Đà Nẵng còn tổ chức đối thoại với cán bộ trẻ, cán bộ nữ; công khai các dự án lớn,... tất cả nhằm tìm sự đồng thuận vì sự phát triển chung của thành phố. Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Đà Nẵng luôn chỉ đạo quyết liệt công tác này, nhất là quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn và mở rộng công tác tổ chức tiếp công dân ở các dự án đang giải tỏa để kịp thời giải quyết các vướng mắc của công dân theo thẩm quyền; tập trung giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền nhằm hạn chế việc khiếu nại, tố cáo đông người, gửi đơn vượt cấp.

Theo đồng chí Bí thư Thành ủy, đối thoại với dân, đặt mình vào vị trí của dân thì việc lớn, nhỏ đều thuận lợi. Vấn đề là phải kết hợp hài hòa giữa lợi ích chung của thành phố và lợi ích riêng của mỗi người dân.

Thành phố quyết liệt một chút, người dân hy sinh lợi ích một chút, sẽ tạo sự đồng thuận. Điều cốt lõi là cán bộ cần gần dân, sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của dân để xử lý kịp thời mọi vướng mắc. Khó nhất là tìm được tiếng nói chung giữa người dân và chính quyền, từ đó đưa ra giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích, lúc đó người dân sẽ ủng hộ và chấp nhận thay đổi vì sự phát triển của thành phố.

Lần giở quá trình phát triển của Đà Nẵng, càng thấy rõ bài học và thành quả có được là do thành phố làm tốt công tác dân vận. Đó là việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong phối hợp chính quyền địa phương về công tác này. Thành phố duy trì tốt công tác tiếp dân, đối thoại với dân để tìm tiếng nói chung, giải quyết các vấn đề bức xúc. Ba năm qua, các cơ quan hành chính TP Đà Nẵng đã tiếp 31 nghìn 752 lượt công dân; riêng năm 2013 tiếp 9.940 lượt người. Tổng số đơn tiếp nhận trong ba năm là: 1.398 đơn, trong đó có 1.179 đơn khiếu nại, 219 đơn tố cáo; thụ lý giải quyết 520 đơn thuộc thẩm quyền. Việc giải quyết khiếu nại số đơn thuộc thẩm quyền đạt 98,6%.

Vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg, ngày 18-5-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ ngày 17-3 đến 22-3-2014, lần đầu tiên tại Hội trường UBND thành phố Đà Nẵng, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, UBND thành phố Đà Nẵng và các sở, ban, ngành liên quan đã đối thoại trực tiếp với 24 trường hợp khiếu kiện kéo dài. Tại buổi đối thoại, trên cơ sở ý kiến các bên liên quan, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ cơ sở pháp lý thu hồi đất, đền bù thiệt hại, bố trí TĐC đối với các dự án có công dân khiếu nại và khẳng định việc UBND thành phố Đà Nẵng thu hồi đất, đền bù thiệt hại, bố trí TĐC là đúng quy định của pháp luật; việc giải quyết khiếu nại của UBND thành phố Đà Nẵng là có căn cứ. Qua xét hoàn cảnh cụ thể 24 trường hợp này, Thanh tra Chính phủ đã đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét, hỗ trợ giải quyết khó khăn cho một số trường hợp cụ thể.

Đây là một nút thắt được mở ra khi chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân đối thoại dân chủ, công khai với các cấp có thẩm quyền của Trung ương.

Cán bộ sát việc, sát dân Khi cán bộ gần dân, biết rõ từng hoàn cảnh cụ thể, tôn trọng dân, giải quyết công việc đúng pháp luật thì dân tin và dân nghe. Trong quá trình xây dựng, chỉnh trang đô thị, người dân ở hầu hết các quận, huyện của Đà Nẵng đều bị ảnh hưởng. Quận Sơn Trà có hơn 120 dự án trên địa bàn, gồm 55 dự án phục vụ TĐC, 15 dự án xây dựng chung cư, chín dự án đường giao thông, trong đó nhiều dự án có quy mô lớn, thời gian triển khai thực hiện dài như: các đường Bạch Đằng Đông, Phạm Văn Đồng, Ngô Quyền, đường tránh Ngô Quyền, các dự án tái định cư... Đến nay, đã thực hiện kiểm đếm, giải tỏa đền bù cho hơn mười nghìn hộ, bảo đảm tiến độ kế hoạch giải tỏa chung của thành phố. Tại quận Cẩm Lệ, tám năm qua có 17 nghìn hộ dân phải GPMB, TĐC, trong đó có những dự án phức tạp, như Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân, nút giao thông khác mức ngã ba Huế. Còn huyện thuần nông duy nhất của thành phố là Hòa Vang, đến nay cũng có hơn 180 dự án với số hộ dân phải di dời giải tỏa là hơn năm nghìn hộ... Như vậy, công tác dân vận cần đặt lên hàng đầu vì nếu chỉ giải quyết công việc GPMB, TĐC bằng biện pháp hành chính sẽ khó thực hiện. Để làm tốt công tác tiếp dân, ngoài nhiệm vụ vận động người dân giải GPMB, TĐC, các quận, huyện đã thành lập ban GPMB, các tổ công tác hỗ trợ tháo dỡ và xây dựng nhà TĐC cho hộ nghèo, tổ chức các hội chợ việc làm, bố trí TĐC đúng thời gian quy định.

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Võ Văn Thương, để làm tốt công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm đúng tiến độ thi công các dự án, cần sự đồng tình của người dân; phải có chủ trương, chính sách đúng đắn trong giải tỏa đền bù đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội; sự thống nhất cao trong cấp ủy đảng và sự vào cuộc của mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội. Nói về bài học kinh nghiệm mà quận Cẩm Lệ đúc rút qua thực tiễn, đồng chí Võ Văn Thương cho rằng: "Quan trọng nhất là làm tốt công tác dân vận với phương thức Đảng lãnh đạo và làm công tác dân vận; chính quyền tổ chức thực hiện, tiếp dân, giải quyết khiếu nại từ cơ sở; mặt trận, các đoàn thể cùng vào cuộc. Cán bộ cần nắm rõ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để làm tốt công tác dân vận đến từng hộ dân, qua đó đề xuất từng việc cụ thể. Công tác tiếp dân là khâu quan trọng nhất trong GPMB, TĐC. Cởi mở và công khai khi tiếp dân, tôn trọng dân là yếu tố đặt lên hàng đầu. Cần căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể của từng hộ dân để giải quyết sao cho thấu tình, đạt lý. Bảo đảm quyền lợi của người dân và phù hợp với hoàn cảnh địa phương". Kinh nghiệm này của quận Cẩm Lệ cũng là kinh nghiệm chung của các quận, huyện khác, khi Đà Nẵng nhất quán mục tiêu hài hòa lợi ích của người dân và sự phát triển chung của thành phố.

Dù đã có những kết quả nhất định trong đối thoại, tiếp dân, nhưng TP Đà Nẵng cũng đang gặp khó khăn vì nhiều dự án, chủ đầu tư chưa đền bù cho người dân đúng cam kết, gây khó khăn cho chính quyền các cấp trong việc GPMB, TĐC. Bên cạnh đó, nhiều quy định liên quan vấn đề đền bù, GPMB, TĐC đã lạc hậu so với thực tế, gây cản trở cho địa phương trong công tác này.