Hoạt động do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Ban Thư ký ASEAN, Phái đoàn Liên hiệp châu Âu (EU) và Chương trình tăng cường đối thoại EU-ASEAN (E-READI) tổ chức, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ ba (AMMW-3) tại Việt Nam.
Cuộc đối thoại có sự tham gia của các quan chức cao cấp từ EU và các quốc gia thành viên ASEAN chịu trách nhiệm thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ/trẻ em gái.
Phó Tổng Thư ký Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN Kung Phoak cho biết, ASEAN cam kết đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái như đã thể hiện trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và các văn kiện trọng yếu của ASEAN. Ông cũng cho rằng, năm 2017 là một năm thành công của ASEAN trong tôn vinh phụ nữ
ASEAN và EU là hai đối tác cam kết chặt chẽ trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người và các quyền tự do cơ bản được quy định trong Tuyên bố toàn cầu về quyền con người và các văn kiện quốc tế liên quan mà các quốc gia ASEAN tham gia. Đối thoại chính sách giữa EU và ASEAN về quyền con người được tổ chức tại Brussels, Bỉ, năm 2015. Tiếp đó, đối thoại chính sách lần thứ hai về quyền con người diễn ra năm 2017 tại Bohol, Philippines.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, nhấn mạnh, bình đẳng giới tại nơi làm việc là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quyền năng kinh tế, là tiền đề nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ điều này, Việt Nam đã xây dựng những khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ về kinh tế thông qua các mô hình, hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, hỗ trợ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc.
Ước tính có khoảng 50% lao động nữ được học nghề từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tỷ lệ có việc làm của phụ nữ trong tổng số lao động có việc làm được duy trì ở mức hơn 48%. Nhiều địa phương xây dựng được Quỹ “Phụ nữ khởi nghiệp” và có tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt hơn 30%. Nhiều cơ quan, khu công nghiệp, khu chế xuất có mô hình nhà trẻ. Nhờ đó, bình đẳng giới trong lao động, việc làm ngày càng được cải thiện đáng kể, tăng cường bình đẳng giới thực chất về quyền và cơ hội giữa nam và nữ.
Sự ra đời của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc, với Mục tiêu Phát triển bền vững số 5 (SDG 5) về bình đẳng giới, đã tiếp thêm động lực cho các nước trên thế giới và các cơ chế khu vực để thực hiện những cam kết của mình trong lĩnh vực này. Mục tiêu số 5 nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực và hiệu quả của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, là động lực chính tạo ra sự phát triển bền vững. Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, bao gồm cả việc thực hiện SDG 5 về đạt được bình đẳng giới, tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ/ trẻ em gái.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh, bình đẳng giới tuy đã có nhiều tiến bộ trong khu vực và tại từng quốc gia thành viên ASEAN, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm để giải quyết các thách thức hiện nay. Chất lượng việc làm của lao động nữ còn thiếu bền vững, thu nhập trung bình còn thấp hơn lao động nam; định kiến giới còn tồn tại trong tuyển dụng và lựa chọn nghề của nam và nữ; những rào cản trong việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống vẫn là những khó khăn tồn tại trong thế giới việc làm của phụ nữ.
Trong lĩnh vực an sinh xã hội, vấn đề việc làm, kết nối nghề với việc làm, bảo hiểm xã hội cho phụ nữ chính là những nội dung bảo đảm được bình đẳng giới trong việc làm của SDG 5.
Là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ đối với sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ giữa hai khu vực.
Ngoài việc tham gia tích cực vào các hoạt động khu vực, Việt Nam cũng là nước điều phối dự án “Lồng ghép giới vào các chính sách lao động và việc làm nhằm thúc đẩy việc làm bền vững cho tất cả mọi người” giai đoạn 2018-2020. Đây là hoạt động do Việt Nam đề xuất thuộc kênh Lao động ASEAN và đã nhận được sự phối hợp của kênh Phụ nữ ASEAN (ACW). Dự án hiện đã được các Bộ trưởng Lao động ASEAN phê duyệt trong trong Kế hoạch làm việc của các Bộ trưởng Lao động ASEAN giai đoạn 2016-2020. Đầu ra của dự án là xây dựng bản Hướng dẫn lồng ghép giới vào luật pháp và các chính sách lao động, trong đó đề cập tới vấn đề lao động nữ trong pháp luật, chính sách lao động so với các tiêu chuẩn quốc tế. Thông qua hướng dẫn đó, các nước trong khu vực có thể định hình thực trạng bình đẳng giới tại quốc gia mình, đồng thời tăng cường hơn nữa lồng ghép giới trong lĩnh vực lao động - việc làm, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới, hướng tới việc làm bền vững cho tất cả mọi người.