Nông thôn mới cũng đã góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó giữa các đồn biên phòng, tạo động lực cho các xã giáp biên phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng nơi biên giới.
Diện mạo mới nơi vùng biên
Đến thôn giáp biên Pò Háng, xã Bính Xá, huyện Đình Lập, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi ở giữa bốn bề đồi núi trập trùng, nhưng nhiều ngôi nhà được xây dựng kiên cố, với những chảo ăng-ten ngóc nhìn trời. Nhiều nhà làm cả dịch vụ, hàng quán, mở máy xay xát thóc, ngô... Dân cư quây quần sống dọc hai ven đường như một khu phố nhỏ.
Bà Đinh Thị Thu, người dân trong thôn vui vẻ nói: Trước năm 2012, thôn chưa có đường, có điện, dân đi lại rất khó khăn. Được họp thôn, nghe cán bộ tuyên truyền, chúng tôi nhận thấy xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao đời sống nên đã đồng thuận hiến đất, góp tiền, góp sức để xây dựng các công trình. Đến nay, đường thôn được bê-tông hóa, sạch đẹp, có hàng rào cây xanh, điện chiếu sáng, cổng nhà có hoa, chúng tôi thấy quê mình như thay áo mới, đẹp hơn.
Ông Hoàng Văn Muôn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pò Háng chia sẻ: Năm 2023, thôn được lựa chọn xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Để thực hiện, bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, người dân trên địa bàn thôn đã đóng góp gần 200 công lao động, hiến đất để chung sức mở rộng đường giao thông, xây dựng bồn hoa dọc các tuyến đường thôn; lắp đặt 15 bóng điện chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời; trang bị 15 thùng rác đặt tại các điểm khu dân cư… Đến nay, thôn đã hoàn thành tiêu chí khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.
Ông Đặng Đình Đức, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bính Xá cho biết: Với sự đầu tư nguồn lực của Nhà nước, sự chung sức của người dân, từ năm 2018, xã Bính Xá đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Có được kỳ tích đó là trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã, cùng các tổ chức đoàn thể chính trị đã tuyên truyền, vận động bà con các dân tộc tập trung phát triển kinh tế. Nhờ đó, đến nay có 100% số hộ gia đình, sinh sống tại 14 thôn bản đều phát triển kinh tế đồi rừng. Trong đó, chủ yếu là trồng thông, với diện tích hơn 8.000 ha, hộ trồng ít có hai đến ba ha, hộ trồng nhiều hơn 30 ha, đem lại thu nhập cho mỗi hộ gia đình hằng năm từ 60 đến 200 triệu đồng/năm.
Bí thư Huyện ủy Đình Lập, Phạm Hùng Trường khẳng định: Đình Lập có hai xã giáp biên, vừa là xã đặc biệt khó khăn gồm: Bính Xá và Bắc Xa, đến nay đều đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới trên địa bàn có những thay đổi rõ rệt với những công trình hạ tầng khang trang, những mô hình kinh tế quy mô lớn với thu nhập bình quân lên đến hàng trăm triệu đồng, cá biệt hàng tỷ đồng/năm.
Để có được kết quả đó phải ghi nhận sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn luôn gần dân, sâu sát với dân, huy động tốt nhất sức dân (đóng góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất) để hoàn thiện các chỉ tiêu, tiêu chí theo kế hoạch, lộ trình đề ra...
Xây dựng vùng biên vững mạnh
Lạng Sơn có 21 xã, thị trấn, với dân số hơn 70 nghìn nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Kinh, Dao... đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Để xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng vùng biên vững mạnh toàn diện nhiều năm qua, các cấp ủy, chính quyền khu vực biên giới cùng với sự đầu tư của Nhà nước đã tích cực tuyên truyền, vận động hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp công sức xây dựng nông thôn mới.
Đại tá Trịnh Hữu Tăng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Những năm qua, cùng với công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh còn tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức xây dựng hơn 350 công trình, phần việc với tổng trị giá gần chín tỷ đồng. Trong đó, xây dựng, sửa chữa hơn 30 nhà ở cho các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ, xây dựng hơn 100 nhà tiêu hợp vệ sinh cho các gia đình; xây dựng, lắp đặt các công trình thắp sáng đường thôn, cầu dân sinh, ngầm qua suối, công trình nước sạch, khu vui chơi cho trẻ em; sửa chữa hơn 10 nhà văn hóa thôn, phòng học; bê-tông hóa hơn 30 km đường giao thông nông thôn; tổ chức trồng được gần 20 nghìn cây lấy gỗ, cây ăn quả tại các cơ quan, đơn vị, chung quanh trụ sở UBND các xã biên giới, dọc đường tuần tra biên giới…
Một số mô hình do Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả như: Mô hình “Tổ hợp tác chăn nuôi gà sáu ngón” tại xã Mẫu Sơn (Lộc Bình); mô hình phát triển vườn cây ăn quả “hồng vành khuyên” ở xã Tân Mỹ (Văn Lãng); mô hình: “Lũy tre biên giới Việt” ở các xã Cao Lâu, Xuất Lễ…
Việc Bộ đội Biên phòng tỉnh tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở địa bàn các xã biên giới của tỉnh đã góp phần cùng các xã đạt được kết quả tích cực. Bộ mặt nông thôn của các xã vùng biên không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên rõ rệt, qua đó đã góp phần củng cố lòng tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên giới. Đây cũng là nhân tố tích cực giúp Bộ đội Biên phòng tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các Đồn Biên phòng tích cực bám nắm địa bàn tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bà con; chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở trong công tác định hướng, hỗ trợ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn Lý Việt Hưng khẳng định: Xây dựng nông thôn mới ở những xã có điều kiện địa hình, kinh tế thuận lợi đã khó, ở các xã biên giới, nơi có địa hình chia cắt, dân cư sinh sống không tập trung, kinh tế hạn chế còn khó khăn hơn rất nhiều. Khó khăn như vậy, song cùng với sự chung sức của người dân, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, cân đối, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ các xã biên giới xây dựng nông thôn mới.
Để triển khai xây dựng nông thôn mới ở xã biên giới, bên cạnh nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các đơn vị đứng chân trên địa bàn xã biên giới như Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, huy động sự chung sức của người dân để thực hiện các tiêu chí. Bằng sự nỗ lực đó đến nay, trên địa bàn tỉnh có 13/20 xã biên giới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới ở biên giới đã có 100% tuyến đường trục xã, trục thôn, hơn 70% tuyến đường ngõ, xóm được cứng hóa; 100% nhà văn hóa xã, thôn bản được đầu tư xây dựng, nâng cấp bảo đảm đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng khác được đầu tư xây dựng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao, được nhân rộng đã từng bước góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân xã biên giới.