Đổi thay ở Tam Kim

Những ngày này, chúng tôi trở lại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi có khu rừng Trần Hưng Ðạo, nơi thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Nhiều trường học tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo.
Nhiều trường học tổ chức cho học sinh tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo.

Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây không ngừng được cải thiện và nâng cao. Nhiều ngôi nhà mới xây, khang trang, sạch đẹp đã mọc lên; trong đó, có nhiều ngôi nhà được xây dựng với sự hỗ trợ nguồn lực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang.

"Rừng xưa, ngày mới"

Theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng, cách đây 79 năm, đúng 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được cử hành. Ðội được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và nêu rõ nhiệm vụ của Ðội đối với Tổ quốc.

Trong buổi lễ thành lập, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 chiến sĩ; trong đó, các tỉnh: Cao Bằng có 25 đồng chí; Bắc Kạn có ba đồng chí; Thái Nguyên và Quảng Bình, mỗi tỉnh có hai đồng chí; Lạng Sơn, Thái Bình, mỗi tỉnh có một đồng chí. Họ là những người dân yêu nước, không sợ gian khổ, hy sinh, vì nghĩa lớn, tình nguyện tham gia đội quân cách mạng, chiến đấu cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ngay sau khi được thành lập, trong hai ngày 25 và 26/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã xuất quân, đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống "quyết chiến, quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khu rừng Trần Hưng Ðạo hiện nay có diện tích gần 202 ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Khu di tích, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QÐ-TTg ngày 9/12/2013 xếp hạng Khu di tích rừng Trần Hưng Ðạo là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Những năm qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo được quan tâm đầu tư, tôn tạo và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ và sĩ quan, chiến sĩ trẻ trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Ðời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi chiến khu xưa không ngừng được cải thiện, nâng cao. Người dân tích cực phát huy nội lực, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành, địa phương, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn quan tâm hỗ trợ nguồn lực, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách và người dân nơi chiến khu xưa.

Đổi thay nơi chiến khu xưa

Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Ðạo, đồng chí Nông Thị Bích, Phó Trưởng phòng Quản lý di tích, Ban Quản lý các di tích Quốc gia đặc biệt tỉnh Cao Bằng cho biết, trong tháng 12/2023, tất cả cán bộ, nhân viên Khu di tích đều không có ngày nghỉ, túc trực sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đón tiếp, thuyết minh phục vụ các đoàn khách tham quan, hành hương về nguồn. Trong đó, rất nhiều trường học đã tổ chức tham quan, về nguồn, kết hợp giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Chia sẻ về kết quả phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa bàn, đồng chí Nông Thị Hiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tam Kim cho biết: Ðến nay, xã Tam Kim đang tập trung triển khai, thực hiện, thúc đẩy, nâng cao mức độ hoàn thành các tiêu chí về hộ nghèo, bình quân thu nhập, môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong năm qua, từ các nguồn hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã làm mới, sửa chữa nhà ở, đạt tiêu chí thoát nghèo. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 1 đã hỗ trợ 41 hộ nghèo, cận nghèo làm mới nhà ở, mức hỗ trợ 45 triệu đồng/nhà. Trong xã, nhiều gia đình đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như ở xóm bản Um, gia đình ông Tô Ðình Cư, trồng quýt, nuôi lợn cho thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm; gia đình bà Nông Thị Hương, trồng trọt, nuôi lợn, cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Bà Nông Thị Rem ở xóm Phai Khắt chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi ở sườn đồi, đi lại khó khăn, nhà ở xuống cấp, được cán bộ, chiến sĩ Quân khu 1 hỗ trợ 45 triệu đồng, gia đình đã vay thêm tiền để mua đất và xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang, ổn định chỗ ở".

Chia tay người dân xã Tam Kim, chúng tôi mừng vui hơn sau mỗi lần về thăm chiến khu xưa bởi đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nơi đây không ngừng được cải thiện và nâng cao. Xã cũng đang tiếp tục phát huy nội lực, đồng thời, sử dụng hiệu quả các nguồn lực được hỗ trợ, phấn đấu sớm về đích nông thôn mới.