Đối tác Apple bị “tố” lạm dụng lao động

NDĐT - Tổ chức phi chính phủ China Labor Watch vạch trần những vấn đề an toàn và tiền lương tại các nhà máy Pegatron, đối tác sản xuất iPhone, iPad của Apple tại Trung Quốc.

Nhà máy Pegatron, đối tác sản xuất iPhone, iPad của Apple.
Nhà máy Pegatron, đối tác sản xuất iPhone, iPad của Apple.

Báo cáo mới đây từ tổ chức Vì người lao động Trung Quốc cáo buộc Pegatron – đối tác lớn của Apple – ngược đãi với công nhân, tương tự Foxconn – một đối tác khác của hãng công nghệ Mỹ.

Tổ chức China Labor Watch cáo buộc Pegatron vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn và môi trường làm việc, không trả lương làm quá giờ cho công nhân hay cung cấp điều kiện sống nghèo nàn.

Những điều trên đều vi phạm luật Trung Quốc và chính sách cung ứng của Apple, cho thấy thách thức của Apple trong việc duy trì tiêu chuẩn lao động cao tại chuỗi cung ứng Trung Quốc, nơi vi phạm luật lao động là điều phổ biến.

Apple tuyên bố trong phát ngôn “cam kết cung cấp điều kiện sống, làm việc công bằng, an toàn trong chuỗi cung ứng”. Hãng cho biết đã thực hiện 15 cuộc kiểm toán tại nhà máy Pegatron từ năm 2007, bao gồm cả các cuộc kiểm tra bất thường trong 18 tháng qua. Công ty Mỹ sẽ điều tra những vấn đề mà China Labor Watch đưa ra và có hành động cần thiết. Trong khi đó, Tổng giám đốc Pegatron Jason Cheng cũng phản hồi tương tự.

Trước đây, Pegatron né tránh được các cuộc kiểm tra điều kiện nhà máy do quy mô nhỏ song công ty phát triển khá nhanh. Các chuyên gia ước tính nhà máy tại quận Pudong, Thượng Hải sản xuất 1/3 iPhone, iPad của thế giới. Để đáp ứng yêu cầu, Pegatron mở rộng lực lượng lao động từ 50.000 trong tháng 3-2013 lên 70.000 hiện nay.

Pegatron nhờ cậy phần lớn vào các doanh nghiệp tuyển dụng trong nước để tìm kiếm công nhân mới. Các doanh nghiệp này không chỉ được nhận phí cho mỗi công nhân tìm được mà còn lấy một phần tiền lương của công nhân nếu họ không làm đúng thời gian quy định và thậm chí đôi khi còn không cung cấp bảo hiểm như yêu cầu.

Một công nhân họ Zhu tại nhà máy huyện Henan cho biết cô được tuyển qua một công ty môi giới và phải làm việc ba tháng để không bị phạt. Cô Zhu – người đang làm việc trên dây chuyền sản xuất iPhone – muốn rời nhà máy sau ba tháng nữa. “Họ không nói cho bạn biết tất cả”, cô tiết lộ.

Theo Pegatron, “nhà tuyển dụng đã sai khi lấy một phần lương của công nhân ngay cả khi họ nghỉ việc sớm hơn, chúng tôi sẽ điều tra”. Công ty cũng nói thêm đã trả cho hãng môi giới bảo hiểm xã hội công nhân, vì thế họ vi phạm hợp đồng nếu không cung cấp bảo hiểm.

Báo cáo của tổ chức China Lobor Watch cho thấy, công nhân tại đây phải làm việc quá thời hạn 60 giờ của Apple, những người làm việc trong thời gian ngắn còn không được trả lương. Cô Zhu đang làm 63 tiếng mỗi tuần nhưng vẫn muốn làm thêm giờ vì lương cơ bản quá thấp. Tuy nhiên, theo Apple, trong khảo sát vào tháng 6, thời gian làm việc trung bình của công nhân Pegatron chỉ là 46 tiếng một tuần.

Tại các công ty con của Pegatron ở Tô Châu và Thượng Hải, chất lỏng sau khi cắt kim loại được xả thẳng vào hệ thống thoát nước. Tháng 2, chi nhánh Thượng Hải từng bị chính phủ phạt vì làm ô nhiễm sông địa phương. Theo quan sát của China Labor Watch, hiện tượng này vẫn tiếp diễn vào tháng 3 và tháng 4.

Từ năm 2012, Apple bắt đầu chuyển đơn hàng iPad mini và iPhone giá rẻ sắp ra mắt sang Pegatron nhằm đa dạng hóa nhà cung ứng bên cạnh Foxconn. Tháng 3, Foxconn tuyên bố thay đổi điều kiện làm việc sau khi cuộc kiểm toán của Apple và tổ chức phi chính phủ Fair Labor Association phát hiện ba cơ sở vi phạm luật Trung Quốc và chính sách của Apple. Các thay đổi bao gồm giảm giờ làm thêm, tăng cường an toàn lao động…

Ngoài các vấn đề về an toàn, tiếng ồn, phải đứng suốt ca làm việc kéo dài và điều kiện sinh hoạt nghèo nàn (ít nhà tắm, chỉ được tắm nước lạnh), báo cáo còn cho thấy tỷ lệ biến động nhân sự tại nhà máy cũng rất cao.

Có thể bạn quan tâm