Đời sống gia đình công nhân sau dịch Covid-19: Quay về thời “thắt lưng, buộc bụng”

Thời gian gần đây, giá cả lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, sách giáo khoa, xăng dầu, viện phí, học phí… tăng liên tục, trong khi lương tối thiểu vùng đến nay chưa tăng. Lương tối thiểu vùng của người lao động sẽ chỉ tăng khoảng 6%, thấp hơn so với chỉ số trượt giá và tốc độ tăng GDP. Điều này khiến đời sống của hơn bốn triệu công nhân, lao động đang làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Ảnh: THÀNH ĐẠT

Trên diễn đàn kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra, tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội Thái Thị Thu Xương, đồng thời là Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin về tình hình đời sống công nhân, lao động hiện nay: công nhân, lao động nhập cư làm việc trong các khu, cụm công nghiệp còn khó tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân, lao động.

Vấn đề nhà trẻ mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, nhất là thiếu điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi. Sau đợt dịch Covid-19 vừa qua, nhiều gia đình công nhân, lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để thuận tiện trong việc giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con. Mỗi địa phương chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau nên khi chuyển lại phải mua bộ sách khác, con em họ lại phải tìm hiểu, quen dần với bộ sách mới.

Từ khoảng lặng trong khu nhà trọ

Thôn Bầu (huyện Đông Anh) hay thôn Gia Lạc (thị trấn Quang Minh, TP Hà Nội) gần 15 năm qua luôn nhộn nhịp, thế nhưng từ Tết Nguyên đán đến nay, tĩnh mịch một cách khác thường do thiếu đi nhiều tiếng cười đùa, sinh hoạt thường nhật của trẻ con. Nhiều gia đình công nhân tan ca về đến phòng là đóng cửa không giao lưu, một phần muốn nghỉ ngơi sau giờ tăng ca, phần là do những đứa trẻ sau dịch Covid-19 được bố mẹ gửi về quê cho ông bà, người thân chăm.

Chị Nguyễn Thị Liên, 40 tuổi, quê Thái Nguyên, làm việc tại Công ty điện tử ASTI (Khu công nghiệp Quang Minh) 14 năm nhưng đến nay thu nhập vỏn vẹn 8 triệu đồng/tháng, do công việc ít được tăng ca. Chị Liên cho biết: Sau dịch, số lao động thời vụ về quê không quay trở lại nhiều. Tuy nhiên, nhiều công nhân thâm niên đồng loạt rút bảo hiểm xã hội một lần khiến số công nhân còn lại gặp áp lực.

“Suy đi tính lại, thấy mình cũng lớn tuổi, xin sang công ty khác lại mất tiền phụ cấp thâm niên. Về quê là giải pháp an toàn nhất nhưng lương cơ bản vùng thấp, gia đình lại không có nhiều ruộng vườn để làm, nên hiện tại em cứ “bám” công ty mà sống. Ngày mai ra sao hiện em chưa tính được” - chị Liên chia sẻ.

Hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Liên là một trong những điển hình của một nữ công nhân nhập cư. Thiếu thốn, vất vả, gia đình tan vỡ là hệ lụy xoay quanh sự eo hẹp về kinh tế. Thoát ly gia đình, quê hương mong đổi đời, Liên rời quê xuống Hà Nội tìm việc. Ngoài tăng ca là về đóng cửa nhà trọ, không cơ hội gặp gỡ bạn trai. Mãi rồi nhờ mai mối Liên mới lấy được chồng.

Hai vợ chồng đều dân ngụ cư, đồng lương eo hẹp, lần lượt sinh được hai đứa con thì một đứa bệnh tật hiểm nghèo. Đồng lương hai vợ chồng có bao nhiêu đổ vào chữa trị cho con. Cuộc sống cùng quẫn khiến người chồng trở nên cộc cằn, thô bạo, hở ra là đánh chửi vợ. Khi bệnh tình đứa con thuyên giảm là lúc họ đường ai nấy đi. Liên tiếp tục thuê nhà trọ. Chồng trở về quê với một đứa con dại. Với tám triệu tiền lương, Liên phải suy tính, co kéo để trang trải: thuê nhà, điện nước, đóng tiền học cho con, tiền chi tiêu sinh hoạt của hai mẹ con.

Thi thoảng đồng quà, tấm áo mới cho đứa con gái lớn ở với bố. Tháng nào không có khoản phát sinh mới có thể gom góp được khoảng 1 triệu đồng gửi về quê chơi hụi làm vốn tích cóp. Hôm gặp chúng tôi, Liên kể: Tháng vừa rồi em mắc Covid-19 lần hai, con gái bị cúm A. Hai mẹ con đi viện mua thuốc uống tốn 2 triệu đồng, coi như tháng này chả dư được đồng nào. Hai năm dịch, công ty trả lương cơ bản không đủ sống, Liên xoay ra bán chè Thái Nguyên thu nhập cũng thêm được vài triệu đồng. Đánh đổi lại, đứa con mới lên lớp 3 của cô thui thủi ở khu nhà trọ một mình quanh năm suốt tháng.

Có những đêm, Liên đi bỏ mối chè tới 12 giờ đêm mới về, con bé tự lấy cơm trong nồi cơm điện mẹ đặt cho từ chiều ra ăn và tự ngủ. Việc học hành của con, Liên cũng chẳng thể sát sao.

Bữa cơm chiều của gia đình chị Danh Thị Thảo, 43 tuổi, công nhân Công ty cổ phần sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (phường Tân Hưng Thuận, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) bắt đầu vào 8 giờ tối. Mâm cơm quanh năm chỉ xoay vòng hai món rau và chút thức ăn mặn. Bữa nay là đĩa cá kho nho nhỏ, đủ để đưa cơm. Căn nhà trọ thuê cỡ 15m2 cho bốn con người. Cũng may, chồng chị Thảo là phụ hồ nên đi công trình suốt. Mâm cơm chẳng mấy khi đủ bốn cái bát nhưng cũng đỡ chật chội, ngột ngạt trong những ngày nóng tới 36, 370C.

Thu nhập của chị Thảo, nếu tăng ca đều đặn là tám triệu đồng/tháng. Vài tháng anh chồng sẽ gửi tiền về cho vợ. Hai năm nay, đứa con gái lớn vào đại học nên mỗi năm anh chị phải xoay cho đủ 25 triệu đồng học phí. Nhiều lúc, vợ chồng cảm thấy “hụt hơi”.

Chị cho biết: Tôi muốn đi làm thêm để có chút tiền chi tiêu nhưng tối về mệt lả không có sức mà đi làm tiếp từ sau khi mắc Covid-19. Từ khi lập gia đình đến giờ, cả nhà chưa hề được một lần đi du lịch cùng nhau. Biết con cái thiệt thòi nhưng không biết làm sao. Giờ giá cả leo thang, chị quyết tâm tằn tiện lo cho tụi nhỏ học hành đến nơi đến chốn, hy vọng mai sau con mình không phải làm công nhân đi ở trọ như bố mẹ chúng...

Đến bữa cơm thiếu chất đạm

Bữa cơm đơn sơ thiếu dinh dưỡng cho cả lao động chính cũng như những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn như gia đình chị Thảo không phải là chuyện hiếm hoi. Theo điều tra năm 2021 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), 5% công nhân, lao động được hỏi cho biết thịt cá chỉ xuất hiện trong mâm cơm 1 đến 2 lần/tuần và 34% được ăn cá hoặc thịt 3 lần/tuần.

Còn nhớ, năm 2011, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng nền kinh tế Việt Nam, đời sống của hơn 1,6 triệu lao động tại các khu công nghiệp vốn chẳng dư dả càng bộn bề gian khó khi giá cả tăng cao, nhất là giá lương thực, thực phẩm, nhà trọ leo thang hằng ngày. Khi kinh tế vực dậy, phục hồi và trên đà phát triển, bức tranh thu nhập, việc làm của công nhân, lao động vừa có những gam màu khởi sắc thì dịch Covid-19 ập tới.

Đại dịch được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá là “cuộc khủng hoảng toàn cầu tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến thứ II”, khiến đời sống của đại đa số nhân dân, nhất là bộ phận công nhân, lao động thêm một lần nữa lại chao đảo.

Khoảng 60% công nhân, lao động lại quay về thời thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu.

(Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)

Báo cáo đánh giá ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với đời sống, việc làm của công nhân, lao động và tổ chức công đoàn trong hai năm 2020, 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam do Viện Công nhân và Công đoàn thực hiện mới đây cho thấy: Khoảng 60% công nhân, lao động lại quay về thời thắt lưng, buộc bụng, tiết kiệm tối đa các khoản chi tiêu. Khoảng 50% công nhân phải giảm lượng thịt ăn thường ngày, số công nhân phải ăn mì tôm qua bữa cũng tăng cao.

Một kết quả khảo sát do Ban Nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa thực hiện cho thấy, đa số công nhân thuộc nhóm thu nhập dưới 10 triệu đồng phải chi tiêu tằn tiện và cần sự giúp đỡ từ những nguồn khác như đi vay mượn để chi tiêu, hỗ trợ của người thân, hỗ trợ của tổ chức công đoàn. Nhiều trường hợp cho biết không đủ chi tiêu hoặc tháng đủ, tháng không. Chỉ có 8% số người được hỏi cho biết họ có tích lũy nhưng không cao, số này chủ yếu vào nhóm quản lý cấp tổ, phòng hoặc nhân viên văn phòng. Nhóm công nhân trực tiếp sản xuất có tổng thu nhập trên 10 triệu đồng chỉ chiếm 26%.

Đa số công nhân, lao động hiện nay chỉ đủ trang trải cuộc sống hoặc phải chi tiêu tằn tiện mới đủ sống.

Con số này cho thấy, đa số công nhân, lao động hiện nay chỉ đủ trang trải cuộc sống hoặc phải chi tiêu tằn tiện mới đủ sống. Hậu Covid-19, hệ lụy không chỉ đến với công nhân, lao động mà còn ảnh hưởng lớn tới gia đình họ, nhất là cha mẹ già, con nhỏ đang ở quê. Có thể thấy, những khó khăn do dịch Covid-19 đang hằng ngày tác động đến thu nhập của hàng triệu gia đình ở khắp mọi miền đất nước, nhất là ở những tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh tàn phá. Kinh tế sụt giảm, lao động dôi dư, thu nhập bị giảm sút, khiến các gia đình phải thắt chặt chi tiêu. Họ đang và sẽ trải qua những thử thách chưa từng có để có thể giữ vững “chốn bình yên” sau dịch Covid-19.

(Còn nữa)

Khảo sát thực trạng đời sống 2.016 công nhân tại các doanh nghiệp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tháng 4/2022 cho thấy: 55,6% công nhân cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải chi phí cơ bản cho cuộc sống; 23,2% công nhân, lao động phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ sống. 13,2% công nhân cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống mức cơ bản tối thiểu. Nhiều người lao động cho biết, họ phải đi vay tiền để chi tiêu. 12,0% lao động thường xuyên hằng tháng phải đi vay tiền để ổn định cuộc sống; 35,5% người cho biết 3-4 tháng/lần phải đi vay tiền; 34,8% vay từ 1, 2 lần một năm để trang trải cuộc sống.