Đối phó với trầm cảm sau sinh

NDO -

NDĐT – Thường xuyên trách móc bản thân, có hành vi bạo lực với con mình, thậm chí nguy hiểm nhất là có những bà mẹ gặp hoang tưởng, giết chính đứa con mình… là những triệu chứng trầm cảm của các sản phụ sau sinh.

TS, BS Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về trầm cảm sau sinh.
TS, BS Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ về trầm cảm sau sinh.

Theo một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, cứ bảy người phụ nữ Mỹ thì có khoảng một người mắc trầm cảm trước lúc có bầu, trong thời gian mang thai và sau khi sinh em bé. Có thể thấy thời kỳ sinh đẻ là giai đoạn xảy ra những biến đổi tâm lý vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ. Họ phải đối mặt với những thay đổi từ hình thể, nội tiết tố đến vai trò xã hội… khiến đại đa số đều lo lắng. Trong đó, phổ biến nhất là trầm cảm sau sinh.

TS, BS Trần Nguyễn Ngọc, Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trầm cảm sau sinh là bệnh lý liên quan đến suy nghĩ, hành động và sức khỏe của người phụ nữ sau sinh. Khi đó, người mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng và thường xuyên trách móc bản thân không đủ khả năng chăm sóc con. Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với trẻ. Trong trường hợp nặng, ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sinh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.

“Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm trong thời kỳ sinh đẻ như: sinh con lần đầu; độ tuổi của người mẹ; nạo phá thai, sảy thai hoặc thai chết lưu; mang thai ngoài ý muốn; các xung đột trong hôn nhân, căng thẳng trong cuộc sống; thiếu sự trợ giúp; khó khăn trong vấn đề chăm sóc trẻ…”, BS Ngọc cho hay.

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ. Vì vậy, BS Ngọc nhấn mạnh, người phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và nhận được sự quan tâm chia sẻ từ người thân.

Người phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều bữa ăn, bảo đảm khoảng 30-35 kcal/kg/ngày. Trong đó, lượng chất đạm hợp lý chiếm từ 15-20% năng lượng (tốt nhất nên được cung cấp đa dạng các loại đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, sữa, đậu….); 20-25% chất béo và 55-65% chất bột đường; uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh. Mọi hình thức kiêng khem thái quá đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và trẻ nhỏ, dẫn tới những khủng hoảng tinh thần do mẹ mệt mỏi, con đau ốm, suy dinh dưỡng….

“Đặc biệt giá trị của việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp người mẹ nhanh lấy lại vóc dáng, gắn kết tình cảm mẹ con; trẻ nhỏ khi được bú mẹ có sức đề kháng tốt, ít ốm vặt. Do vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp góp phần tích cực hạn ché áp lực tinh thần cho người mẹ sau sinh”, BS Ngọc nói.

Bên cạnh đó, chế độ nghỉ ngơi cho phụ nữ sau sinh cũng cần được quan tâm chú ý. Họ cần có những giấc ngủ sâu và đủ. Nếu nhận được những chia sẻ trong việc chăm sóc em bé hay những lời động viên tích cực, được sống trong bầu không khí thoải mái, vui vẻ cũng giúp họ cảm thấy yên tâm và an toàn.

Đặc biệt với những phụ nữ có tiền sử stress, trầm cảm hoặc gặp những vấn đề khó khăn trong mang thai và sinh đẻ, người thân cần quan tâm chú ý tới các dấu hiệu bất thường và bảo đảm uống thuốc đúng giờ. Khi thấy họ có những biểu hiện buồn chán, lo lắng hay cáu giận bất thường, gia đình cần đưa bệnh nhân tới gặp các bác sĩ, chuyên gia để được tư vấn và điều trị. Một trong những may mắn, đó là trầm cảm sau sinh thường đáp ứng tốt nếu được điều trị kịp thời.