Đổi mới tuyên truyền biển đảo, biên giới

Thời gian qua, Cục Kỹ thuật, Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng) phối hợp ban tuyên giáo 8 tỉnh ủy, thành ủy miền Tây Nam Bộ, miền trung và miền núi phía bắc tăng cường tuyên truyền biển đảo, biên giới. Từ đây nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo góp phần lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương đã xuất hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Cột mốc quần đảo Trường Sa trong sân Trường đại học Xây dựng Miền Tây.
Cột mốc quần đảo Trường Sa trong sân Trường đại học Xây dựng Miền Tây.

Để thông tin về biển đảo trực quan, gần với học sinh, thanh niên, hơn 10 năm trước, Quận đoàn Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa trong khuôn viên Trường THCS Thốt Nốt với nhiều thông tin, hình ảnh sinh động, thu hút sự quan tâm của học sinh.

Từ hiệu quả đó, Đoàn Thanh niên phối hợp các trường triển khai mô hình này ở trong quận, lan tỏa đến các trường học trong toàn thành phố, được Sở Giáo dục và Đào tạo chọn làm mô hình nhân rộng cột mốc Trường Sa-Nhà giàn DK1 trong ngành giáo dục để tuyên truyền về biển đảo. Bên cạnh đó, Quận đoàn Thốt Nốt còn xây dựng mô hình các đảo trong quần đảo Trường Sa; dùng chai nhựa tái chế làm hình bản đồ Việt Nam có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để các em hiểu biết hơn về 2 quần đảo thiêng liêng này, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường.

Định kỳ hằng quý, tổ chức đoàn các cấp đến trường học tuyên truyền, thông tin về cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1. Em Lê Thanh Nghĩa, lớp 11A3 Trường THPT Thốt Nốt chia sẻ: “Cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa, đảo Nam Yết được đặt trang trọng trong khuôn viên trường giúp em và các bạn hiểu biết thêm về lịch sử, chủ quyền của quần đảo. Từ đây, chúng em càng yêu mến, cảm phục sự hy sinh của các thế hệ cha anh bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ cho biết: Năm 2023, Cần Thơ đã tổ chức 50 hội nghị thông tin chuyên đề và hơn 550 hội nghị có nội dung tuyên truyền về biển đảo, biên giới. Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành phố tổ chức các hoạt động “Hướng về biển, đảo quê hương” năm 2023 tại quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh Truyền hình thành phố đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự, ký sự về đề tài biển đảo, biên giới. Thành phố tổ chức triển lãm ảnh “Hoàng Sa, Trường Sa-Tổ quốc nơi đầu sóng” và duy trì triển lãm cố định 4 bản đồ cổ khẳng định chủ quyền với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; triển khai phần mềm Triển lãm số và nhiều triển lãm ảnh, tranh cổ động, chiếu phim, biểu diễn văn nghệ về chủ đề biển đảo…

Còn tại Vĩnh Long, hiện hầu hết các trường học, cơ quan, đơn vị đều dành riêng khu vực để tuyên truyền về biển đảo, biên giới. Cách đây gần 10 năm, Trường đại học Xây dựng Miền Tây là một trong những đơn vị có cách tuyên truyền về biển đảo bằng hình ảnh trực quan sinh động khi xây dựng cột mốc chủ quyền quần đảo Trường Sa. Cột có chiều cao 3,8m, ngang 8m, xây dựng bằng bê-tông, cốt thép với tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Đáng chú ý, cạnh cột mốc chủ quyền, trong khuôn viên còn gắn biển 2 tên đường nội bộ Trường Sa và Hoàng Sa.

Em Đặng Hoàng Phương, sinh viên năm thứ 4 của trường chia sẻ: “Dù chưa một lần đến với Trường Sa, nhưng qua sách vở và cột mốc này, em cảm thấy rất tự hào về quê hương đất nước mình. Điều đó giúp em thấy biển đảo và đất liền ngày càng gần gũi, nhất là cảm thấy khâm phục hơn các chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển đảo”. Anh Nguyễn Cao Phong, Bí thư Đoàn Trường đại học Xây dựng Miền Tây cho biết: “Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa là biểu tượng để nhà trường giáo dục cho các thế hệ sinh viên về lòng yêu nước, ý chí quyết tâm giữ nước và sẵn sàng đấu tranh bằng nhiều hình thức để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Thầy và trò nhà trường dù ở xa Trường Sa, xa các chiến sĩ, ngư dân đang ngày đêm bảo vệ Trường Sa nhưng vẫn thấy rất gần, rất ấm áp khi có cột mốc chủ quyền ngay trong khuôn viên trường mình. Trong trái tim mỗi thầy trò luôn có hình ảnh Trường Sa và những người đang ngày đêm canh giữ biển trời, hải đảo thân yêu của Tổ quốc”.

Tuy nhiên, tuyên truyền về biển đảo, biên giới còn một số hạn chế, khó khăn. Công tác dự báo tình hình để tham mưu, đề xuất, định hướng tập trung tuyên truyền có lúc chưa chủ động. Một số hoạt động tuyên truyền có thời điểm chưa phong phú, đa dạng, công tác phối hợp chưa chặt chẽ. Công tác quản lý các trang mạng xã hội, blog cá nhân còn hạn chế. Tuyên truyền tại vùng sâu, vùng xa, đồng bào các dân tộc, công nhân tại các khu công nghiệp… chưa nhiều. Cơ sở vật chất, tài liệu, phương tiện phục vụ tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ, khả năng của một số báo cáo viên trong lĩnh vực biển đảo, biên giới, mặc dù có cố gắng, song vẫn còn những hạn chế nhất định.

Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long Lê Minh Đức cho biết: Để tuyên truyền về biên giới đúng trọng tâm, hiệu quả, thời gian tới, Ban Tuyên giáo sẽ thường xuyên tích cực, chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy mời các đơn vị Hải quân, Cục Chính trị Quân khu 9 đến hỗ trợ, cung cấp thông tin các chuyên đề về tình hình Tây Nam Bộ và những nhân tố mới nảy sinh trên vùng biển đảo Tây Nam thời gian gần đây, nhất là truyền đạt dự báo tình hình và định hướng tuyên truyền thời gian tới cho cán bộ chủ chốt và cán bộ hưu trí thuộc diện Tỉnh ủy quản lý trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Hằng tháng thông qua hội nghị báo cáo viên (trực tiếp và trực tuyến) của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Long biên tập tài liệu cung cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên nòng cốt cơ sở để phục công tác triển khai, phổ biến và tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, nhất là các hoạt động tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, internet; tuyên truyền trực quan, thông qua các cuộc thi, phong trào, vận động hướng về biển đảo…

Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hồng Hà đánh giá cao kết quả phối hợp tuyên truyền biển đảo, biên giới giữa Cục Kỹ thuật và ban tuyên giáo 8 tỉnh ủy, thành ủy thời gian qua, đã góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” trên biển đảo và biên giới ngày càng vững chắc.

Thời gian tới, Quân chủng Hải quân sẽ tích cực, chủ động phối hợp đa dạng hóa hình thức, nội dung tuyên truyền sát thực tiễn; không ngừng mở rộng đối tượng, phạm vi; tiếp tục đưa công tác phối hợp tuyên truyền đi vào chiều sâu, có sức lan tỏa, hiệu quả hơn góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.