Ngày 5/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên, cho biết, năm 2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam.
Đến nay, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực. Đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị-pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bộ, ngành, địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tọa đàm “Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam” năm 2024 nhằm tuyên truyền, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; lan tỏa thông điệp của đồng chí Tổng Bí thư về đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật, chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.
Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc. |
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ Tư pháp và các cơ quan truyền thông, góp phần nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về ngành Tư pháp và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục quan tâm, đồng hành với Bộ Tư pháp và Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật trong việc truyền thông chính sách pháp luật.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các thông tin, định hướng chia sẻ công tác phối hợp, truyền thông, triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 2024; thông tin, định hướng công tác chuẩn bị, triển khai truyền thông, phổ biến các Luật được Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 sau khi Quốc hội thông qua.
Theo đó, nội dung, hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chú trọng lồng ghép, gắn với quán triệt, phổ biến, truyền thông sâu rộng các nội dung cốt lõi thể hiện tinh thần, quan điểm, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật.
Hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bảo đảm phù hợp, thiết thực, tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan thông qua áp-phích, băng-rôn trên các tuyến đường, tuyến phố, các khu trung tâm, các cơ quan, đơn vị hành chính, trường học, địa điểm công cộng trên địa bàn; tổ chức các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật hướng về cơ sở; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số và truyền thông trên Cổng/Trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin truyền thông, loa truyền thanh tại cơ sở... và hình thức phù hợp khác.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp và sự phối hợp báo chí trong việc tuyên truyền, truyền thông chính sách.
Các đại biểu cũng khẳng định vai trò quan trọng của báo chí trong việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra những thách thức hiện tại và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác này, góp phần xây dựng một xã hội tuân thủ pháp luật.