Đổi mới trong xây dựng chương trình giáo dục mầm non

Hơn 10 năm qua, chương trình giáo dục mầm non ban hành năm 2009 được triển khai trên toàn quốc đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã xây dựng, thử nghiệm để ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới mang tính khoa học cao và phù hợp với thực tiễn phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường mầm non Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Ðức Thịnh)
Giờ học của học sinh Trường mầm non Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh Ðức Thịnh)

Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, dự thảo chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng vừa bảo đảm tính kế thừa những ưu điểm của chương trình giáo dục mầm non hiện hành, vừa bổ sung thêm những điểm mới ưu việt có tính thực tiễn cao; phù hợp với quá trình phát triển nhận thức, tâm sinh lý và thể chất của trẻ và sự phát triển của xã hội; phù hợp với tiến trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai ở các cấp học.

Ðể đánh giá mức độ phù hợp sau khi xây dựng khung chương trình và nội dung, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã triển khai thử nghiệm một số nội dung mới tại sáu tỉnh, thành phố, đại diện tính đa dạng, đặc trưng của vùng, miền trên cả nước bao gồm: Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh và Ðồng Tháp trước khi ban hành áp dụng đại trà. Kết quả thử nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng để Ban biên soạn tiến hành điều chỉnh dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới, rút bài học kinh nghiệm cho tổ chức triển khai thử nghiệm chương trình trong thời gian tới.

Ðiểm mới của Chương trình giáo dục mầm non đang được thử nghiệm theo hướng tiếp cận, thể hiện các phẩm chất và năng lực chung mang tính cốt lõi, nền tảng, cần thiết, phù hợp với lứa tuổi và đây là quan điểm xuyên suốt khi xây dựng toàn bộ chương trình. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, các giáo viên cần xem đây là kim chỉ nam để thực hiện triển khai thí điểm chương trình, mang lại kết quả thiết thực nhất.

GS, TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam

Ðồng Tháp là một trong sáu địa phương thử nghiệm Chương trình Giáo dục mầm non mới. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Nguyễn Minh Tân cho biết: Tại một số cơ sở giáo dục mầm non được lựa chọn để thử nghiệm, giáo viên đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch và áp dụng dạy học theo dự án gắn với các ngành nghề truyền thống của địa phương và chú trọng hoạt động khám phá, trải nghiệm của trẻ.

Các kế hoạch giáo dục của các trường thử nghiệm được điều chỉnh phù hợp với kinh nghiệm sống của trẻ trong cơ sở giáo dục mầm non và văn hóa ở cộng đồng. Những phương pháp được giáo viên lựa chọn mang lại sự mới mẻ, gần gũi, giúp trẻ tham gia hào hứng, tích cực vào các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất chuẩn bị cho hoạt động của trẻ rất phong phú, phát huy được vai trò của môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Ninh Bình) Lê Thị Lan cho biết: Phần lớn trẻ tại ba trường mầm non tham gia thử nghiệm đều mạnh dạn, tự tin, tích cực tham gia hoạt động thực hành trải nghiệm. Nhà trường cũng tạo điều kiện để cha mẹ tham gia vào các hoạt động của trường, lớp nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Các trường mầm non triển khai thử nghiệm đánh giá chương trình mang lại hiệu quả cho giáo viên, nhất là quá trình phát triển toàn diện của trẻ.

Từ kế hoạch giáo dục, giáo viên có thể nhận thấy những mục tiêu nào mà trẻ thực hiện tốt và những mục tiêu nào chưa phù hợp để có sự điều chỉnh. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dễ dàng định hướng được nội dung giáo dục. Thông qua việc xây dựng chủ đề, lên dự án, tổ chức sự kiện có sự hiệu quả rõ rệt khiến trẻ tự tin, có nhiều kỹ năng, biết giải quyết vấn đề dựa trên kiến thức, kinh nghiệm của trẻ.

Không chỉ tỉnh Ðồng Tháp, Ninh Bình, Thành phố Hồ Chí Minh cũng thực hiện thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới tại ba quận, huyện trên địa bàn; gồm bốn trường mầm non ở khu vực thuận lợi, hai trường mầm non ở khu vực khó khăn ở cả hai mô hình công lập và ngoài công lập. Sau thời gian thử nghiệm chương trình, giáo viên đã linh hoạt hơn trong việc lựa chọn những nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với kinh nghiệm sống, khả năng của trẻ và điều kiện thực tế của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, một số địa phương cũng chỉ ra những khó khăn như: Giáo viên chưa tự tin trong việc lựa chọn nội dung bài dạy đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực cá nhân trẻ. Ðiều kiện cơ sở vật chất, môi trường cho trẻ hoạt động hạn chế, đồ dùng đồ chơi để trẻ trải nghiệm còn thiếu. Mặt khác, nội dung chương trình giáo dục mầm non mới còn một số điểm chung chung, chưa cụ thể cho nên giáo viên khó triển khai thực hiện.

Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần tăng cường tập huấn, hỗ trợ chuyên môn để địa phương hiểu rõ về Chương trình giáo dục mầm non mới, những quan điểm, nội dung và phương pháp thực hiện; tạo điều kiện tăng cường các hoạt động tham quan, học tập các mô hình cơ sở giáo dục mầm non đã triển khai tốt theo tinh thần đổi mới giáo dục mầm non.

Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Bá Minh cho biết, để có những đánh giá thực tiễn tốt nhất, tránh sai sót không đáng có trong quá trình ban hành triển khai đại trà, Chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được triển khai trong ba năm học nhằm đưa ra cách nhìn toàn diện, đánh giá thực chất về những điểm làm được, không làm được trước khi ban hành, góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.