Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ.

Sản xuất thiết bị tự động tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh THU HÀ)
Sản xuất thiết bị tự động tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh THU HÀ)

Giai đoạn 2011-2020, thông qua Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, các doanh nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hàng trăm công nghệ, quy trình công nghệ được hấp thụ và làm chủ, hàng chục bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký bảo hộ, năng suất lao động trung bình tăng mạnh sau đổi mới công nghệ, sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện đến năm 2030. Hằng năm, ban tổ chức đã lựa chọn trình diễn và giới thiệu khoảng 3.000 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của gần 700 các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức khoa học và công nghệ các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên.

Nhìn một cách tổng quan, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực còn nhiều hạn chế, cho nên việc đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, rào cản. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, như: Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng nguồn vốn ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ. Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan nhằm sửa đổi một số điều luật, quyết định về khoa học và công nghệ để tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp, viện, trường, tổ chức khoa học và công nghệ ứng dụng, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thời gian tới, để hoạt động này hiệu quả hơn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp trong quản lý nhà nước để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý về đổi mới sáng tạo.

Ngành khoa học và công nghệ chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, vượt trội để thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần triển khai mạnh mẽ các nền tảng đổi mới sáng tạo mở đã được Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đề ra. Những nền tảng đổi mới được coi là giải pháp cho những khó khăn mà nhiều công ty, tập đoàn lớn đang gặp phải trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, và sự thay đổi nhu cầu của thị trường. Điều này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm các nguồn ý tưởng đổi mới sáng tạo ở bên ngoài để giải quyết những vấn đề trong quá trình phát triển sản phẩm.