Đổi mới phương thức lãnh đạo, tạo bước tiến mới ở Lào Cai

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm, coi trọng đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo, sâu sát thực tiễn. Các cấp ủy đã đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo nhiệm vụ chính trị, tạo bước tiến mới trên nhiều lĩnh vực, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Trình diễn văn hóa truyền thống tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TRÁNG XUÂN CƯỜNG)
Trình diễn văn hóa truyền thống tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: TRÁNG XUÂN CƯỜNG)

Bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều thách thức, Đảng bộ tỉnh Lào Cai luôn coi trọng giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy tập trung xác định đúng tiềm năng, lợi thế, cả những “điểm nghẽn” từ đó ban hành, triển khai chủ trương, chính sách phát huy nội lực trong phát triển.

Quá trình nêu trên xuất phát từ việc Tỉnh ủy đã đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân tình hình, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, đề ra yêu cầu đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, đặc biệt gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, khi mà hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp trên một số lĩnh vực còn lúng túng; một số mô hình tổ chức đảng hoạt động hiệu quả thấp; việc nắm bắt, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh ở cơ sở còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế.

Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung phát huy vai trò, trí tuệ cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới phương thức, tác phong lãnh đạo đáp ứng yêu cầu phát triển. Tỉnh ủy ban hành 10 nghị quyết, 16 chỉ thị chuyên đề quan trọng, có tính chiến lược; các văn bản được xây dựng, ban hành bảo đảm tính khoa học, đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ, khả thi. Tỉnh ủy đã sửa đổi, ban hành 30 quy chế, 26 quy định mới, bảo đảm tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Tỉnh ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Tỉnh ủy viên gắn trách nhiệm lãnh đạo với triển khai thực hiện các đề án, bám sát địa bàn, lĩnh vực cụ thể theo hướng bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, trách nhiệm giải trình. Ba năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 1.234 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân (cấp tỉnh có 9 cuộc; cấp huyện có 113 cuộc và cấp xã có 1.112 cuộc) với hơn 80.310 lượt người dân tham dự.

Với sự nghiêm túc, đổi mới, tỷ lệ giải đáp ý kiến trực tiếp tại hội nghị đạt từ 95% trở lên. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lào Cai Giàng Seo Vần nhìn nhận, thực tế đó cùng hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội được nâng cao là nhân tố quan trọng tăng cường đồng thuận xã hội trong toàn tỉnh.

Lào Cai đã thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng và củng cố hệ thống chính trị vững về tổ chức, mạnh về đội ngũ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Công tác quy hoạch cán bộ được tập trung.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường làm việc với các đảng bộ trực thuộc, các đảng đoàn, ban cán sự đảng và các sở, ngành của tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng, các đề án trọng tâm, nghị quyết chuyên đề. Thông qua các cuộc làm việc, các hội nghị, Tỉnh ủy đôn đốc, cho chủ trương, định hướng để địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, các chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của cấp trên và Tỉnh ủy.

Bắc Hà vốn có nhiều lợi thế tiềm năng về du lịch, nhưng chưa khai thác tương xứng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có nhiều cuộc làm việc, cùng Ban Thường vụ Huyện ủy Bắc Hà có chương trình, đề án và tập trung đầu tư khai thác tiềm năng trên địa bàn. Huyện ban hành các chương trình đầu tư du lịch. Hai năm qua, nhiều chương trình đã được tổ chức như Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà năm 2022; Lễ hội thổ cẩm và hoa cùng nhiều hoạt động mới theo chủ đề “Tinh hoa Tây Bắc”, “Kết nối khát vọng xanh” gắn liền quảng bá sản phẩm du lịch thể thao đã giúp Bắc Hà trở thành điểm đến hấp dẫn.

Khách du lịch hằng năm tăng gần gấp hai lần trước đây, tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhân dân. Gần đây, du lịch Lào Cai đã bứt phá, trở thành nền kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Năm 2022, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 16.330 tỷ đồng. Lào Cai hiện có doanh thu từ du lịch thuộc tốp đầu của các tỉnh phía bắc.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã tác động tích cực và toàn diện đến lĩnh vực nông nghiệp. Các cây trồng chủ lực đều tăng diện tích, sản lượng, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: chè, dược liệu, dứa, chuối, quế…

Trong đó, nổi bật là vùng sản xuất chè đạt 7.533,8 ha; sản xuất dược liệu đạt 610,15 ha; sản xuất dứa đạt 2.127 ha; vùng sản xuất chuối 3.380 ha tại Mường Khương, Bát Xát, Bảo Thắng. Tỉnh đồng thời phát triển các sản phẩm tiềm năng như cây ăn quả ôn đới, rau trái vụ, cây hoa. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Đỗ Văn Duy cho biết: Tổng sản lượng lương thực có hạt cả năm của tỉnh đạt gần 339 nghìn tấn. Đặc biệt, tỉnh tăng cường liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh và cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh.

Nhiều năm gần đây, Lào Cai có bước phát triển đồng bộ, toàn diện. Các lĩnh vực văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm, triển khai hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế ba năm gần đây cao hơn mức bình quân chung của vùng và cả nước. Quốc phòng, an ninh trên địa bàn được giữ vững. Toàn Đảng bộ tăng cường, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng gắn liền đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy dân chủ ở cơ sở tiếp tục tạo động lực, nguồn sinh lực cho Lào Cai phát triển.