Đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong tình hình mới

Trước yêu cầu của thực tiễn, ngày 12/6/2021, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TW về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Mục tiêu đề ra là: Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị-xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh cho 10 cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh cho 10 cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Sau hơn ba năm thực hiện Nghị quyết số 02, Công đoàn Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chủ động, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan người lao động, tổ chức công đoàn; chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đoàn viên, người lao động. Các chương trình, mô hình chăm lo mang đậm dấu ấn công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”, “Phiên chợ Công nhân”... được triển khai, nhân rộng, lan tỏa mạnh mẽ đến cơ sở.

Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết số 02 vẫn còn hạn chế nhất định như: Quy chế dân chủ cơ sở ở một số nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; vai trò làm chủ của người lao động ở nhiều doanh nghiệp còn mờ nhạt; thỏa ước lao động tập thể độ bao phủ hẹp, chất lượng chưa cao; việc chăm lo việc làm, đời sống cho công nhân, người lao động có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả.

Chương trình phúc lợi đoàn viên một số nơi thực hiện còn lúng túng; việc xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn chậm tiến độ. Công tác phát triển đoàn viên ở công đoàn cơ sở chưa tương xứng với tốc độ phát triển của doanh nghiệp, người lao động. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn còn bất cập, nhiều nơi thiếu cán bộ chuyên trách, một bộ phận cán bộ năng lực còn yếu.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức, phương thức tập hợp đoàn viên, người lao động có mặt chậm được đổi mới. Hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên, người lao động chưa cao, chưa gắn đời sống của một bộ phận công nhân, lao động khiến cho nhiệm vụ tập hợp lực lượng và phát huy vai trò của công nhân trở nên khó khăn.

Việc đổi mới công tác thu hút, tập hợp người lao động, phát triển đoàn viên của tổ chức công đoàn trong tình hình mới là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam xác định là một trong ba khâu đột phá của giai đoạn 2023-2024.

Thực tiễn đã chỉ ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số và trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh, đột phá, tác động sâu rộng, đa chiều, tạo thay đổi lớn về lao động, việc làm, quan hệ lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động, làm thay đổi môi trường hoạt động, đối tượng tập hợp và phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn.

Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc thực hiện các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; sự xuất hiện tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp đặt ra những yêu cầu, thách thức mới đối với hoạt động công đoàn.

Hơn lúc nào hết, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần nhận định đúng thời cơ, thách thức để có những giải pháp phù hợp; xác định đúng khả năng thích ứng của công nhân lao động từng địa bàn, ngành nghề cụ thể để có giải pháp đồng bộ, căn cơ trong phát triển tổ chức, khắc phục hạn chế, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Trên cơ sở đó, các cấp công đoàn tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức lao động làm đối tượng vận động, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động làm mục tiêu hoạt động.

Bên cạnh đó, cần chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng cán bộ công đoàn cơ sở, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở ở doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc đào tạo bồi dưỡng cần phải có chương trình bắt buộc đối với cán bộ công đoàn.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý cần đào tạo, bồi dưỡng theo hướng gắn với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm, từng bước hình thành đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp trưởng thành qua thực tiễn hoạt động ở cấp cơ sở; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp trên cơ sở có đủ năng lực hỗ trợ cán bộ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng tập thể, đối thoại, tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp lao động, phát triển đoàn viên; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ công đoàn cơ sở để công đoàn thật sự là chỗ dựa vững chắc của người lao động tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, có sức hấp dẫn đối với người lao động và tạo được sự đồng tình, ủng hộ từ người sử dụng lao động.