70 năm qua, với xuất phát điểm từ Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học, đến nay Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có 38 đơn vị thuộc và trực thuộc, với đội ngũ nghiên cứu đông đảo, các viện nghiên cứu bao trùm mọi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn của cả nước.
Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định, trong mỗi giai đoạn của lịch sử, các thế hệ cán bộ, viên chức của Viện Hàn lâm đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu khoa học nổi bật, thể hiện qua 21 công trình, cụm công trình khoa học của Viện Hàn lâm được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và 28 công trình, cụm công trình được trao tặng giải thưởng Nhà nước.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm còn thực hiện thành công nhiều đề tài, chương trình nghiên cứu các cấp; tổng kết thực tiễn để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước; xuất bản hàng ngàn đầu sách khoa học; hàng vạn tác phẩm khoa học được đăng tải trên các tạp chí khoa học danh tiếng trong nước và quốc tế, được giới học thuật, các trường đại học, các nhà hoạch định chính sách công nhận là tài liệu có giá trị tham khảo cao trong nghiên cứu, truyền bá tri thức khoa học xã hội và nhân văn.
Chủ tịch Phan Chí Hiếu nêu rõ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ cha anh, ngày nay, các nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm đang tiếp tục góp phần quan trọng vào việc xây dựng và bồi đắp cho kho tàng tri thức về khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam. Tuy vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm thời gian gần đây còn gặp một số vướng mắc, hạn chế: các chương trình nghiên cứu lớn, các công trình nghiên cứu có giá trị cao còn ít; việc thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu còn lúng túng, gặp nhiều rào cản; đội ngũ nhà khoa học suy giảm cả về số lượng và chất lượng; một số lĩnh vực thiếu chuyên gia đầu ngành; các nhà khoa học có trình độ cao, có khả năng định hướng, dẫn dắt hoạt động nghiên cứu.
Các tham luận trình bày tại hội thảo đã tập trung đánh giá, tổng kết các thành tựu khoa học lớn của Viện Hàn lâm trong 70 năm qua đồng thời thảo luận, tổng kết những bài học kinh nghiệm, nhận diện các vướng mắc, hạn chế trong nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm hiện nay để đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm trong thời gian tới.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trong 70 năm qua, giới khoa học xã hội Việt Nam đã có những đóng góp nhất định, góp phần làm nên những thắng lợi trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền đất nước, trong giai đoạn chuyển đổi kinh tế thoát ra khỏi khủng hoảng, trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển văn hóa và xây dựng con người…
Ngoài ra, tiềm năng tư duy và bề dày văn hóa của giới khoa học xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều thế mạnh chưa được khai thác hết. Nếu biết giải phóng những tiềm năng về năng lực trí tuệ và vốn văn hóa của giới khoa học xã hội Việt Nam, thì tương lai Việt Nam có nền khoa học xã hội mạnh mẽ hơn ở châu Á là hoàn toàn có thể. Để khoa học xã hội được trọng dụng với những cơ sở khoa học tin cậy cho việc thực hiện các mục tiêu đã hoạch định đến năm 2030 và 2045, trách nhiệm của Viện Hàn lâm và của giới khoa học xã hội Việt Nam hiện đang rất lớn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung, Viện Nghiên cứu châu Mỹ, Viện Hàn lâm đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất lớn. Với vị thế là cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Hàn lâm có lợi thế về quy mô, đội ngũ cán bộ nghiên cứu lớn, thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng do Đảng và Nhà nước giao trực tiếp. Tuy nhiên, nhân lực chất lượng của Viện Hàn lâm mỏng, yếu và đang suy giảm mạnh. Ngoài lý do một số chuyên gia đến tuổi nghỉ hưu hoặc chuyển cơ quan khác, một thời gian dài Viện Hàn lâm hạn chế tuyển dụng mới hoặc tuyển dụng những nhân sự chất lượng chưa cao, và phần lớn nhà nghiên cứu của Viện Hàn lâm không tích cực đi học nước ngoài để tiếp thu cách tiếp cận và phương pháp mới.
“Điều này như vòng luẩn quẩn khiến cho các hoạt động nói chung và hoạt động tư vấn nói riêng yếu kém. Khiến cho các phản ứng của Viện Hàn lâm trước các biến động chính trị, kinh tế, xã hội chưa đủ nhanh và kịp thời. Những thách thức mới đang đặt ra nhiều vấn đề về đổi mới ở Viện Hàn lâm nói chung ở các Viện trực thuộc Viện Hàn lâm nói riêng. Vấn đề đổi mới ở đây là phải thay đổi cách tiếp cận trong làm khoa học, phương pháp luận nghiên cứu. Quan trọng nữa là Viện Hàn lâm cần phải hội nhập theo chuẩn quốc tế, xu hướng của thế giới và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong hội nhập để phát triển” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trung nhấn mạnh.