Đối mặt với áp lực dư luận, ngành dầu cọ có xu hướng xanh

NDO -

Một nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường toàn cầu cho thấy, trong số bảy lĩnh vực hàng hóa dẫn đến nạn phá rừng, các công ty dầu cọ đang làm nhiều nhất để giảm bớt tác động môi trường của họ sau nhiều năm chịu áp lực của dư luận.

Một công nhân sắp xếp các chùm trái dầu cọ trên xe tải tại một nhà máy ở Tanjung Karang, Malaysia. Ảnh: Reuters.
Một công nhân sắp xếp các chùm trái dầu cọ trên xe tải tại một nhà máy ở Tanjung Karang, Malaysia. Ảnh: Reuters.

Dựa trên phản hồi của hơn 550 công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông sản, nghiên cứu của tổ chức bảo vệ môi trường phi lợi nhuận CDP, sẽ được công bố vào ngày mai, 22-3, cho thấy, gần như tất cả những người sử dụng hoặc sản xuất dầu cọ đang thực hiện ít nhất một biện pháp được ngành công nghiệp chấp nhận để giải quyết nạn phá rừng, chẳng hạn như thực hiện việc truy xuất nguồn gốc.

Ngược lại, các công ty liên quan đến cao su lại hoạt động kém nhất, trong khi ngành cà phê và các sản phẩm gia súc cũng hoạt động kém hiệu quả, nghiên cứu cho thấy.

“Dầu cọ là chủ đề của các chiến dịch công khai trong những năm gần đây. Các công ty coi dầu cọ là một rủi ro về danh tiếng”, báo cáo lưu ý.

CDP thay mặt các nhà đầu tư hàng đầu toàn cầu đo lường rủi ro và tác động đến môi trường của hơn 10.000 công ty, thành phố, tiểu bang và khu vực.

Thông qua CDP, các công ty được yêu cầu tiết lộ việc họ sử dụng hoặc sản xuất bảy mặt hàng gây ra nạn phá rừng gồm: gỗ, dầu cọ, đậu nành, gia súc, cao su, ca cao và cà phê.

Tuy nhiên, chỉ một phần ba số công ty được yêu cầu đã tiết lộ với nghiên cứu của CDP. Con số này vẫn tiến bộ đáng kể so với các lần nghiên cứu trước đây, nhưng cũng cho thấy lỗ hổng trong tính minh bạch của ngành hàng hóa và rất có thể cả trong các hành động giải quyết nạn phá rừng.

Các nhà khoa học cho biết, bảo vệ rừng là một trong những cách rẻ nhất và hiệu quả nhất để hạn chế biến đổi khí hậu, vì cây cối có tác dụng hút khí carbon dioxide, loại khí chủ yếu làm nóng hành tinh.

Theo Liên hợp quốc, 10 triệu ha rừng đã bị phá hủy mỗi năm trong suốt 5 năm qua, kể từ năm 2015.