Dồi dào đơn hàng dệt may, doanh nghiệp tăng cường tìm kiếm lao động

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều công ty may mặc xuất khẩu đang dồn dập nhận đơn hàng từ đối tác nước ngoài, đồng thời tăng tốc sản xuất để kịp bàn giao cho các đơn hàng vào cuối năm. Song nghịch lý cũng là khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt là rất khó tuyển dụng lao động ngành may.
Công nhân Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Guston Molinel - Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm việc hết công suất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Công nhân Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Guston Molinel - Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) làm việc hết công suất để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.

Không ít doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh sẵn sàng tuyển lao động thời vụ rồi đào tạo miễn phí, tăng thêm thu nhập để thu hút công nhân nhưng nguồn cung lao động đang rất khan hiếm...

Nhiều phúc lợi để “hút” lao động

Hơn một tháng qua, Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam (huyện Củ Chi) rốt ráo tuyển dụng lao động qua các kênh như Zalo, Facebook, các kênh tuyển dụng online nhằm đáp ứng cho các đơn hàng từ đối tác, nhất là nhu cầu mở rộng dây chuyền sản xuất.

Đại diện Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam cho biết, với 30 dây chuyền may, công ty đang cần tuyển khoảng 1.000 lao động phổ thông để đáp ứng khối lượng đơn hàng lớn từ các nước châu Âu, Mỹ. Công ty hiện có khoảng 1.800 lao động. Đây được xem là đợt tuyển dụng lao động với quy mô lớn từ sau đợt dịch Covid-19 đến nay của công ty.

Bộ phận nhân sự Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam cho biết, công ty đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ hấp dẫn để thu hút lao động như trợ cấp xăng xe, nhà trọ, tiền chuyên cần, nhất là công nhân mới vào làm được đào tạo nghề miễn phí và trong thời gian đào tạo nghề vẫn được hưởng lương, bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt, chính sách thưởng năng suất hằng tháng cũng được áp dụng với mức thưởng bình quân khoảng hai triệu đồng mỗi người...

Tương tự, đơn hàng may mặc cũng tăng đột biến ở Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú (Tập đoàn PPJ). Bộ phận nhân sự của Tập đoàn PPJ cho biết, hiện các nhà máy của tập đoàn có hơn 17.000 công nhân, do đơn hàng “bùng nổ” cho nên công ty đang tuyển thêm gần 2.000 công nhân vào làm ở các nhà máy thuộc khu vực miền bắc, miền trung và miền nam.

Trong đó, riêng nhà máy đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn tuyển khoảng 400 công nhân cùng với 3.500 công nhân, lao động hiện có tại đây nhằm bảo đảm sản lượng sản phẩm để bàn giao kịp thời cho đối tác. Chị Phùng Thị Anh Đào, bộ phận may mẫu của Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Guston Molinel- Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho biết, liên tục trong hai tháng qua, chị và công nhân trong xưởng làm việc “tràn” năng suất, khâu nào trống giờ là những khâu còn lại bù đắp ngay để hiệu suất làm việc bảo đảm tối đa.

Nhờ đơn hàng tăng cao cho nên thu nhập hằng tháng của chị Đào khoảng 10 triệu đồng. “So với những tháng đầu năm, thu nhập bình quân tháng hiện tăng 30%. Đây là động lực để công nhân làm việc gắn bó, nhất là thời điểm cuối năm sẽ được nhận các chế độ khen thưởng, được hưởng tháng lương 13”, chị Đào cho biết.

Ông Trần Như Cẩn, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú cho biết: Do đơn hàng dồi dào cho nên thu nhập của công nhân bình quân từ 10 đến 13 triệu đồng/tháng. Nhờ thu nhập tăng đã thu hút thêm người làm việc, bảo đảm các chế độ quy định, nhất là lao động mới vào giúp công ty duy trì sản lượng, năng suất tăng cao.

Khó “săn” lao động ngành may

Cùng với sự gia tăng đơn hàng may mặc giúp các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ phát triển thị trường là nỗi lo thiếu hụt lớn lao động, nhất là công nhân có thâm niên và tay nghề. Sau đợt dịch, một lượng lớn lao động đã chuyển nghề, thậm chí lựa chọn về quê làm việc khiến thị trường ngành may thiếu hụt lớn nguồn lao động.

Do đơn hàng tăng cao cho nên Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân) đang tuyển gần 100 lao động để đáp ứng kế hoạch mở thêm một chuyền sản xuất vì đơn hàng từ đối tác tăng. Ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng Nhân sự công ty cho biết: Cuối năm 2023, công ty có gần 350 công nhân với sáu chuyền may và từ đầu năm 2024 mở rộng thêm ba chuyền nữa với 470 công nhân.

Việc mở rộng chuyền sản xuất vừa nằm trong kế hoạch phát triển thị trường của công ty này, vừa nhằm đáp ứng nhu cầu đơn hàng tăng cao từ thị trường Mỹ. Tuy nhiên ông Sơn băn khoăn: Hiện công ty muốn đầu tư thêm một chuyền sản xuất nữa nhưng thiếu công nhân. Nguyên nhân vì công nhân có tay nghề rút về quê sau đợt dịch Covid-19, số còn lại cũng chuyển qua làm công việc khác vì có một thời kỳ các doanh nghiệp may mặc thiếu hụt đơn hàng kéo dài khiến họ phải cắt giảm công nhân, nay cần lại phải tuyển dụng.

Sau khi tung hết các hình thức tuyển dụng, Công ty TNHH May mặc Triple Việt Nam vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần tìm cho nên công nhân đã làm việc tăng ca đến 20 giờ 30 phút hằng ngày để đáp ứng tiến độ sản xuất. Bộ phận nhân sự của công ty này đã phải trực tiếp đến các địa phương như Cà Mau, Đồng Tháp để tìm kiếm ứng viên mới.

Đại diện phòng nhân sự công ty cho biết, phần lớn công nhân của công ty quê ở Cà Mau cho nên công ty thuyết phục họ kết nối, giới thiệu những người cùng quê vào làm việc với các chế độ phúc lợi tốt, cộng thêm chính sách đào tạo kèm lương đi kèm, hy vọng sẽ có thêm người lao động vào làm việc. Hiện nhân viên công ty đang tìm kiếm công nhân ở các khu trọ, phát tờ rơi quảng bá về chính sách đãi ngộ và nhu cầu tuyển dụng.

Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội May-Thêu-Đan Thành phố Hồ Chí Minh: Từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh vì kinh tế phục hồi, nhu cầu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu khởi sắc, từ đó kéo theo nhu cầu mua sắm tăng, là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp may mặc Việt Nam gia tăng đơn hàng, tăng doanh thu qua đó cải thiện thu nhập của công nhân lao động.

Đến thời điểm hiện tại, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III và đã ký hợp đồng cho quý IV/2024. Các thị trường có đơn hàng may mặc dồi dào là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu... Đây là tín hiệu rất tích cực cho ngành dệt may Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, sau đại dịch Covid-19, nhiều lao động về quê hoặc chuyển sang các ngành nghề khác, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong ngành dệt may.

Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp khi phải tìm cách duy trì và mở rộng lực lượng lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Để khắc phục vấn đề này, các doanh nghiệp cần đưa ra những chính sách tốt nhằm ổn định lực lượng lao động hiện có và thu hút thêm lao động mới như hỗ trợ thêm tiền tăng ca, thưởng hằng tháng và một số chi phí khác cho người lao động; đồng thời liên hệ các trung tâm dịch vụ việc làm kết nối cung cầu lao động ngành may.