ND- Khoảng gần 8 giờ sáng 26-9, hai dầm nối ba trụ số 13, 14, 15 cầu dẫn công trình cầu Cần Thơ phía tỉnh Vĩnh Long vừa đổ bê-tông xong cách đó vài ngày bị sập (tổng chiều dài bị sập khoảng 80m). Khi giàn giáo bị sập, tất cả công nhân ở phía trên đã bị kéo tuột xuống. Thời điểm xảy ra sự cố có khoảng 250 - 260 công nhân và kỹ sư của liên danh ba nhà thầu Nhật Bản Taisei - Kajima - Nippon Steel Engineering đang làm việc tại hiện trường.
Tính đến 19 giờ ngày 26-9 đã có 59 người chết và 186 người bị thương.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, do hệ thống giàn giáo cao 30 m đỡ đoạn dầm cầu trên bị yếu nên sập, kéo theo giàn bê-tông.
Tiếp xúc một số công nhân thi công cầu, chúng tôi còn được biết, ngoài nguyên nhân là hệ thống giàn giáo yếu, có thể cầu sập còn do nguyên nhân từ địa chất của khu vực cầu, vì trong mấy ngày gần đây mưa nhiều, đất chung quanh khu vực thi công cầu bị lún. Một công nhân khác kể rằng cách đây một tuần, trong khi đang làm việc, anh đã thấy nhịp cầu bị rung.
Một cán bộ đội thi công ở nhịp cầu giữa sông kể lại: "Khi đội của chúng tôi đang làm việc, bỗng một tiếng ầm rất lớn vang lên phía công trình đầu cầu. Bụi mịt mù kèm theo tiếng la hét của hàng trăm người. Cảnh tượng thật hãi hùng, Các khối bê-tông khổng lồ đổ xuống. Nhiều người chới với bám vào các thanh giằng.
Tại hiện trường, rất nhiều thân nhân của người bị nạn có mặt, không khí rất hoang mang, thất thần trước cảnh tượng thảm khốc. Theo một số công nhân thoát nạn, hiện vẫn còn rất nhiều người bị kẹt trong đống đổ nát và rất ít khả năng sống sót.
Công tác cứu hộ đang tiếp tục rất khẩn trương. Hai tỉnh Cần Thơ và Vĩnh Long đã huy động tất cả các lực lượng, tuy nhiên phương tiện rất thiếu. Ðã thấy có nhiều bàn tay của công nhân thò ra ngoài đống đổ nát. Một người tham gia cứu hộ cho biết còn nghe thấy tiếng gõ của nạn nhân qua lớp bê-tông...
Hoạt động cứu hộ đang được khẩn trương thực hiện. Hầu hết các ban, ngành đã được huy động. Các bác sĩ cấp cứu nạn nhân tại chỗ. Hàng trăm nhân viên Công ty cổ phần Dược Hậu Giang tham gia hiến máu để ứng cứu nạn nhân. Lực lượng công an và bộ đội phong tỏa khu vực xảy ra tai nạn.
Các biện pháp cứu hộ chỉ thực hiện được từ xa (dùng cần cẩu cẩu bê-tông, sắt thép cứu người bị kẹt), do khu vực chung quanh nhiều nhịp cầu có nguy cơ sập tiếp, không thể điều thêm nhân lực vào trong cứu trợ. Ðất ở khu vực đầu cầu vẫn đang tiếp tục bị lở.
Xã Mỹ Hòa, nơi xảy ra dầm cầu sập và cũng là nơi có nhiều công nhân tham gia công trình này chìm trong không khí tang tóc. Hàng nghìn người tập trung ở chân cầu nghe ngóng thông tin về người thân. Ông Nguyễn Minh Tâm, nhà gần chân cầu đau đớn cho biết, ba người thân của gia đình ông đã chết tại trụ cầu sáng nay.
Các đơn vị cứu hộ dùng cẩu để đưa các vật nặng ra ngoài. Mọi việc diễn ra rất chậm và cẩn thận vì xác định còn rất nhiều người ở phía dưới. Có nhiều khâu bốc dỡ, lực lượng cứu hộ đã phải làm bằng tay, cùng với sự có mặt kịp thời của đội ngũ y sĩ, bác sĩ, tại các bệnh viện ở Cần Thơ; các lán trại y tế được dựng lên ngay hiện trường.
Do đống đổ nát quá lớn, nên có rất ít người bị kẹt được cứu ra. Lúc 11 giờ 15 phút, một công nhân trẻ bị kẹt dưới đống sắt thép, bê-tông được đưa ra. Trong lúc thất thần, anh ta không nhớ mình tên gì. Ðến khi các bác sĩ lục được trong túi quần có thẻ nhân viên mới biết được người đó là Ðỗ Văn Lưu.
Tại Trung tâm y tế huyện Bình Minh (Vĩnh Long), chúng tôi ghi nhận có 5 trường hợp trở về từ cõi chết. Anh Nguyễn Hùng Việt, đội trưởng đội bảo vệ tại công trình kể lại: lúc đang quan sát dưới gầm cầu thì nghe tiếng răng rắc, rồi giàn giáo bị xé, anh đã kịp chạy đến trụ bê-tông chân cầu. Lúc này cát rơi xuống như mưa, anh may mắn được lưới bao bảo vệ phía dưới che chắn. Khi biết cầu bị sập, anh cố kêu cứu nhưng không ai nghe. Cuối cùng anh quyết định len qua kẽ các thanh sắt để chui ra ngoài. Anh Vũ Văn Cường, giám sát công trình bị rơi theo đống gạch đá sống sót, ôm mặt khóc: "Lúc bị kẹt phía dưới, tôi nghe rất nhiều tiếng kêu cứu. Khi mọi người đang huy động lực lượng, máy móc ứng cứu, thì một công nhân trẻ vẫn còn gọi về cho mẹ thảng thốt "mẹ ơi cứu con!". Hàng nghìn người dân đến theo dõi tại hiện trường đều cầu nguyện cho những người còn kẹt phía dưới.
Trong khuôn viên bệnh viện, hàng chục công nhân sống sót tụ tập, ngóng tin của các anh em bên trong phòng cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Ba ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) kể lại: Lúc đó đội tôi đang ở trong kho vật liệu thì nghe "sầm" một cái. Trụ cầu đổ gục. Hàng chục người rớt xuống đoạn gãy như hình phễu rồi bị vùi trong đó. Người nào không bị vùi thì cũng bị sắt thép đánh văng ra hàng chục mét. Chúng tôi ra sức đào bới, ôm từng người ra khỏi chỗ kẹt.
Không ít gia đình có hai, ba thân nhân bị nạn. Gia đình anh Lê Tuấn Em có bốn người làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ, gồm cha, chú và hai anh em của Tuấn Em thì có đến hai người bị nạn. Và còn rất nhiều gia đình khác hiện vẫn chưa biết tình hình thân nhân của mình.
Ban quản lý dự án Mỹ Thuận yêu cầu được cung cấp thêm các thiết bị và phương tiện chiếu sáng để tăng cường làm việc bốn ca, khắc phục hậu quả.
Nhiều người đã nhìn thấy những cánh tay của công nhân bị nạn vẫy ra ngoài, kể cả âm thanh phát tiếng (dùng đá đập vào các khối bê-tông) để gây sự chú ý cho các đơn vị cứu nạn. Mọi người có mặt đều bày tỏ sự lo âu các nạn nhân sẽ bị mất máu nhiều do bị các mảng bê-tông đè và nguy cơ tử vong là có thể xảy ra.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thành ủy và UBND thành phố Cần Thơ đã dừng ngay các cuộc họp, phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 9, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, các bệnh viện trên địa bàn hai tỉnh tổ chức lực lượng, phương tiện ứng cứu người bị nạn. Chính quyền TP Cần Thơ huy động toàn bộ phương tiện cấp cứu, khẩn trương cứu hộ các nạn nhân bị kẹt trong các giàn giáo. Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo công tác ứng cứu các nạn nhân còn bị kẹt trong giàn giáo, dầm cầu dẫn, không khí cứu hộ rất khẩn trương cả trên bộ và trên sông. Lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, các doanh nghiệp vận tải thủy, ca-nô du lịch đều tham gia chở công nhân bị tai nạn từ hiện trường tập kết về bến Ninh Kiều. Tại đây, các Bệnh viện đa khoa Trung ương, Bệnh viện TP Cần Thơ, Bệnh viện Quân y 121 Quân khu 9, Bệnh viện đa khoa Tây Ðô, Bệnh viện đa khoa Vĩnh Long đã huy động toàn bộ xe cứu thương chở nạn nhân về bệnh viện cấp cứu. Tất cả các bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ được đặt trong tình trạng cấp cứu khẩn cấp. Bệnh viện Chợ Rẫy cử ba kíp mổ về tăng cường cho các bệnh viện trên địa bàn TP Cần Thơ. Có gần một nghìn nhân viên y tế, dân quân, tự vệ, bộ đội, công an tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Tính đến 17 giờ 30 phút cùng ngày, các bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu 116 nạn nhân, trong đó có 17 nạn nhân bị thương rất nặng, 37 người chết. Phần lớn các nạn nhân bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, chấn thương ngực, vỡ gan, vỡ lách, gãy xương đùi... nhiều người trong tình trạng nguy kịch vì bị mất nhiều máu. Thanh niên trên địa bàn quận Ninh Kiều tình nguyện hiến 100 đơn vị máu, 40 sinh viên các lớp bác sĩ dân y các khóa 11, 12 và 13 của Bệnh viện 121 Quân khu 9 tình nguyện hiến máu cứu các nạn nhân bị thương.
Sở Y tế tỉnh Cần Thơ huy động toàn bộ lượng máu, thuốc dự trữ để phục vụ công tác cấp cứu và điều trị. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 100 nhân viên của Xí nghiệp Dược Hậu Giang tình nguyện cho máu cấp cứu.
Bác sĩ Giăng Mac-xen Guy-lông, Tổng Giám đốc Bệnh viện FV (TP Hồ Chí Minh) đã trực tiếp chỉ đạo nhóm bác sĩ và điều dưỡng của bệnh viện tới Cần Thơ để kịp thời hỗ trợ cấp cứu và chăm sóc các nạn nhân.
Công ty Dutch Lady Vietnam tổ chức lực lượng tình nguyện cấp tốc đến hiện trường và các bệnh viện để cung cấp sữa uống cho các nạn nhân, thân nhân cũng như các lực lượng tham gia cứu nạn.
* Chiều 26-9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã có mặt ở hiện trường trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Sau khi thị sát hiện trường, thăm hỏi và động viên lực lượng đang tiến hành cứu nạn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ tập trung lực lượng, phương tiện tiến hành cứu người ngay cả trong đêm; tập trung thuốc men, phương tiện y tế cứu chữa người bị nạn, lo hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân.
Tối 26-9, tại hiện trường, phóng viên đã phỏng vấn trực tiếp Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: Công tác tìm kiếm cứu nạn phải liên tục, không được ngừng, phải tìm kiếm đến khi nào không còn ai trong đống đổ nát. Việc tìm kiếm cứu nạn phải bảo đảm không để gây thêm thương vong đối với những người trong đống đổ nát và cả với người tham gia cứu nạn. Do mặt bằng hiện trường có hạn, các máy đem vào cứu nạn phải là máy chuyên dùng chứ không hề thiếu cần cẩu như một số thông tin; phải huy động mọi nguồn lực, mọi thiết bị để cứu chữa những người bị nạn; tổ chức chu đáo việc mai táng, hoặc phối hợp với thân nhân đưa những người bị tử nạn về quê theo yêu cầu của thân nhân họ; phải đảm bảo không được thiếu thuốc, thiếu thiết bị để chạy chữa cho những công nhân bị thương.
Ðồng chí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Giao thông vận tải đề nghị cơ quan, các cấp, các ngành và các doanh nghiệp hỗ trợ về vật chất cho thân nhân những người chết và bị thương. Tính đến tối 26-9, Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ 5 triệu đồng cho gia đình có người chết, 3 triệu đồng đối với người bị thương nặng, 1 triệu đồng đối với người bị thương nhẹ; Liên danh nhà thầu Nhật Bản hỗ trợ 6 triệu đồng cho gia đình có người bị chết, 2 triệu đồng đối với người bị thương nặng và 1 triệu đồng với người bị thương nhẹ; Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 hỗ trợ 100 triệu đồng; Công ty cổ phần xây dựng 586 hỗ trợ 100 triệu đồng...
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đến Bệnh viện Quân y 121 (Quân khu 9) thăm hỏi những công nhân bị thương nặng. Tại bệnh viện, đồng chí Phó Thủ tướng đánh giá cao công tác cứu hộ, cả tập thể y sĩ, bác sĩ làm việc tận tụy, liên tục, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cứu chữa, không để xảy ra quá tải khi cấp cứu các nạn nhân. Ðồng chí Phó Thủ tướng lưu ý công tác cứu chữa nạn nhân không những phải cứu sống mà phải làm sao để họ không bị tàn tật sau khi hồi phục. Ðồng chí Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giao thông vận tải và đồng chí Bí thư Thành ủy Cần Thơ cùng hiến máu.
* Các bộ, ban, ngành và nhiều địa phương cũng đang góp sức cùng với Cần Thơ và Vĩnh Long khắc phục hậu quả của vụ tai nạn bi thảm này.
Trung tướng Phạm Nam Tào, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Công an với sự tham gia của các cục nghiệp vụ xuống ngay hiện trường vụ tai nạn để chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như lập hồ sơ điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân khu 9 tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện mức cao nhất để tham gia cứu nạn. Quân khu 7, Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Công binh chuẩn bị các đội cứu nạn chuyên ngành sẵn sàng tham gia cứu nạn.
Cục Cứu hộ-Cứu nạn, Bộ Quốc phòng cử đồng chí Phó Cục trưởng và cơ quan đến trực tiếp hiện trường để phối hợp các lực lượng nắm tình hình và chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn.
Ðoàn Chủ tịch Tổng LÐLÐ Việt Nam gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân bị thương và gia đình những người tử nạn. Tổng LÐLÐ Việt Nam chỉ đạo LÐLÐ tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ cùng các cấp công đoàn trên địa bàn tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương cứu chữa nạn nhân, tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân bị thương và gia đình người bị tử nạn.
Cùng với việc ưu tiên số một về người, phương tiện, thuốc men để cứu hộ, cứu nạn cho các nạn nhân ngay chiều ngày 26-9, tỉnh Vĩnh Long đã xuất ngân sách hỗ trợ mỗi gia đình có người bị chết 2 triệu đồng, mỗi người bị thương nặng 1 triệu đồng, mỗi người bị thương nhẹ 500 nghìn đồng.
Thành ủy, HÐND và UBND thành phố Hà Nội quyết định trích ngân sách 300 triệu đồng giúp đỡ các nạn nhân bị thương và gia đình người tử nạn.
Bộ trưởng Y tế quyết định thành lập tổ công tác trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả do Thứ trưởng Trần Chí Liêm, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế làm tổ trưởng. Tổ công tác chỉ đạo toàn bộ công tác thu dung, vận chuyển, cấp cứu và điều trị cho người bị nạn.
Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) là đơn vị thu xếp bảo hiểm cho cầu Cần Thơ vừa bị sập sáng 26-9. Theo hợp đồng bảo hiểm cho cầu Cần Thơ ký giữa PVI và Ban Quản lý dự án, mọi tổn thất trực tiếp, bất ngờ và không lường trước được trong quá trình thi công công trình chính và cầu dẫn đều thuộc phạm vi bảo hiểm. Tổng giá trị hợp đồng bảo hiểm lên tới hơn 3.210 tỷ đồng, tương đương 100% giá trị các hạng mục được bảo hiểm.
Sau khi sự cố xảy ra PVI đã chỉ định công ty giám định quốc tế tới hiện trường để giám định thiệt hại. Trên cơ sở nguyên nhân và tổn thất thực tế được xác định, PVI sẽ thực hiện trách nhiệm của mình. PVI cho biết sẽ hỗ trợ thông qua Ban Quản lý dự án cho các trường hợp chết và bị thương.
Ghi nhanh của nhóm phóng viên tại Cần Thơ
Dưới đây là một số hình ảnh do PV báo Nhân Dân Lê Đình Nguyên ghi tại hiện trường:
|
Các tin liên quan
* Chủ tịch nước chỉ đạo khẩn trương tìm kiếm
các nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ
* Sập hai dầm nối ba trụ cầu Cần Thơ
* Ngành y tế tham gia cấp cứu nạn nhân vụ sập cầu Cần Thơ
*Lập tổ công tác y tế khắc phục hậu quả do sập giàn giáo của công trình xây dựng cầu Cần Thơ