Đọc sách: Nhà rông Tây Nguyên

Cặp đôi tác giả này từng quen biết với bạn đọc qua cuốn sách ảnh Nhà mồ Tây Nguyên (NXB Thế giới, 2002), nay lại dẫn chúng ta tiếp tục hành trình qua 66 buôn làng đồng bào các dân tộc Ba-na, Brâu, Cơ-tu, Gia Rai, Gié Triêng, Rơ-măm và Xơ-đăng miền Trường Sơn - Tây Nguyên, ngắm nhà rông và dự phần sinh hoạt phong phú, lắm vẻ, đặc sắc của đồng bào từng dân tộc cởi mở và mến khách, với sách ảnh Nhà rông Tây Nguyên (tiếng Việt và tiếng Anh, NXB Thế giới, 2007).

Nhà mồ là nơi "hồn" còn ở tạm, nên kiến trúc mang tính tượng trưng, chỉ là mái che dựng trên hệ cột, làm hậu cảnh cho các tác phẩm tượng nhà mồ tạc gỗ nổi bật nói về khát vọng cường tráng, sinh sôi của thế giới người đang sống. Nhưng nhà rông thì trái lại, là kiến trúc tiêu biểu nhất của mỗi buôn làng, cho xứng là ngôi nhà chung của làng, nơi hội họp bàn việc lớn làm ăn sinh sống, dạy bảo con cháu kinh nghiệm làm ăn, phép tắc cư xử, luật tục của làng, nơi hòa giải các va chạm dân sự trong làng, nơi đêm đêm bên bếp lửa người già kể trường ca, trai gái say hát múa. Nơi mở hội tưng bừng với rượu cần và các trò vui...

Nhà rông bao giờ cũng đặt ở nơi đất đẹp nhất trong làng, kiến trúc bề thế, vững chãi, chạm khắc trang trí công phu. Nhà rông nào cũng được đồng bào tác tạo bằng thứ gỗ bền chắc nhất có thể khai thác được; cất dựng, chạm khắc bởi những bàn tay tài khéo nhất của làng, theo mẫu nhà rông ông bà truyền dạy.

Ngắm 420 bức ảnh mầu và đen trắng, và đọc thuyết minh, bạn đọc có thể cảm nhận kiểu dáng chung gợi hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên và sự bình dị, ấm áp của không gian trong nhà, nhưng phong phú và đa dạng về kiểu dáng, về kết cấu nhà rông của từng dân tộc.

Những sắc mầu văn hóa lắm vẻ của các dân tộc còn hiện ra trên những bức ảnh đặc tả trang trí nội thất, trang phục, trang sức, tượng tròn, nhạc cụ; những nghề thủ công; những cảnh sinh hoạt cộng đồng: tiếp khách, rượu cần, vui chơi, và tưng bừng lễ hội...

Nhà rông là của mỗi buôn làng, nhà rông cũng là một đặc sắc thuộc về vốn văn hóa quốc gia. Ðời sống công nghiệp và thương mại đang phát triển sâu rộng ở Tây Nguyên, làm biến đổi nhanh chóng cả cung cách làm ăn sinh sống lẫn không gian văn hóa cổ truyền ở các buôn làng. Giống như cồng chiêng, nhà rông đang đứng trước nguy cơ bị biến dạng và mai một. Ðó là lời cảnh báo của các tác giả, với hy vọng các địa phương Tây Nguyên sớm có được những chương trình bảo tồn nhà rông trước khi đặc sắc văn hóa này phần nhiều chỉ được thấy trên sách ảnh.

Có thể bạn quan tâm