Xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường có dân số hơn 3.000 người, tập trung tại tám bản, trong đó bảy bản là người Dao đầu bằng sinh sống. Người Dao ở Hồ Thầu có nhiều lễ hội tâm linh độc đáo như: Lễ Cấp sắc, lễ Cúng rừng, lễ Cầu mùa, lễ cúng Hồn lúa… và một trong những nghi lễ huyền bí được dân bản coi trọng là lễ Nhảy lửa.
Năm nay, lễ Nhảy lửa được tổ chức tại bản Sì Thâu Chải, là bản du lịch cộng đồng của xã Hồ Thầu. Người được cộng đồng người Dao ở Sì Thâu Chải chọn làm chủ lễ lần này là thầy Phàn A Nao. Nghe bà con Sì Thâu Chải kể lại, thầy Phàn A Nao là người có uy tín, là vị thầy cao tay đã làm chủ nhiều nghi lễ quan trọng của đồng bào người Dao ở Hồ Thầu.
Thầy Phàn A Nao cho biết: Để chuẩn bị cho lễ Nhảy lửa năm nay, bản tuyển chọn bảy chàng trai có phẩm chất tốt, là con, em của các gia đình văn hóa tiêu biểu. Một tiêu chuẩn đinh khi tham gia lễ Nhảy lửa là các chàng trai bắt buộc phải là những người đã trải qua lễ Cấp sắc, có nghĩa người đàn ông đã trưởng thành được cộng đồng công nhận.
Lễ Nhảy lửa của người Dao Hồ Thầu thường diễn ra vào cuối năm, khi thời vụ đã xong, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch đến hết tháng giêng năm sau. So với nhiều nghi lễ khác, Nhảy lửa là lễ được tổ chức đơn giản hơn. Phẩm vật chính trong lễ là một bát nước lã để trên bàn thờ, cùng với mâm lễ có thủ lợn, gà luộc, rượu, tiền, vàng giấy... Lễ Nhảy lửa diễn ra theo dòng họ, họ nào được tổ chức thì chuẩn bị đồ lễ. Lễ Nhảy lửa diễn ra ở không gian rộng, thường sẽ ở trung tâm của bản.
Thời gian tổ chức lễ Nhảy lửa diễn ra bắt đầu khi chiều tà, lúc mặt trời chưa lặn, thầy cúng sẽ mời các vị thần về dự, với mong cầu, ban phát sức mạnh cho những thành viên tham gia nhảy lửa. Khi lửa đã cháy, lời mời của thầy cúng được chấp nhận, các chàng trai bắt đầu nhảy, họ cứ nhảy cho đến khi lửa tắt, than tàn. Có một điểm đặc biệt, mặc dù họ nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần, hoa than đỏ rực, các chàng trai như “tắm” trong lửa nhưng không ai bị bỏng hay phồng rộp; họ như chơi đùa với lửa, mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Trong tiếng hò reo và tán thưởng của người đứng xem, các chàng trai dường như càng được truyền thêm nguồn sức mạnh kỳ lạ.
Các vị cao niên người Dao đã từng tham gia lễ Nhảy lửa cho rằng, phải là những thanh niên có tâm hồn trong sáng, được thần linh che chở, khi nhảy vào lửa sẽ an toàn. Và khi đã được làm phép, các chàng trai sẽ được ban tặng lòng dũng cảm, sự tự tin và được thần linh che chở, bảo vệ. Khi nhảy lửa, họ như thấy được chung quanh mình là những vị thần giúp họ vượt qua những nguy hiểm để tồn tại và mưu sinh; trong đó, vị thần tối cao là thần lửa và lửa mang đến sự may mắn, sự ấm no cho bản mường. Một người có thể tham gia nhảy lửa nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới, điều đó như khẳng định sức mạnh của người đàn ông dân tộc Dao không có trở ngại nào là không thể vượt qua.
Lù A Páo 17 tuổi, lần đầu tiên được tham gia nhảy lửa, Páo chia sẻ: “Sau khi làm lễ, mình có cảm giác trong người lạnh lạnh. Thế nên, thấy lửa là thấy trong người rạo rực, muốn lao vào lăn, vờn cùng lửa. Cứ thấy lửa cháy, trong người càng thấy sảng khoái. Trong khi “tắm lửa”, mình như được thần lửa dẫn đi, khi đó bản thân cũng không biết là mình đang lao vào lửa bỏng!”.
Sau khi lửa tàn, thầy cúng sẽ tập hợp các chàng trai về chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới chung vui với dân bản và cầu mong các vị thần ban cho dân làng được ấm no, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Kết thúc lễ, thầy cúng phải giải lễ để các chàng trai trở về thành người thường. Tương truyền, nếu thầy cúng mà không giải lễ để các chàng trai ra về, thì gặp lửa ở đâu họ cũng muốn nhảy vào.
Lễ Nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn với tâm linh và khá độc đáo của đồng bào Dao đầu bằng ở Hồ Thầu. Với quan niệm thần lửa là vị thần linh thiêng nhất, lửa mang lại sự ấm áp, thần lửa mang lại cho dân an vật thịnh, xua đuổi điều xui, đẩy lùi bệnh tật và mang sức khỏe cho cộng đồng