Là người phụ trách đoàn nghệ nhân người Ba Na, anh Đinh Mỡi, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện K’Bang cho biết, lễ cưới là sự kiện quan trọng của người Ba Na, có sự chứng kiến, công nhận của cả cộng đồng, và những người quan trọng trong làng, trong gia đình.
Anh Đinh Mỡi cho biết, trai gái người Ba Na đến tuổi tìm hiểu nhau sẽ tìm gặp, làm quen và được sự thông qua của ông mai. Khi đôi trai gái muốn về ở với nhau, ông mai sẽ họp mặt ông mối phụ, già làng và gia đình hai bên, để xét xem đã đủ tuổi chưa, xem hai trẻ đi lại với nhau lâu dài chưa, xin gia đình hai bên cho phép về ở với nhau.
Khi hai gia đình đã đồng ý, ông mai và cả hai bên sẽ rà soát xem hai bên có liên quan đến huyết thống, họ hàng không, và sẽ tổ chức bên nhà gái hay nhà trai trước. Với các cặp lấy nhau cùng trong làng, thường sẽ cưới ở nhà gái trước, sinh sống khoảng 2-3 năm bên nhà gái, khi sinh con đẻ cái, rồi chuyển sang nhà trai ở tiếp năm sau, rồi lại chuyển về nhà gái… Chuyển qua chuyển lại như thế khoảng vài năm, đến khi hai vợ chồng đủ khả năng tự lấy gỗ dựng nhà cho mình, sẽ được ra ở riêng. Anh Đinh Mỡi cho biết, sở dĩ có chuyện ở luân phiên hai bên như vậy là để bày tỏ lòng biết ơn cha mẹ hai bên đã sinh thành, nuôi nấng cả hai trưởng thành như ngày hôm nay. Người Ba Na không quan trọng giàu hay nghèo, chỉ cần tìm người siêng năng, khỏe mạnh và trung thực. Người Ba Na cũng duy trì chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.
Khi lễ cưới được định ngày, cả làng sẽ cùng nhau chuẩn bị từ sáng sớm. Ngoài rượu cần, heo, gà, nhất thiết phải có đôi khăn, cuộn chỉ... để đôi trai gái trao nhau ngày cưới. Những lễ vật quan trọng trong lễ cưới gồm có 2 xâu thịt heo và gan heo, 2 khăn choàng truyền thống của 2 bên gia đình treo trên 2 con dao gỗ. Theo quan niệm xưa, mọi xích mích giữa hai người phải giải quyết xong hết trước lễ cưới, nếu trong lễ cưới vẫn còn xích mích, cô gái phải lấy khăn choàng đó treo cổ, chàng trai phải lấy dao tự đâm mình.
Các vật thiêng được ông mối treo lên cây cột gưng ở giữa nhà rông. Đây là cây cột thiêng, thường đặt ở giữa nhà rông, là nơi thờ cúng chung của làng hoặc của gia đình (nếu đặt trong nhà). Đôi trai gái sẽ trao cho nhau vòng tay, khi đã nhận vòng của nhau, hai người sẽ không được phép có quan hệ yêu đương khác nữa. Ông mối đọc lời thề rằng nếu chàng trai bỏ cô gái hoặc ngược lại, sẽ phải đền một con trâu, một tạ heo và 50 ché rượu.
Khi rước chú rể về đến nhà gái, đằng gái sẽ chuẩn bị trước một chiếc cuốc trên đó đặt một cây nến, chú rể sẽ bước qua trước, cô dâu bước qua sau, dùng chân dập tắt cây nến, coi như hai người đã trở thành vợ chồng. Một người sẽ trải tấm chiếu mới để hai vợ chồng cùng ngồi làm lễ.
Ông mối đọc lời thề rằng nếu chàng trai bỏ cô gái hoặc ngược lại, sẽ phải đền một con trâu, một tạ heo và 50 ché rượu.
Sau khi đôi trai gái trao vòng cho nhau, chính thức trở thành vợ chồng, dân làng cùng nhau uống rượu, ăn thịt, nhảy múa suốt từ chiều đến đêm để mừng và chúc phúc cho đôi vợ chồng mới.
Điều đặc biệt trong lễ cưới của người Ba Na là mọi người sẽ mang theo nến trong lễ rước dâu từ nhà đến nhà rông và từ nhà rông về nhà gái. Nến bằng sáp ong do gia chủ chuẩn bị. Ai cũng phải cố gắng giữ ngọn nến không tắt trong suốt chặng đường để cầu cho cô dâu và chú rể sống với nhau tới đầu bạc răng long.
Điểm đặc biệt của lễ cưới là trong đêm tân hôn, cô dâu và chú rể không được ngủ mà cùng nhau thức để giữ cho ngọn nến của mình sáng hết đêm. Ai đi ngủ trước sẽ bị xem là yểu mệnh. Đôi vợ chồng mới cưới chỉ đi ngủ khi gà gáy sáng, họ mới đi ngủ. Việc thức cùng nhau cả đêm tượng trưng cho sự đồng hành cùng nhau đến cuối đời.
Những nét độc đáo, thú vị trong sự kiện tái hiện lễ cưới của người Ba Na thu hút khá đông du khách tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam. Sau khi kết thúc lễ cưới, rất nhiều du khách đã tham gia vòng xoang, uống thử rượu cần, chung vui với đoàn nghệ nhân.