Độc đáo kịch đọc

Trong không gian nhỏ ấm cúng, không có bục bệ sân khấu, cũng không có sự xuất hiện của diễn viên, chỉ có những người thưởng thức tập trung lắng nghe từng tiếng nấc, hơi thở, giọng nói, tiếng cười... được thể hiện bởi những người đọc giấu mặt, để rồi phiêu diêu theo mạch kịch, khám phá những miền xúc cảm bất tận... Đó là sự độc đáo làm nên sức hấp dẫn của kịch đọc - dạng thức trình diễn kịch mới mẻ đang được Sân khấu Hồng Hạc (Thành phố Hồ Chí Minh) tiên phong thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Đạo diễn Việt Linh (ngoài cùng bên trái) và ê-kíp thực hiện kịch đọc của Sân khấu Hồng Hạc. (Ảnh HỒNG HẠC)
Đạo diễn Việt Linh (ngoài cùng bên trái) và ê-kíp thực hiện kịch đọc của Sân khấu Hồng Hạc. (Ảnh HỒNG HẠC)

Dù mới chỉ được chính thức giới thiệu tới khán thính giả từ đầu tháng 6/2024 nhưng tới thời điểm này, Sân khấu Hồng Hạc đã kịp ra mắt ba vở kịch đọc với ba nội dung hoàn toàn khác biệt, đó là các vở: “Thiên Thiên” (dựa theo truyện ngắn “Hạnh phúc là cùng” của Vũ Hồi Nguyên và “Xoa” của Tăng Song Nam); “Visa” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Hải Miên); và “Diễn viên hạng ba” (dựa theo truyện ngắn cùng tên của Lý Lan). Thông qua kịch đọc cùng những câu thoại sâu sắc, khơi gợi rung cảm, các tác phẩm văn học đã tìm được cách tiếp cận mới để “chạm” vào trái tim công chúng.

Kịch đọc của Sân khấu Hồng Hạc khác kịch nói thông thường ở chỗ thiếu hẳn phần nhìn; khác kịch truyền thanh ở chỗ có nhiều tiếng động, âm nhạc hơn và do các diễn viên chuyên nghiệp trực tiếp thủ vai. “Bà bầu” của Sân khấu Hồng Hạc - đạo diễn Việt Linh cho biết, bà tới kịch đọc lần đầu tiên ở Nga. “Khi đó, vốn tiếng Nga chưa đủ để hiểu hết nội dung, nhưng nghe giọng đọc và nhìn thấy gương mặt diễn viên, tôi đã rất ấn tượng.

Sang Pháp, có vài lần thấy các anh chị Việt kiều tổ chức đọc kịch Việt Nam và về sau có nhiều dịp tiếp xúc với kịch đọc chuyên nghiệp Pháp, tôi thấy mê hơn, nghĩ mình có thể làm ở Việt Nam”, đạo diễn Việt Linh bày tỏ. Đó là lý do nữ đạo diễn của những bộ phim điện ảnh nổi tiếng như “Dấu ấn của quỷ”, “Chung cư”, “Mê Thảo-Thời vang bóng”... quyết định đưa kịch đọc về Việt Nam. Đây cũng là hướng đi phù hợp mục tiêu lan tỏa văn học của Sân khấu Hồng Hạc.

Khi làm kịch đọc ở Việt Nam, nữ đạo diễn đã có những điều chỉnh, sáng tạo riêng. Thay vì để khán giả nhìn thấy người đọc như kịch đọc tại nước ngoài, Hồng Hạc “giấu” diễn viên trong suốt quá trình diễn ra vở, để trao cho khán/thính giả sự tưởng tượng tuyệt đối, giúp khán giả được tự do suy tưởng theo mạch kịch và khám phá thế giới nội tâm rộng mở của chính mình.

Trong kịch đọc, phần nhìn không hiện hữu nên để chuyển tải sâu sắc nhất diễn biến, thông điệp của vở diễn bằng âm thanh là thách thức không nhỏ với ê-kíp sáng tạo. Ngay từ khâu lựa chọn kịch bản cũng cần dựa trên những tác phẩm văn học có nhiều đối thoại hay, nội dung kịch tính sâu sắc, đủ sức thu hút sự tập trung của thính giả. Thời lượng của các vở cũng ngắn hơn so với kịch thông thường vì không có di chuyển cảnh trí trên sân khấu.

Thêm nữa, gọi là kịch đọc song không phải nhìn chữ đọc thành tiếng mà là diễn xuất qua giọng nói sao cho khán giả rung cảm cùng nhân vật nên đòi hỏi nội lực đặc biệt của diễn viên. Nói như nghệ sĩ Võ Minh Lâm, người diễn kịch đọc bị tước hết các lợi thế về nhan sắc, phong dáng, trang phục..., vì thế phải vận dụng hết “công lực” của giọng nói, chưa kể nếu không tập trung sẽ rất dễ trôi chữ, đứt mạch cảm xúc...

Nói về việc tuyển chọn diễn viên cho các vở kịch đọc, đạo diễn Việt Linh cho biết: “Công thức của chúng tôi là sự phù hợp và hứng thú. Tùy theo nội dung từng vở mà chúng tôi mời các diễn viên tương thích, và rất vui khi hầu hết diễn viên đều nhận lời hợp tác.

Kịch đọc có đặc thù riêng nhưng cũng dựa chủ yếu vào việc thể hiện cảm xúc, nên diễn viên chuyên nghiệp có thể thích nghi sau vài buổi tập”. Vất vả, căng thẳng không kém là những người điều khiển âm thanh. Ngoài yếu tố giọng nói, âm nhạc sáng tác, việc sử dụng vài vệt sáng hiệu quả cũng góp phần giúp kịch đọc của Hồng Hạc tạo ấn tượng với người thưởng thức.

Sau những đêm diễn đầu tiên, ê-kíp thực hiện kịch đọc của Sân khấu Hồng Hạc vô cùng bất ngờ, xúc động khi nhận được sự hưởng ứng tích cực của khán thính giả. Kết thúc mỗi buổi diễn, những tràng pháo tay nồng nhiệt vang lên liên tiếp. Không ai nỡ bỏ về vì còn muốn được gặp mặt, giao lưu với những nghệ sĩ, diễn viên mà trong suốt hơn một tiếng đồng hồ theo dõi vở, người tiếp nhận chỉ được hồi hộp, thổn thức cùng những lời thoại, tiếng khóc, cười... của họ.

Đó là động lực để Sân khấu Hồng Hạc tiếp tục kiên trì với kịch đọc, dù phải đối diện khó khăn thu không đủ chi do giá vé thấp, số lượng ghế không nhiều. Thay vì tăng giá vé sẽ gây khó trong tiếp cận đối với những người thu nhập thấp, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên, Sân khấu Hồng Hạc chọn giải pháp kêu gọi sự tiếp sức của các “mạnh thường quân”. Với những bước đi tiên phong về kịch đọc tại Việt Nam, đạo diễn Việt Linh và Sân khấu Hồng Hạc mong muốn mô hình gọn nhẹ của kịch đọc sẽ có thể lan tỏa, phát triển trong cộng đồng những người yêu sân khấu và văn học, góp phần lan tỏa văn hóa đọc...