Làng gốm Phù Lãng, thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, là làng nghề có truyền thống gần 500 năm lịch sử, cùng với các làng gốm nổi tiếng khác ở xứ Bắc như Bát Tràng (Hà Nội), Chu Đậu (Hải Dương). Xã Phù Lãng là vùng đất có địa thế đẹp với vị trí hướng mặt ra sông, lưng tựa vào đồi núi thấp, giao thông đường sông luôn nhộn nhịp tàu bè qua lại.
Thông thường, du khách đi vào Phù Lãng qua lối rẽ chính từ Quốc lộ 18, hướng đường đi Phả Lại (Hải Dương) nên rất ít người biết đến con đường đẹp lạ và độc đáo ven sông Cầu. Theo đường đi chính vào đầu làng, qua khu trung tâm xã thì du khách được mục sở thị những lò nung gốm truyền thống bên cạnh những sản phẩm do chính những người thợ trong làng tạo ra. Đường ra đê ở cuối làng nên ít người ghé thăm phía bờ sông vì vậy mà không biết là ven sông còn có một kho củi khổng lồ.
Đi dọc ven theo sông Cầu, bắt đầu từ địa phận thành phố Bắc Ninh sẽ là một trải nghiệm thú vị cho du khách khi muốn khám phá vẻ đẹp thanh bình của những làng quê. Đi gần hết huyện Quế Võ, đến xã Phù Lãng, bắt đầu từ thôn Thủ Công, nhiều chồng củi chất cao ngất để dọc hai bên bờ sông. Đây là những loại củi từ các loại cây gỗ tập được chuyển từ các tỉnh Tây Bắc vùng thượng nguồn về dưới xuôi. Củi khô được xếp ngay ngắn trên nền cỏ xanh ven đê, các chồng củi ngay ngắn và chắc chắn, giữa các nhà là có một khoảng trống phân biệt mà không lẫn của nhau, cũng không bao giờ bị mất trộm. Cả một đường củi dài tít tắp uốn lượn theo triền đê tạo nên cảm giác về một cuộc sống no đủ và thịnh vượng của cả một vùng quê.
Ngay nay, dù việc sản xuất đồ gốm đã được hiện đại hóa với nhiều thiết bị máy móc nhưng người dân Phù Lãng vẫn chủ yếu đốt lò bằng củi truyền thống. Cách nung gốm này vừa giữ được màu sắc mộc mạc, tự nhiên của của đất sét, lại không gây ô nhiễm môi trường như dùng than hoặc tốn kém như dùng ga. Vì vậy, khi đến nơi đây, mọi người còn thấy không khí trong lành và không bị ô nhiễm như nhiều làng nghề truyền thống khác.
Xã Phù Lãng có sáu thôn thì thôn Phù Lãng là nơi sản xuất chính, còn các thôn Đoàn Kết, Thủ Công thì làm nghề gốm ít hơn. Năm nay, dù chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều sản phẩm của làng nghề vẫn được yêu thích để chuẩn bị cho ra thị trường trong thời gian tới.
Nằm cách Lục Đầu Giang chưa đầy 5km, đường sông qua làng nghề này luôn nhộn nhịp cảnh trên bến dưới thuyền để người lao động chuyển nguyên vật liệu từ khắp nơi về làng. Hiện nay, người dân vẫn sử dụng dây tời truyền thống để đưa củi và đất từ dưới thuyền lên trên bờ. Mỗi nhóm người một công đoạn, cả làng như một công xưởng sản xuất với đầy đủ các dây chuyền chuyên môn cao. Đi đến đâu trong làng cũng thấy bạt ngàn những lọ, bình, chum, vại, từ các đường lớn đến ngõ nhỏ. Các thành phẩm được xếp dài gọn gàng để lại chuyển đi khắp nơi sau mỗi mẻ ra lò. Gốm Phù Lãng hướng theo dòng thô mộc và dân dã nhưng đa dạng về sản phẩm, mỗi nhà làm một loại hình riêng như gốm trang trí, gốm gia dụng, gốm thờ cúng.
Cuộc sống và xã hội đã có nhiều thay đổi và bộn bề, nhưng dòng sông Cầu nước trong xanh vẫn chảy lơ thơ hòa vào trong gió thu mát dịu. Dòng sông và con đường đê vẫn chở bao ước mơ của người dân lao động - những người thợ làng nghề khéo tay và chăm chỉ về một cuộc sống vui vầy.