Đây là mức tăng thấp nhất trong cả giai đoạn 2016-2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19. Trong đó, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, trong khi doanh nghiệp nhà nước giảm.
Cụ thể, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 659,4 nghìn doanh nghiệp, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp cả nước, tăng 1,8% so năm 2019 và tăng 35% so năm 2016. Số lượng doanh nghiệp FDI là 22,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 3,2% tổng số doanh nghiệp, đây là khu vực có tốc độ tăng số doanh nghiệp nhanh nhất trong ba khu vực, tăng 58,6% so năm 2016. Do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nên số lượng doanh nghiệp nhà nước liên tục giảm trong giai đoạn này, chỉ còn gần 2.000, chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp và giảm 25,1% so năm 2016.
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây thay đổi rõ rệt giữa các khu vực, điều này thể hiện trong việc giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp trong khi tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.
Các doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ luôn có số lượng lớn nhất, chiếm 68,2% trong tổng số doanh nghiệp; khu vực công nghiệp, xây dựng luôn đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế với số lượng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng 30,9%, và doanh nghiệp trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,9%.
Hệ lụy của đại dịch đã kéo theo sự suy giảm tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp và sự sụt giảm mạnh mẽ lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã thu hút thêm 2,3 triệu lao động, nâng tổng số lao động làm việc trong doanh nghiệp lên 15,2 triệu người, với tốc độ tăng bình quân 2,6%/năm.
Tuy nhiên, bước sang năm 2020, xu hướng sụt giảm lao động bắt đầu diễn ra. Số lượng lao động giảm xuống còn 14,7 triệu lao động, giảm 3,1% so năm 2019 và làm giảm tốc độ tăng bình quân năm của cả giai đoạn 2016-2020 xuống còn 1,2%/năm. Đây cũng là giai đoạn có tốc độ tăng lao động luôn thấp hơn tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp, cho thấy một thực tại là các doanh nghiệp có số lao động bình quân ngày càng giảm, số lượng các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tăng nhanh hơn so với số lượng các doanh nghiệp vừa và lớn.
Theo ngành kinh tế, số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng số lao động cả nước. Theo vùng kinh tế, số lượng lao động tập trung chủ yếu tại vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có gần 5,2 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, tăng 5,7% so năm 2016, là mức tăng thấp nhất qua các kỳ tổng điều tra. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ tăng 1,4%/năm, thấp hơn mức tăng bình quân 3,0%/năm trong giai đoạn 2011-2016 và 4,4%/năm trong giai đoạn 2006-2011.
Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của đại dịch Covid-19 dẫn tới tốc độ tăng trưởng số lượng cơ sở cá thể giảm 3,5%, số lượng lao động năm 2020 cũng sụt giảm tới 6% so với năm 2019. Các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phân bố không đồng đều theo các vùng kinh tế, tập trung nhiều nhất tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Riêng khu vực kinh tế tập thể vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn định với số lượng hợp tác xã năm 2020 tăng trưởng và cao hơn mức tăng bình quân chung của cả giai đoạn 2016-2020. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 15,3 nghìn hợp tác xã đang hoạt động sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước, tăng 6,2% so năm trước và tăng 17,5% so năm 2016.