Doanh nghiệp gấp rút phục hồi sản xuất, chuẩn bị cho đơn hàng cuối năm

NDO - Nhanh chóng khắc phục thiệt hại nặng nề do bão số 3, nhiều doanh nghiệp đang khôi phục lại sản xuất để đón đầu nhu cầu tiêu dùng cuối năm.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực tái sản xuất.
Doanh nghiệp công nghiệp nỗ lực tái sản xuất.

Doanh nghiệp nỗ lực quay lại sản xuất

Hải Phòng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn bão số 3 vừa qua và nhiều doanh nghiệp dự báo phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục sản xuất. Mới đây, trong buổi làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, đại diện Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn-Hải Phòng (đơn vị đầu tư hạ tầng cho Khu công nghiệp Tràng Duệ-Hải Phòng) cho biết, do chủ động công tác phòng, chống cơn bão số 3 nên những thiệt hại về tài sản được hạn chế tối đa.

Doanh nghiệp này cũng đồng thời tập trung xử lý giải quyết nhanh chóng hệ thống giao thông, đường điện nước… để doanh nghiệp có thể nhanh chóng quay lại làm việc. Đến nay, tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã quay trở lại hoạt động bình thường.

Cùng với ngành sản xuất công nghiệp, các ngành nông nghiệp cũng được quan tâm rất lớn để chuẩn bị nguồn cung cho dịp cuối năm. Mỗi năm Hợp tác xã Nông nghiệp Tiên Minh, Yên Lãng, Hải Phòng cho ra thị trường hơn 300 tấn tôm, cá các loại.

Năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 con số này dự kiến giảm đi một nửa. Để khắc phục phần nào thiệt hại do bão, hiện hợp tác xã đang khẩn trương vệ sinh đầm, ao để bắt đầu nuôi thả đợt mới, đón đầu mùa tiêu dùng cuối năm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, tại một số địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh, đã khôi phục khoảng 80-100% cơ sở, hộ nuôi trồng thuỷ sản bị hư hại nhẹ từ ảnh hưởng của cơn bão số 3, các hoạt động đánh bắt khai thác cá biển được tăng cường, đặc biệt 15-20% đầm, ao, lồng bè đã được đầu tư mới bắt đầu xuống giống.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, một động lực để bà con nuôi trồng thủy sản khẩn trương khôi phục sản xuất đó là giá bán các loại cá và tôm khá tích cực, tăng hơn so cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm, nuôi trồng thủy sản đạt 4,6 triệu tấn, vẫn tăng 3,8% so cùng kỳ năm ngoái.

Ở các địa phương, đặc biệt là các địa phương miền bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực quay lại sản xuất để phục vụ cho nhu cầu thị trường vào cuối năm. Theo báo cáo chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) do S&P Global công bố, ngành sản xuất Việt Nam có 3 điểm nhấn nổi bật, đó là quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của bão Yagi đang diễn ra; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại và tình trạng gián đoạn đối với chuỗi cung ứng và sản xuất vẫn còn.

Dữ liệu tháng 10 cho thấy ngành sản xuất của Việt Nam bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của cơn bão trong tháng 9 khi ghi nhận cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng trở lại. Tuy nhiên, một số tác động của bão lũ đã kéo dài sang đến tháng 10, từ đó hạn chế tăng trưởng sản lượng và dẫn đến chậm trễ trong khâu giao hàng của nhà cung cấp và làm gia tăng lượng công việc chưa thực hiện. Tốc độ tăng của cả chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đã nhanh hơn nhưng vẫn còn ở mức nhẹ.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt kết quả 51,2 điểm trong tháng 10, tăng so 47,3 điểm của tháng 9 và đã vượt lại lên trên ngưỡng 50 điểm sau khi chịu tình trạng gián đoạn do cơn bão Yagi gây ra trong tháng trước. Các điều kiện kinh doanh đến nay đã mạnh lên suốt sáu trong 7 tháng qua, mặc dù mức độ cải thiện trong tháng 10 chỉ là nhẹ.

Doanh nghiệp gấp rút phục hồi sản xuất, chuẩn bị cho đơn hàng cuối năm ảnh 1

Doanh nghiệp ngành nông nghiệp chủ động đón đầu mùa tiêu dùng cuối năm.

Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp

Sau khi phục hồi sản xuất, vốn là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực cho vay phục hồi sản xuất.

Để hỗ trợ cho ngành thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung, Ngân hàng Nhà nước mới đây đã công bố tăng gấp đôi quy mô gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản lên 60.000 tỷ đồng từ mức 30.000 tỷ đồng trước đó.

Đây là lần thứ hai, gói vay này được tăng quy mô, cho thấy nhu cầu vốn cho lĩnh vực lâm, thủy sản là khá lớn, và giải ngân hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay sản xuất kinh doanh và có những chính sách hỗ trợ để giúp người dân, doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ.

Về phía các ngân hàng thương mại, nhiều giải pháp cũng đã được đề ra. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) đã quyết định giảm một nửa tiền lãi phải trả cho những khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão lũ. Đồng thời, cũng tiếp tục ưu đãi cho vay mới để có nguồn tiền tái thiết sản xuất.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng triển khai gói tín dụng 2.500 tỷ đồng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Cụ thể, khách hàng đang tham gia các gói tín dụng ưu đãi sẽ được gia hạn thêm 12 tháng với lãi suất không đổi; với các khách hàng đã hết thời gian ưu đãi lãi suất sẽ được giảm lãi từ 2%-7%, đưa lãi suất về mức chỉ từ 6,99%/năm trong 12 tháng tiếp theo.

Ngoài ra, nhà băng cũng thực hiện một số giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về việc giãn, hoãn nợ nhằm giảm tải gánh nặng cho khách hàng. Đồng thời, từ nay cho đến hết 31/1/2025, các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phù hợp dành cho các mục đích như: vay mua nhà, sửa chữa nhà và tiêu dùng với lãi suất chỉ từ 3,99%/năm; vay sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 5,49%/năm.

Đối với phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), PVcomBank chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Từ nay đến hết 31/12/2024, Ngân hàng áp dụng gói tín dụng ưu đãi với hạn mức 500 tỷ đồng, áp dụng mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất thông thường từ 1,5%-2%/năm và thời hạn vay trong 6 tháng cho các khách hàng. Đây là giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ giảm gánh nặng chi phí tài chính, đồng thời có thêm điều kiện thuận lợi về nguồn vốn để nhanh chóng ổn định, tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tính đến giữa tháng 10/2024, PVcomBank đã hỗ trợ thành công cho nhiều khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi, với tổng dư nợ giải ngân cho vay mới và tái cấp tín dụng đạt gần 76 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay được giảm lãi suất đạt hơn 130 tỷ đồng.

Để tạo điều kiện phục hồi sản xuất, kích cầu tiêu dùng cũng là giải pháp quan trọng. Theo ông Trần Quốc Hùng, nguyên Giám đốc điều hành Viện Tài chính quốc tế (IIF), cần có biện pháp mạnh mẽ để thúc đẩy tăng nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, qua đó kích cầu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, cần cắt giảm các thuế trực thu và gián thu cũng như phí công cộng để tăng sức mua của hộ gia đình, tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước. Từ đó tạo động lực ngược lại cho doanh nghiệp gia tăng sản xuất.