Đoàn kết, đồng lòng để phát triển môi trường nuôi biển bền vững

NDO - Đó là khẳng định của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại buổi tọa đàm đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm giải đáp những vấn đề còn trăn trở về nuôi biển, chiều 31/3, tại Vân Đồn, Quảng Ninh.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thăm mô hình nuôi hàu xen canh nuôi trồng rong sụn tại HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy thăm mô hình nuôi hàu xen canh nuôi trồng rong sụn tại HTX Phất Cờ (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh).

Tại buổi tọa đàm, khoảng 20 giám đốc các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp nuôi biển đại diện cho hơn 100 hợp tác xã nuôi biển của tỉnh Quảng Ninh có buổi gặp gỡ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy ngay trên khu vực lồng bè nuôi biển Công ty STP tại khu vực nuôi biển của HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Phất Cờ (huyện đảo Vân Đồn).

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã lắng nghe và giải đáp ngay tại chỗ những kiến nghị của các đại diện người nuôi biển.

Vẫn còn nhiều trăn trở để phát triển lĩnh vực nuôi biển

Ông Trần Văn Bảo (Giám đốc HTX Thủy sản Thắng Lợi đang nuôi trồng tại xã đảo Thắng Lợi, Vân Đồn) chia sẻ: Sau một quá trình dài, những người nuôi biển ở Quảng Ninh mong mỏi có cơ chế, chính sách được Nhà nước cấp phép nuôi biển, giao mặt nước ổn định, lâu dài để yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, mong mỏi này đang thành hiện thực. Đây là niềm vui, niềm động viên rất lớn của tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động trong lĩnh vực nuôi biển.

Chia sẻ về những khó khăn của hợp tác xã Thắng Lợi và các đơn vị nuôi biển tại Vân Đồn, Quảng Ninh đang gặp phải ông Bảo cho biết: Đặc thù của vùng biển tại Vân Đồn, các hòn đảo trên vịnh Bái Tử Long liên kết với nhau tạo thành các vũng, vịnh kín sóng, kín gió đồng thời cũng… kín luôn sóng điện thoại.

Vùng biển Vân Đồn "lõm" sóng điện thoại. Người nuôi biển đặt lồng bè ngoài khơi, không có sóng điện thoại để liên lạc nên rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Vân Đồn cũng chưa có cảng cá để tiêu thụ sản phẩm. Mong muốn của bà con là có một cảng cá đủ tiêu chuẩn để những gì sản xuất ra có nơi mua bán, tiêu thụ.

Mặt khác, hạ tầng nuôi biển cần có nguồn điện. Các HTX mong địa phương có cơ chế chính sách bởi khi được giao mặt nước ổn định, lâu dài, nghĩa là người dân có “đất” để canh tác nên bà con sẵn sàng góp tiền để xây dựng đường điện, từ đó có nguồn năng lượng để sản xuất.

Hiện tại, người nuôi vẫn chạy máy phát điện, chi phí rất lớn và không đáp ứng được yêu cầu nuôi trồng quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường do dầu thải xả ra”, ông Bảo chia sẻ.

Đoàn kết, đồng lòng để phát triển môi trường nuôi biển bền vững ảnh 1
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với doanh nghiệp, HTX về những tồn tại vướng mắc trong phát triển nuôi biển.

Từ tỉnh Ninh Thuận, ông Nguyễn Bá Ngọc - CEO của Công ty Mực nhảy Biển Đông - kiến nghị với người đứng đầu ngành nông nghiệp những khó khăn của người nuôi biển trên vùng biển hở. Ngoài rào cản về cơ chế chính sách, có những giấy phép phải xin ý kiến của trên 6 bộ, ngành vẫn chưa ra được; thêm vào đó, giấy cấp phép mặt nước còn có khó khăn về ranh giới giữa các hộ khai thác thủy sản và các hộ nuôi trồng. Khi chưa được giao mặt nước, những xung đột này thường xuyên xảy ra và người nuôi biển cũng không có căn cứ, cơ sở để ngăn cản người đánh bắt, khai thác thủy sản gần khu vực nuôi thả.

"Doanh nghiệp chưa được cấp mặt nước còn khó khăn trong quá trình khảo sát vùng nuôi. Đã có nhiều trường hợp tại biển Ninh Thuận, tầng đáy san hộ chết bị chết, đáy biển cứng như bề mặt bê-tông. Nếu không khảo sát tốt thì người nuôi biển không sống được. Ngoài ra, hạ tầng nuôi biển, lồng bè… của những người nuôi biển hiện tại đều có giá trị 0 đồng đối với ngân hàng, nghĩa là không được coi là tài sản thế chấp để vay vốn. Nếu có cơ chế, chính sách cho người nuôi biển sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc này khi đi mở biển", CEO của Mực nhảy Biển Đông trình bày kiến nghị.

Giải đáp trăn trở thắc mắc của doanh nghiệp, hợp tác xã

Tại tọa đàm, giải đáp các kiến nghị của đại diện người nuôi biển ở Vân Đồn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Mọi sản phẩm nuôi trồng nếu chúng ta chỉ quan niệm nó là thực phẩm, đó mới chỉ là giá trị 10, thủy phẩm mới là giá trị 100. Bà con nuôi biển cần có tư duy tối đa hóa sản phẩm, không nên coi nghề cá là nghề giải trí. Bộ cùng các địa phương đang nỗ lực tạo ra một không gian sinh kế mới, đưa nuôi biển trở thành ngành hàng. Nếu cứ theo cách tiếp cận này sẽ và đôi khi cứ căng thẳng về lợi ích, sẽ không có sự chia sẻ lợi ích”.

Ghi nhận các ý kiến của bà con, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết tỉnh luôn có những chỉ đạo sát sao và xác định ngành thủy sản là trụ cột kinh tế số 1 của địa phương; tỉnh đã có kế hoạch, chiến lược để phát triển ngành hàng thủy sản đồng bộ ở các khâu.

Đoàn kết, đồng lòng để phát triển môi trường nuôi biển bền vững ảnh 2
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ với doanh nghiệp, HTX về các khó khăn đang gặp phải trong phát triển kinh tế biển hiện nay.

Về kiến nghị của người dân về vùng "lõm" sóng điện thoại, sẽ có ý kiến với các nhà mạng để triển khai lắp đặt. Đối với cảng cá, tỉnh đã có chủ trương xây dựng một cảng cá bảo đảm theo các tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ hỗ trợ ngư dân. Đối với hệ thống điện, sẽ linh hoạt trong việc tận dụng khai thác các tài nguyên như điện năng lượng mặt trời... Tới đây, sẽ thực hiện theo quy hoạch các vùng nuôi, đối tượng nuôi... để phù hợp với môi trường vùng nước. Đối với nuôi trồng kết hợp với du lịch, đó là một chiến lược bài bản cần có sự đồng bộ.

Ông Cao Tường Huy nhấn mạnh: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau. Chúng ta là những người nông dân có kinh nghiệm nuôi biển, nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta cần có sự đoàn kết để tạo ra sức mạnh cộng đồng trong quá trình nuôi biển. Nếu các hộ đứng độc lập, cá thể sẽ không được giao biển, nếu kết hợp cùng nhau sẽ được giao biển quy mô lớn, ổn định, lâu dài".

Hội nghị đối thoại trực tiếp gỡ khó cho nuôi biển nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản. Trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra lễ thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại bãi biển Phương Đông, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Tại đây, 5 triệu con giống được thả xuống Vịnh Bắc bộ, trong đó có 4,9 triệu tôm sú và hơn 10 vạn cá vược, cá chẽm đã được thả xuống biển.

Hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản này đã khẳng định cam kết, vai trò của Việt Nam với quốc tế trong việc bảo tồn, gìn giữ, cân bằng hệ sinh thái biển trong quá trình phát triển kinh tế, bảo đảm hài hòa sinh kế của người dân.