Qua hơn 40 năm hình thành và phát triển, thị trấn Sông Đốc hiện đã trở thành một trong ba cực phát triển kinh tế đô thị động lực của tỉnh Cà Mau, cũng là vị trí cửa ngõ hành lang giao thông thủy quốc gia nối thẳng ra biển Tây.
Nơi “đất lành, chim đậu”
Đô thị biển Sông Đốc gắn với lịch sử phát triển lâu đời. Ngày trước, vào khoảng năm 1782, khi bị quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Ánh chạy về vùng đất phương nam và dừng chân ở cửa sông Ông Đốc nhằm cầu viện quân Xiêm giúp đỡ.
Có một vị quan tên là Đốc đã đứng ra ngăn cản việc làm nêu trên, sau đó bị sát hại. Để tôn vinh tinh thần yêu nước của vị quan này, người dân đã lấy tên con sông đặt tên là Ông Đốc, sau đọc trại ra thành Sông Đốc và trở thành tên gọi đến tận ngày nay.
Ngày 10/2/1955, sông Ông Đốc trở thành nơi ghi dấu lịch sử cách mạng trọng đại, là nơi chuyến tàu cuối cùng đưa cán bộ miền nam tập kết ra bắc, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và tiềm năng kinh tế biển dồi dào cho nên Sông Đốc trở thành điểm đến của đông đảo lao động thập phương và cả những doanh nghiệp muốn tìm cơ hội “đổi đời” với ngành nghề liên quan đến khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề biển. Thành công trong số đó có gia đình ông Tư Biểu (Nguyễn Tấn Biểu), ngụ Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, nhiều đời khá giả nhờ khai thác biển.
Sau giải phóng miền nam, ông Tư nối nghiệp cha, tận dụng hai chiếc tàu nhỏ đi biển làm nghề xiệp, lưới cào, lưới vây ven cửa Sông Đốc. Sau nhiều mùa vụ đầy ắp cá, tôm, ông Tư Biểu đóng tàu lớn hơn để chia cho bốn người con tiếp tục vươn xa. Nhờ khai thác trúng mùa mà đội tàu ấy không ngừng phát triển, có thời điểm lên đến 20 chiếc, mỗi chiếc giá trị vài tỷ đồng.
Để giữ chân lao động biển, ông Tư Biểu tận dụng mấy căn nhà rộng thênh thang của gia đình để hàng trăm lao động nữ vá lưới, lo hậu cần chuyến biển và tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, còn xây dựng mấy chục phòng trọ giá rẻ cho gia đình ngư dân. Cách làm của ông sau này cũng được các con tiếp bước và ai cũng thành công.
Nhờ tận dụng tốt lợi thế từ nghề biển mà hàng chục năm qua, nhiều gia đình hành nghề thu mua hải sản nhỏ từ tàu ghe, nay đã trở thành “đại gia” ở miền biển Sông Đốc với tài sản giá trị hàng trăm, thậm chí hơn 1.000 tỷ đồng.
Khởi điểm từ vựa thu mua nhỏ lẻ, về sau những doanh nghiệp này đầu tư luôn đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn, đội tàu thu mua hải sản, cây xăng, nhà máy sản xuất nước đá, chế biển hải sản...; góp phần giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.
“Tôi quê ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, vào đây sinh sống hơn 40 năm. Tôi nhận thấy Sông Đốc có thể được ví là nơi “rừng vàng, biển bạc”. Ở đây người dân rất cần cù, sáng tạo, tấm lòng rất nhân văn, tận tình giúp đỡ những người từ địa phương khác đến. Đây cũng là yếu tố góp phần giúp Sông Đốc không ngừng vươn lên”, ông Ninh Cao Phu, ngụ Khóm 10, thị trấn Sông Đốc chia sẻ.
Vươn mình ra hướng biển
Sông Đốc có diện tích tự nhiên hơn 2.900 ha, với khoảng 40.000 dân. Trong đó, có phần diện tích tự nhiên khoảng 61 ha là đảo Hòn Chuối và 12 ha các đảo nhỏ nằm trên biển. Đây cũng là thị trấn đảo nằm cuối cùng ở cực nam của dải đất hình chữ S, có một vị thế khá đặc biệt.
Ngoài đội tàu hùng hậu với hơn 1.000 chiếc khai thác xa bờ, Sông Đốc còn phát triển đội tàu thu mua hải sản, hoạt động dịch vụ hậu cần trên biển với gần 100 chiếc. Nơi đây quy tụ hơn 1.500 cơ sở kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá, tập trung nhiều là các mặt hàng xăng dầu, nước đá, ngư cụ…, nhờ đó mỗi năm hơn 100.000 tấn hải sản của Sông Đốc sản xuất ra đều được tiêu thụ hết.
Để xây dựng thị trấn Sông Đốc trở thành trung tâm kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tổng hợp của huyện Trần Văn Thời nói riêng, Cà Mau nói chung, thời gian qua, từ nguồn ngân sách nhà nước và vận động nhân dân đóng góp, hàng trăm tỷ đồng đã được đầu tư để nâng cấp cầu, lộ, hệ thống thoát nước, chợ, trung tâm hành chính.
Dự kiến đến cuối năm 2023, cây cầu hơn 500 tỷ đồng bắc qua sông Ông Đốc sẽ hoàn thành, đấu nối hai bờ. Khi đó, Sông Đốc không chỉ có trục giao thông nối liền đến tận bờ biển Đông của Cà Mau mà sẽ có hai tuyến giao thông huyết mạch kết nối với quốc lộ về tận địa phương, phục vụ tốt việc đi lại của nhân dân và vận chuyển hàng hóa.
Ngoài mũi nhọn là kinh tế biển, Sông Ðốc còn được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan khi nằm cạnh biển, gắn liền với đó là di tích văn hóa, lịch sử và các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống…
Phố biển này còn nằm gần các điểm du lịch nổi tiếng, như: Hòn Đá Bạc, đảo Hòn Chuối, cửa biển Cái Đôi Vàm... thu hút khách thập phương. Ở đây cũng có tuyến tàu cao tốc kết nối với Nam Du, Phú Quốc, phục vụ du lịch liên vùng.
“Thời gian tới, địa phương rất mong được đầu tư thêm một hệ thống cảng gắn với khu neo đậu bên phía bờ nam của Sông Đốc để phục vụ cho tàu thuyền khai thác. Bởi khu cảng và neo đậu hiện tại bên bờ bắc đã quá tải”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Sông Đốc Nguyễn Đình Chiểu mong muốn.
Sau hơn 40 năm kể từ khi được công nhận là thị trấn, tuy vẫn còn khó khăn nhưng Sông Đốc đã trở thành miền biển sầm uất nhất của Cà Mau. Phố biển đang tập trung thêm nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, phấn đấu được công nhận là thị xã trong tương lai.
“Để Sông Đốc phát triển nhanh hơn, ngoài đầu tư kết cấu hạ tầng, cần có cơ chế đặc biệt trong vấn đề hành chính, công vụ. Bởi thị trấn có gần 40.000 dân nhưng số cán bộ, công chức tương đương một xã. Nhân lực quá ít, rất khó để quán xuyến cả địa bàn rộng lớn và đông dân như vậy”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Văn Thời Trần Tấn Công chia sẻ.