Ðô đốc Hải quân Giáp Văn Cương tài năng và thao lược

Ðồng chí Giáp Văn Cương sinh năm 1921, trong một gia đình nông dân nghèo, tại xã Bảo Ðài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Ảnh hưởng lớn nhất đối với ông là quê hương - nơi có nhiều thanh niên đi theo Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ của phong trào khởi nghĩa nông dân. Chứng kiến cảnh đàn áp dã man của thực dân Pháp và tay sai đối với phong trào yêu nước ở quê hương, mới 14, 15 tuổi, Giáp Văn Cương đã gia nhập nhóm thanh niên yêu nước và tham gia nhiều trận đánh diệt quân Pháp. Trong các trận đánh, Giáp Văn Cương luôn tỏ rõ tinh thần mưu trí, dũng cảm, làm cho quân giặc nhiều phen kinh hồn, khiếp vía. Nhân dân trong vùng khâm phục, trân trọng lòng quả cảm, đã đặt cho Giáp Văn Cương biệt danh "Gấu xám". Với tài trí của mình, "Gấu Xám" trở thành một công nhân của ngành hỏa xa Ðông Dương, sau làm Trưởng ga Diêu Trì. Mặc dù là công nhân, rồi công chức của ngành hỏa xa, nhưng trong Giáp Văn Cương vẫn đau đáu lòng căm thù thực dân Pháp xâm lược. Chính vì thế, khi Nhật đảo chính Pháp (tháng 3-1945), được nhóm yêu nước Nguyễn Minh Vĩ giác ngộ, Giáp Văn Cương đã tham gia khởi nghĩa đánh Pháp, đuổi Nhật, giành chính quyền tại Quảng Ngãi.

Tháng 8-1945, đồng chí Giáp Văn Cương được cử giữ chức Ủy viên Quân sự tỉnh Bình Ðịnh, phụ trách công binh xưởng Hoàng Hoa Thám. Năm 1946, đồng chí Nguyễn Chánh, Ủy viên trưởng Quân sự của Ủy ban Hành chính kháng chiến Trung Bộ khi về Quảng Nam - Ðà Nẵng, Bình Ðịnh, Quảng Ngãi, đã phát hiện ra khả năng của đảng viên Giáp Văn Cương và điều đồng chí từ  quân giới sang Vệ quốc quân giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 Ba Tơ, thuộc Trung đoàn 96 Liên khu 5.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên các cương vị: Sư đoàn trưởng Sư đoàn 324, Sư đoàn 3, Sư đoàn 2, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Mặt trận Quảng Ðà... đồng chí Giáp Văn Cương đã góp phần chỉ huy làm nên chiến tích xây dựng Sư đoàn 324, Sư đoàn 2, Sư đoàn 3 của Liên khu 5 Anh hùng. Phó Tư lệnh  rồi Tư lệnh Quân khu 4. Tháng 4-1974, đồng chí Giáp Văn Cương được bổ nhiệm chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QÐND Việt Nam.

Ðất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Bộ Quốc phòng quyết định điều đồng chí Giáp Văn Cương về làm Tư lệnh Hải quân (năm 1977). Quyết tâm bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam XHCN, tháng 11-1977, Tư lệnh Giáp Văn Cương cùng Ðảng ủy Quân chủng xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ vùng biển; tháng 12-1978, xây dựng kế hoạch chiến đấu ở vịnh Bắc Bộ; tháng 3-1979, xây dựng kế hoạch chiến đấu bảo vệ quần đảo Trường Sa... Giai đoạn (1977 - 1980), đồng chí Giáp Văn Cương chủ trương xây dựng Hải quân thật sự là một quân chủng kỹ thuật, chính quy, tinh nhuệ và thiện chiến. Trước hết là ban hành thực hiện điều lệnh, điều lệ, rèn luyện kỷ luật ... tăng cường hỏa lực cho tàu chiến đấu, huấn luyện diễn tập hiệp đồng lực lượng để tăng cường sức mạnh bảo vệ vùng biển và hải đảo.

Ðồng chí Giáp Văn Cương trở lại làm Tư lệnh Hải quân năm 1984 với bao khó khăn về đặc điểm chiến trường, lực lượng, vũ khí, trang bị kỹ thuật, trình độ kinh nghiệm tác chiến trên biển, đảo xa và đối tượng tác chiến đã thay đổi. Ðồng chí Giáp Văn Cương khắc ghi lời Bác Hồ căn dặn Hải quân nhân dân: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài và tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó". Ðồng chí Giáp Văn Cương đã không quản khó nhọc, ngày đêm cùng Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh nghiên cứu, quyết tâm tìm ra phương thức để tham mưu cho Ðảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, đồng thời chỉ huy xây dựng lực lượng Hải quân Việt Nam hùng mạnh, kết hợp xây dựng thế trận chiến lược phòng thủ trên biển, đảo thành "pháo đài" bất khả xâm phạm, để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

Cuối năm 1986, Quân chủng Hải quân cùng toàn quân xây dựng chính quy, từng bước hiện đại theo đường lối đổi mới do Ðảng khởi xướng và lãnh đạo, thì tình hình Biển Ðông, đặc biệt là khu vực quần đảo Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp do các hoạt động do thám, khiêu khích, quấy phá, chiếm đóng một số đảo thuộc quần đảo lãnh thổ của Việt Nam, của các thế lực thù địch.

Nhận định, đánh giá tình hình đề xuất của Ðảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân đã được cấp trên chấp thuận. Bộ Chính trị, Thường vụ Ðảng ủy Quân sự T.Ư ra nghị quyết và Bộ trưởng Quốc phòng có chỉ thị, Ðảng ủy Quân chủng lãnh đạo toàn Quân chủng kịp thời điều chỉnh tổ chức, cơ động triển khai lực lượng, nhanh chóng đóng giữ các đảo, các bãi đá ngầm.

Ðề phòng xung đột quân sự nhỏ trên khu vực Trường Sa có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh lớn trên biển, Tư lệnh Giáp Văn Cương ra lệnh: Hết sức bình tĩnh, kiềm chế, tự vệ là chính, không nổ súng trước, nhưng kiên quyết táo bạo, với phương châm "có người, có đảo; còn người, còn đảo". Nhận được mệnh lệnh của Tư lệnh Giáp Văn Cương, cán bộ, chiến sĩ trên đảo mặc dù chỉ là những người lính công binh xây dựng, đã không sợ hy sinh, quyết chiến đẩy lùi các hành động xâm chiếm của các thế lực nước ngoài. Kết quả trong ba năm (1986 - 1989), Quân chủng Hải quân đã hoàn thành một khối lượng công việc bằng cả mười năm trước cộng lại. Sức mạnh tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu của bộ đội trên quần đảo, DK1 đã nâng lên một bước. Năm 1988, đồng chí Giáp Văn Cương được Nhà nước thăng cấp từ Phó Ðô đốc lên Ðô đốc Hải quân. Ngày 5-7-1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng cụm kinh tế - khoa học - dịch vụ, tiếp tục khẳng định và công khai hóa chủ quyền của Việt Nam đối với khu vực thềm lục địa phía nam. Tư lệnh Giáp Văn Cương đã lãnh đạo, chỉ huy các lực lượng hải quân vượt mọi khó khăn, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì sự nghiệp toàn vẹn biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc, tổ chức lực lượng đóng quân tại các đảo, thực hiện sự có mặt của Việt Nam trên thềm lục địa 60.000 km2  thuộc chủ quyền tài phán của Việt Nam phù hợp Luật Biển quốc tế.

Kết quả này có ý nghĩa vô cùng to lớn, cả trước mắt và lâu dài, trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Về chính trị, đã giữ được chủ quyền, kịp thời chặn đứng âm mưu, thủ đoạn thâm độc thôn tính Trường Sa và độc chiếm Biển Ðông của nước ngoài; làm cho nhân dân trong nước hiểu rõ nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam trên biên giới đất liền, vùng biển, hải đảo, thềm lục địa là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, không phải riêng của lực lượng vũ trang; tạo phong trào "cả nước vì Trường Sa thân yêu". Về quân sự, tạo thế phòng thủ bố trí chiến lược, ngăn chặn từ xa kẻ thù có ý định tiến công nước ta bằng đường biển và đường không; là đài quan sát phát hiện sớm âm mưu của địch trên khu vực Biển Ðông, kịp thời ứng phó trước mọi tình huống. Về kinh tế, nhờ bảo vệ được quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam, nước ta đã chủ động bảo vệ và khai thác tài nguyên biển, đặc biệt các mỏ dầu khí đem lại nguồn lợi to lớn cho Tổ quốc. Về ngoại giao, khẳng định với thế giới lập trường, quan điểm trước sau như một: Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và thềm lục địa phía nam là chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam; mọi hành động lấn chiếm của nước ngoài là trái phép, đều bị lên án; cuộc đấu tranh bảo vệ quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và thềm lục địa phía nam là chính đáng và được nhân dân thế giới đồng tình ủng hộ.

Với thành tích đó, Quân chủng Hải quân đã được kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII ghi nhận: "Nhiệt liệt biểu dương cán bộ, chiến sĩ đã gian khổ hy sinh anh dũng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc". Và ngày 13-12-1989, Quân chủng Hải quân đã được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Thắng lợi trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía nam, trước hết, đó là kết quả lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng, Bộ Chính trị, Ðảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng, Ðảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, của cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng, sự động viên kịp thời của toàn dân, toàn quân "Tất cả vì Trường Sa thân yêu" cùng với sự ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới. Trong thắng lợi đó, có phần đóng góp quan trọng của vị Tư lệnh Hải quân Ðô đốc Giáp Văn Cương - Tấm gương Ðô đốc Giáp Văn Cương đã nêu bật tinh thần mưu trí, táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết đánh và biết thắng cho toàn lực lượng Hải quân Việt Nam. Ngày nay, tư tưởng ấy vẫn là phương châm chỉ đạo hành động cho toàn Quân chủng quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. 

ÐÔ đốc Giáp Văn Cương là một Tư lệnh Hải quân tài năng, thao lược, với nhiều hoài bão và những dự định cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc, nhưng do bệnh hiểm nghèo đã không cho đồng chí thực hiện những hoài bão và cống hiến đó. Tháng 3-1990, Ðô đốc Giáp Văn Cương đã vĩnh biệt chúng ta. Ghi nhận và suy tôn công trạng của Ðô đốc Giáp Văn Cương, đồng thời để cán bộ, chiến sĩ Hải quân noi gương, học tập, sống xứng đáng với công lao của Tư lệnh Giáp Văn Cương, Quân chủng Hải quân có chủ trương đề nghị cấp trên cho phép xây dựng nhà tưởng niệm đồng chí tại quần đảo Trường Sa và đặt tên Giáp Văn Cương cho một hòn đảo trên quần đảo.

Duy Phục