Định hướng phát triển công nghiệp dược

Dự thảo Luật Dược sửa đổi vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (Quốc hội khóa XIII) vừa qua đã xác định lại hướng phát triển của ngành dược. Theo đó, sẽ ưu tiên, khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc trong nước, nhất là thuốc có nguồn gốc từ dược liệu, nhanh chóng đưa ngành dược Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.

Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược Trung ương mediplantex.            Ảnh: TRUNG HIẾU
Sản xuất thuốc tại Công ty CP Dược Trung ương mediplantex.            Ảnh: TRUNG HIẾU

Tại Hội nghị tổng kết năm 2015 mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ thuốc sản xuất trong nước trúng thầu vào các cơ sở y tế trong những năm gần đây tăng cao. Năm 2015, thị phần thuốc sản xuất trong nước chiếm 36% về giá trị và 74% về số lượng. So với các nước ASEAN, Việt Nam có thị phần thuốc trong nước cao nhất về mặt số lượng. Sở dĩ, giá trị thuốc chiếm tỷ lệ thấp do thuốc trong nước có giá rẻ hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu ,nhưng tính về số lượng thì rõ ràng thuốc trong nước sử dụng nhiều hơn thuốc nhập khẩu.

Tuy vậy, công nghiệp dược trong nước phát triển chưa như kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân là do Luật Dược hiện hành định hướng chưa phù hợp khi ưu tiên đầu tư vào sản xuất nguyên liệu hóa dược làm thuốc, là lĩnh vực mà Việt Nam không có lợi thế. Hiện nay hầu hết nguyên liệu làm thuốc vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Luật Dược không có các chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước cũng như cơ chế bảo đảm đầu ra cho thuốc trong nước; chưa có chính sách để phát triển nuôi trồng và khai thác dược liệu, ưu đãi đầu tư trong sản xuất và kinh doanh dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Khắc phục những bất cập đó, dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được thảo luận, lấy ý kiến, hoàn thiện đã định hướng lại, xác định rõ các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược. Thay vì định hướng đầu tư sản xuất nguyên liệu hóa dược, dự thảo tập trung ưu tiên nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; ưu tiên sản xuất thuốc mới hết hạn bằng sáng chế hoặc các độc quyền có liên quan, vắc-xin - sinh phẩm, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Dự thảo quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước, nhằm dần thay thế thuốc nhập khẩu có cùng tiêu chí kỹ thuật; ưu tiên đăng ký thuốc generic đầu tiên (thuốc hết thời gian bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) do trong nước sản xuất. Cùng với đó, dự thảo Luật Dược cũng quy định tạo thuận lợi về đầu ra cho thuốc sản xuất trong nước. Đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế… không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng các yêu cầu về điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Ưu tiên mua thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thuộc Danh mục sản phẩm quốc gia hay được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Với thuốc generic sản xuất trong nước được ưu tiên đưa vào danh mục thuốc đàm phán giá, giúp thuốc nhanh chóng tiếp cận thị trường và cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), đơn vị đầu mối xây dựng dự thảo Luật Dược, việc xác định lại hướng phát triển cho ngành dược như nói trên nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực Việt Nam thật sự có tiềm năng và thế mạnh cạnh tranh. Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được các thuốc generic có chất lượng không thua kém thuốc nhập khẩu dựa trên năng lực bào chế của các doanh nghiệp, hệ thống kiểm soát chất lượng thuốc và đánh giá tương đương sinh học của ngành dược. Đồng thời, định hướng này cũng phù hợp với xu hướng tăng cường sử dụng thuốc generic trên thế giới do chi phí thấp, tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế. Ưu tiên sản xuất vắc- xin là hướng đi hợp lý bởi Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển có nền công nghệ sản xuất vắc-xin, đã tự chủ sản xuất được hơn mười vắc-xin phòng các bệnh nguy hiểm.

Ưu tiên phát triển nguồn dược liệu, để phục vụ công nghiệp bào chế và phát triển sản xuất thuốc từ dược liệu là giải pháp then chốt đối với sự phát triển của nền công nghiệp dược trong nước bởi Việt Nam có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu làm thuốc và kho tàng tri thức sử dụng cây, con làm thuốc trong nhân dân. Thế mạnh này tạo nên lợi thế so sánh giữa nước ta với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Xu hướng sử dụng các thuốc từ dược liệu của người dân đang ngày càng tăng so với thuốc tân dược với khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển bảo vệ sức khỏe bằng thuốc y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược. Về năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, những năm qua, các công nghệ sản xuất thuốc từ dược liệu đã được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư và nâng cấp theo tiêu chuẩn GMP-WHO.

Luật Dược sửa đổi được thông qua sẽ là cơ sở để thúc đẩy việc thực hiện mạnh mẽ Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua đó, ngành dược có nhiều thuận lợi để hoàn thành mục tiêu quan trọng là đến năm 2020 sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước, thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm.