Định hướng phát triển các công nghệ 4.0

NDO -

Sáng 26-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, robot và vật lý”, nhằm chia sẻ một số kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam thời gian qua.

Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Đây là dịp tạo diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi, thảo luận cùng định hướng cho sự phát triển của ngành, lĩnh vực, góp phần thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và Đề án chuyển đổi số của Chính phủ.  

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH và CN Việt nam Chu Hoàng Hà cho biết, thời gian qua, các nhà khoa học của Viện Hàn lâm KH và CN Việt Nam đã đạt được những kết quả nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ quan trọng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vật lý, robot và năng lượng. Các đơn vị đã nghiên cứu chế tạo, ứng dụng những công nghệ mới, có những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, được đơn vị sử dụng đánh giá cao.

Có thể kể đến một số sản phẩm, công nghệ quan trọng như: Máy tạo đá tuyết từ nước biển năm 2018, phục vụ đánh bắt hải sản của Trung tâm Phát triển công nghệ; chế tạo và chuyển giao thành công nhiều mẫu máy bay không người lái - UAV Pelican cánh bằng, lên thẳng dạng trực thăng - DF-26, của Viện vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học (năm 2016-2019); chế tạo Vệ tinh Micro Dragon năm 2019 của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; máy hỗ trợ khử khẩn viết thương hở công nghệ Plasma lạnh của Viện vật lý năm 2016; robot 6 bậc tự do của Viện Cơ học năm 2017; hệ thống phần mềm phân tích đánh giá thông tin bán hàng trực tuyến, quản lý báo chí trên mạnh internet của Viện Công nghệ thông tin năm 2018-2019; Robot-Vast 2020 của Viện Vật lý và gần đây nhất là Hệ thống thông tin lên lạc bằng khinh khí cầu có điều khiển đường bay, kết quả chuyển đổi số các công trình nghiên cứu của Viện Hàn lâm… Kết quả bước đầu thể hiện sự định hướng đúng đắn của Viện Hàn lâm, các đơn vị chuyên môn và nhà khoa học.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã trình bày các kết quả nghiên cứu, công nghệ có tính ứng dụng cao và nhấn mạnh xu thế phát triển, nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0. Đáng chú ý, từ thực tế thiên tai lũ và sạt lở đất thời gian qua và trên cơ sở nghiên cứu, thiết kế và triển khai các hệ thống cảnh báo tự động đường ngang đường sắt, giám sát điều khiển giao thông thông minh, PGS, TS Phạm Hồng Quang, Trung tâm Tin học và Tính toán đề xuất xuất xây dựng hệ thống giám sát, báo động lũ và sạt lở đất cộng đồng và chỉ báo tìm kiếm cứu hộ cứu nạn giá rẻ do các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thiết kế và có khả năng sản xuất chế tạo trong nước.

PGS, TS Phạm Thanh Giang, Viện Công nghệ thông tin chia sẻ về xu hướng công nghệ mạng 6G. Hiện tại, chỉ một số ít người dùng trên thế giới được sử dụng mạng 5G, còn phần lớn vẫn đang sử dụng mạng 4G hoặc 3G. Tại Việt Nam, ba nhà mạng Viettel, Vinaphone và Mobifone bắt đầu thử nghiệm mạng 5G vào năm 2019 và hướng tới triển khai thương mại vào các năm tiếp theo.

Theo chu kỳ, mỗi thế hệ mạng mới thường được triển khai sau mỗi 10 năm, do đó, mạng di động 6G dự đoán sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2030. Mục tiêu của mạng 6G là giải quyết các hạn chế của mạng 5G, hướng tới khả năng kết nối không gian - khí quyển - mặt đất - dưới biển. Các nước hiện nay đều có cơ hội như nhau về mặt thời gian để có thể dẫn đầu về nghiên cứu, triển khai mạng 6G, nhưng không phải nước nào cũng đủ năng lực khoa học công nghệ và tài chính để tham gia cuộc đua. Việt Nam sẽ có nhiều hạn chế nếu tham gia các lĩnh vực yêu cầu đầu tư tốn kém, nhưng có khá nhiều thế mạnh trong các hướng như: Nghiên cứu và sản xuất các thiết bị đầu cuối 6G; nghiên cứu chuyên sâu trong việc tối ưu, điều khiển trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu công nghệ AI cho hệ thống quản trị, xử lý dữ liệu trong hệ thống mạng 6G; nghiên cứu các bài toán an toàn, bảo mật blockchain để giải quyết bài toán an toàn trong hệ thống mạng mới...

Ngoài ra, tại Hội thảo, các nhà khoa học trình bày một số kết quả ứng dụng và định hướng phát triển lĩnh vực tự động hóa và robot trên thế giới và Việt Nam, giai đoạn 2020-2025; xu thế phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong ngành năng lượng trên thế giới và Việt Nam; phát triển robot hoạt động trong môi trường nước, thực trạng, tiềm năng và định hướng...

Các nhà khoa học đề cập các khó khăn, vướng mắc trong việc phát triển công nghệ trong các lĩnh vực này và đề xuất giải pháp tiếp cận xu thế phát triển của thế giới để không bị tụt hậu mà còn bắt kịp thế giới. Các kiến nghị và đề xuất các giải pháp đó sẽ giúp các cơ quan quản lý hoàn thiện cơ chế, chính sách đang đặt ra hiện nay về: Chuyển đổi số quốc gia; phát triển mạng 6G, nghiên cứu công nghệ cốt lõi phục vụ thiết thực các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trong CMCN 4.0…