Điều gì đang chờ đợi thị trường kim loại quý trong tháng 3?

NDO -

Mặc dù bạc và bạch kim thường không chiếm vai trò quá nổi bật trong thị trường hàng hóa, nhưng những căng thẳng chính trị ở châu Âu và lo ngại về lạm phát trên toàn thế giới gần đây đã lấy lại vị thế cho 2 nhóm hàng này. Liệu rằng triển vọng của thị trường kim loại quý có trụ vững sau cuộc họp tháng này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)?

Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Reuters)

Kênh trú ẩn an toàn của giới đầu tư trong bối cảnh xung đột giữa Nga và Ukraine

Kết thúc tháng 2 vừa qua, thị trường chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của hai mặt hàng kim loại quý, với giá bạc tăng gần 12% lên 25,5 USD/ounce và giá bạch kim tăng 2,86% lên 1052 USD/ounce.

Điều gì đang chờ đợi thị trường kim loại quý trong tháng 3? -0

Lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ mạnh tay tăng lãi suất vẫn đang là yếu tố kìm hãm sức mua đối với cả hai mặt hàng. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine leo thang, các nhà đầu tư ngày càng đề cao vai trò trú ẩn an toàn, khiến cho dòng vốn đổ về thị trường kim loại quý ngày càng cao hơn.  

Thị trường tài chính thế giới nói chung, và các thị trường mang tính đầu tư như chứng khoán Mỹ hay thị trường tiền điện tử, không ít thì nhiều, cũng bị ảnh hưởng gián tiếp bởi những vấn đề địa chính trị trên thế giới. Các quỹ đầu tư lớn, chiếm khoảng 30% lực lượng trên các thị trường hàng hóa tương lai, đã tiến hành nâng tỷ trọng các mặt hàng kim loại quý trong danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro. Báo cáo Cam kết Thương nhân của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai mới đây cho thấy số lượng vị thế mua ròng của các quỹ ở cả thị trường bạc và bạch kim đều đang ở mức cao nhất trong vòng một tháng.

Bên cạnh đó, lo ngại về lạm phát trên thế giới ngày càng gia tăng, do ảnh hưởng của giá năng lượng. Hiện giá dầu thô WTI đã vượt mốc 100 USD, mức cao nhất trong vòng 7 năm. Chi phí sản xuất gia tăng sẽ khiến cho các doanh nghiệp chuyển bớt sức ép tăng giá sang phía người tiêu dùng. Đồng tiền ngày một mất giá sẽ khiến cho các vai trò chống lại lạm phát của hai mặt hàng kim loại quý ngày một hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư.

Triển vọng tăng trưởng chịu tác động từ cuộc họp tháng 3 của FED

Tuy nhiên, có không ít các nhà đầu tư đặt ra câu hỏi rằng, liệu đà tăng của thị trường kim loại quý sẽ tiếp tục duy trì, giúp cho giá bạc quay lại mức đỉnh 29 USD/ounce, và giá bạch kim chạm mức 1350 USD/ounce của năm ngoái, hay chỉ là một đợt tăng ngắn hạn rồi lại điều chỉnh.

Hiện mọi sự chú ý của các nhà đầu tư một lần nữa lại hướng về cuộc họp tháng này của Ủy ban Thị trường mở Liên bang Mỹ. Nội dung của cuộc họp có thể là chất xúc tác mạnh đối với thị trường tài chính thế giới. Theo công cụ CME Watch Tool, thị trường dự báo gần 100% khả năng FED sẽ tăng lãi suất trong khoảng từ 0,25-0,5% trong kỳ họp vào giữa tháng 3. Mặc dù vậy, trong bối cảnh các rủi ro đến từ yếu tố chính trị và mức lạm phát cao nhất trong bốn thập kỷ, các quan chức của FED có thể sẽ không tăng lãi suất quá nhiều để tránh việc các thị trường tài chính bị biến động mạnh hoặc kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Điều gì đang chờ đợi thị trường kim loại quý trong tháng 3? -0

Nếu FED nâng lãi suất trong tháng 3, dù ít hay nhiều cũng sẽ tạo ra sức ép lớn lên giá của hai mặt hàng kim loại quý, bởi lãi suất cao hơn sẽ củng cố vị thế của đồng bạc xanh và trực tiếp làm cho vai trò chống lạm phát của bạc và bạch kim trở nên kém hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến căng thẳng ở châu Âu vẫn chưa chấm dứt, các chính sách của FED sẽ không phải yếu tố duy nhất tác động lên triển vọng của thị trường kim loại quý.